VnReview
Hà Nội

Tương lai nào cho phim Việt Nam sau bom tấn trăm tỷ 'Tiệc trăng máu'?

Sau 'Tiệc trăng máu', điện ảnh Việt Nam chứng kiến thêm 2 bộ phim nữa ra rạp là 'Thang máy' và 'Sài Gòn trong cơn mưa'. Đáng tiếc là cả hai tác phẩm kể trên đều không thành công về mặt doanh thu.

'Tiệc trăng máu' cán mốc 100 tỷ đồng trở thành phim doanh thu cao nhất Việt Nam mùa dịch

'Tiệc trăng máu' là một hiện tượng lạ của điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm này không có hiệu ứng tốt, phá vỡ các kỷ lục trong vài ngày đầu ra mắt như 'Ròm' nhưng lại âm thầm bứt phá và hiện đã đạt đến doanh thu hơn 125 tỷ đồng. Thành công của tác phẩm do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phụ trách còn đáng kinh ngạc hơn khi nó được chiếu vào lúc khán giả đang ngại ra rạp vì Covid-19. Đến một bộ phim có hiệu ứng tốt như 'Ròm' cũng chỉ đạt doanh thu hơn 58 tỷ đồng hay bom tấn 'Bán đảo' cũng chỉ mang về hơn 80 tỷ đồng tiền bán vé.

'Tiệc trăng máu' đang rất thành công

Không chỉ vậy, 'Tiệc trăng máu' lại là một bộ phim được làm lại từ bản gốc của nước ngoài. Cần phải biết rằng các nhà làm phim nước ta thực hiện khá nhiều bản remake nhưng chỉ có 3 tác phẩm thực sự thành công về mặt doanh thu là 'Em là bà nội của anh', 'Tiệc trăng máu' và Tháng năm rực rỡ'. Vì vậy, kết quả mà bộ phim mới nhất của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thu được lại càng đáng quý. Tuy nhiên, sau thành công của 'Tiệc trăng máu' điện ảnh Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt trong năm 2020 hay tiếp tục rơi vào trạng thái 'ngủ đông' trong những ngày tháng dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới thì lại là điều đáng suy ngẫm.

Thành công của 'Tiệc trăng máu' khác với 'Ròm'

'Ròm' và 'Tiệc trăng máu' là hai bộ phim mở đường cho điện ảnh Việt Nam thời Covid-19 về mặt doanh thu. Tuy nhiên, thành công của hai tác phẩm này cơ bản là khác nhau ở bản chất. 'Ròm' tạo được tiếng vang lớn, tạo nên sức hút khổng lồ chủ yếu từ sự tò mò của khán giả Việt Nam. Người xem tò mò từ ý tưởng của bộ phim, quá trình 8 năm ekip tác phẩm thực hiện đến việc nó bị phạt và cấm chiếu vào năm 2019 vì không xin phép nhưng lại mang đi thi ở đấu trường quốc tế.

Sự tò mò này lớn đến mức 'Ròm' nằm trong top những bộ phim được chờ đợi nhất trong năm 2020 trong một đợt khảo sát từ trước khi Covid-19 bùng phát. Điều này được kiểm chứng bằng việc trong 3 ngày đầu ra mắt bộ phim lập một loạt kỷ lục phòng vé Việt Nam trong năm 2020, vượt rất nhiều bom tấn của nước ngoài.

'Ròm' thành công nhờ chủ đề lạ

Nhưng công bằng mà nói chất lượng phim của 'Ròm' là có vấn đề. Bộ phim dễ tiếp cận người xem bởi nó đề cập đến đến nạn lô đề với những cậu bé mồ côi làm nghề cò đề vốn không xa lạ cách đây một vài thập niên. Tuy nhiên, nếu là người công tâm, không bị ảnh hưởng bởi những đánh giá có cánh xuất hiện nhan nhản dành cho 'Ròm' thì có thể thấy tác phẩm này còn những lỗ hổng lớn về nội dung. Câu chuyện xuyên suốt bộ phim là vấn nạn lô đề, cuộc tìm kiếm cha mẹ của Ròm và việc giải tỏa chung cư thì cả 3 vấn đề này đều không được giải quyết triệt để và còn rất dở dang. Kết thúc phim là cảnh chạy của Ròm của hiện tại và quá khứ nhưng nó không giúp giải quyết bất kỳ một điều gì.

Tác phẩm của đạo diễn Trần Thanh Huy không phải là một bộ phim giải trí, không dễ xem, hình thức kể chuyện không hấp dẫn và nội dung còn rất nhiều lỗ hổng. Ngay sau thời gian đầu công chiếu thành công vang dội, 'Ròm' càng về sau càng đuối và ít khán giả xem hơn hẳn. Nhiều người thưởng thức xong bộ phim cảm lấy nó quá lửng lơ và hụt hẫng vì kết chưa trọn vẹn, chưa giải quyết được vấn đề mà tác phẩm đặt ra. Khi sự tò mò đã hết, 'Ròm' quay trở về với hiện thực của một bộ phim độc lập có chất lượng ở mức trung bình và điểm mạnh duy nhất là chủ đề lạ.

'Tiệc trăng máu' của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì khác hẳn. Cũng thành công về mặt doanh thu như 'Ròm' nhưng nó đi được đường dài và bền hơn rất nhiều. 3 tuần liên tiếp tác phẩm này đứng đầu doanh số phòng vé Việt Nam là minh chứng cho nhận định kể trên. Bộ phim là sự kết hợp hoàn hảo của một kịch bản gốc tốt, đội ngũ chuyển thể xuất sắc, diễn viên chất lượng và bàn tay nhào nặn tinh tế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không có hiệu ứng tò mò như 'Ròm' từ ban đầu mà thành công nhờ nội lực thực sự của nó. Việc có một dàn diễn viên toàn sao hạng A cũng giúp tác phẩm thu hút được sự quan tâm lớn của người hâm mộ. Cũng vì nội lực rất mạnh và sự tính toán kỹ lưỡng của nhà sản xuất nên 'Tiệc trăng máu' mới là 'ngôi sao sáng' của nền điện ảnh Việt Nam thời Covid-19, trở thành bộ phim remake có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.

Tương lai nào cho điện ảnh Việt Nam trong năm 2020?

Sau thành công 'Tiệc trăng máu', hai bộ phim Việt Nam khác đã ra rạp là 'Thang máy' và 'Sài Gòn trong cơn mưa'. Tuy nhiên đáng tiếc cả hai đều không thành công. 'Thang máy' mất tới 5 năm để thực hiện, do một đạo diễn người Mỹ có tên Peter Mourougaya phụ trách nhưng lại thất bại thảm hại về cả mặt doanh thu cũng như hiệu ứng. Tác phẩm chìm nghỉm và chỉ thu về khoảng 1,5 tỷ đồng tiền bán vé dù là phim kinh dị ra mắt đúng dịp Halloween. Cái không được của tác phẩm này đến từ nội dung của nó quá rập khuôn và phi lý - một điểm yếu chí tử của rất nhiều phim Việt Nam từ trước đến nay.

'Thang máy' thất bại vì có quá nhiều lỗi nội dung

'Sài Gòn trong cơn mưa' ra mắt sau 'Thang máy' không lâu và cũng chịu một kết cục tương tự. Bộ phim độc lập này vẫn có điểm yếu chí tử ở mảng nội dung không thực tế và quá ngây ngô. Nhiều người từng hy vọng sau thành công của 'Ròm' thì các bộ phim độc lập sẽ được quan tâm hơn, nhiều người chú ý hơn. Tuy nhiên, rõ ràng tác phẩm của đạo diễn Trần Thanh Huy thành công chỉ mang tính nhất thời và chủ yếu là do sự tò mò của khán giả. Sau đó, các bộ phim độc lập vẫn khó có 'đất sống' và cũng khó đạt được thành công phòng vé.

Thất bại của 'Thang máy' và 'Sài Gòn trong cơn mưa' có thể chỉ ra rằng yếu tố nội dung vẫn là điều quan trọng nhất. Khi một bộ phim đủ hay, không nhảm nhí thì chắc chắn sẽ thành công còn ngược lại thì thường nhận thất bại nặng nề. Tiếc rằng, nội dung vẫn là điểm yếu chí tử của phần lớn phim Việt Nam. Sau nội dung, các nhà làm phim có thể tính đến chuyện diễn viên nổi tiếng, bối cảnh đẹp... nhưng nếu phim không logic, không liền mạch thì sẽ rất khó có người xem. Thành công của 'Ròm' chỉ là cá biệt và sẽ không có trường hợp tương tự, ít nhất là trong năm 2020 bởi đây vẫn là thời điểm khán giả lười ra rạp vì Covid-19.

Trong tháng 11 và 12, điện ảnh Việt Nam sẽ còn chào đón 'Trái tim quái vật', 'Chồng người ta' (20/11), 'Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử' (18/12), 'Phát đạn của kẻ điên' (18/12), 'Thoát ế' và 'Người quên cần phải nhớ' vào dịp Giáng sinh. Trong số này 'Trái tim quái vật' sẽ rất đáng chú ý bởi có sự góp mặt của Hoàng Thùy Linh trở lại với điện ảnh sau 7 năm. Đồng thời, đạo diễn Quang Huy từng rất thành công với 'Chàng trai năm ấy' cũng là nhà sản xuất của tác phẩm này. Tuy vậy, khả năng thành công của 'Trái tim quái vật' vẫn còn bỏ ngỏ bởi nó được thực hiện bởi đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp - người lần đầu thử sức với điện ảnh và thể loại hình sự đen tối mà tác phẩm hướng tới khá kén khán giả.

Hoàng Thùy Linh chuẩn bị tái xuất điện ảnh với 'Trái tim quái vật'

Một tác phẩm nắm giữ khả năng thành công cao trong dịp cuối năm 2020 là 'Người quên cần phải nhớ'. Bộ phim có sự góp mặt của những người rất thành công với điện ảnh Việt là nhà sản xuất Charlie Nguyễn, đạo diễn Đức Thịnh, diễn viên Thái Hòa... Trong đó Đức Thịnh từng giữ vai trò đạo diễn trong 2 bộ phim doanh thu trên 100 tỷ đồng là 'Siêu sao siêu ngố' và 'Trạng Quỳnh' cùng tham gia một bộ phim trên 100 tỷ đồng khác là 'Tiệc trăng máu' với vai trò diễn viên.

Ngoài ra, 'Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử' cũng rất đáng quan tâm khi tác phẩm này gắn liền với tên tuổi của diễn viên Thu Trang - vốn đang tạo được hiệu ứng rất tốt sau 'Tiệc trăng máu'. Năm ngoái 'Chị Mười Ba: Phần Kết Thập Tam Muội' cũng thu được tới hơn 54 tỷ đồng tiền bán vé.

Hai tháng cuối năm 2020 sẽ là thời điểm cạnh tranh gay gắt của các tác phẩm điện ảnh Việt Nam. Nhất là khi những bộ phim bom tấn Hollywood sẽ vắng mặt trong thời gian sắp tới bởi đều đã chuyển lịch chiếu sang 2021 vì Covid-19 thì đây chính là cơ hội để điện ảnh nước nhà tạo dấu ấn với khán giả. Vấn đề hiện nay là những bộ phim này có đủ sức kéo khán giả đến rạp hay không mà thôi. Nói cách khác, bộ phim nào nội dung tốt hơn thì sẽ thành công hơn.

T.T

Chủ đề khác