VnReview
Hà Nội

Báo Nhật: phim chiếu rạp “Demon Slayer” mang về nhiều tiền nhất cho Sony

Bộ phim đã đứng đầu phòng vé Nhật Bản 12 tuần liên tiếp, trở thành tác phẩm ăn khách nhất Nhật Bản sau khi vượt qua Vùng đất linh hồn. Vậy ai là người được lợi nhất từ thành công của phim?

Nhà báo của tờ JPrime Nhật Bản đã đặt ra câu hỏi như vậy và được nhân viên làm việc tại một nhà xuất bản lớn cho biết: "Có thể đó là Sony". Thông tin có vẻ khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, bởi Shueisha mới là công ty xuất bản loạt manga gốc và ufotable là xưởng sản xuất chính cho anime. Vậy tại sao Sony lại được người ta nhắc đến?

Bộ truyện đã xuất bản được hơn 120 triệu bản in giấy lẫn kỹ thuật số, tính tới tập cuối cùng thứ 23 vừa phát hành hôm 4/12. Doanh thu theo tính toán có lẽ khoảng hơn 50 tỷ yên. Tiền bản quyền chiếm tối đa 10% tương ứng 5 tỷ yên thuộc về tác giả sáng tạo ra nguyên tác, nữ mangaka Koyoharu Gotoge. Còn lại khoảng 45 tỷ yên thuộc về đơn vị xuất bản Shueisha.

Nhà xuất bản Shueisha thu về hàng chục tỷ tên từ bộ manga (ảnh: Kyodo News)

Sony không tham gia xuất bản truyện tranh nên phần doanh thu mà công ty được hưởng sẽ tới từ bản chiếu rạp anime (bài báo không bao gồm bản TV series công chiếu năm 2019). Demon Slayer The Movie: Mugen Train ghi nhận 34,6 tỷ yên theo số liệu cập nhật vào cuối tuần trước, sau khi;vượt qua Spirited Away. Doanh thu hiện tại đã vượt qua con số này.

Với 34,6 tỷ yên, phía rạp chiếu sẽ được giữ lại 50% theo tỉ lệ ăn chia truyền thống trong ngành. Có nghĩa 17,3 tỷ yên sẽ là phần còn lại của các công ty sản xuất và phát hành anime. Đầu tiên, 20% con số này sẽ thuộc về nhóm công ty chịu trách nhiệm phát hành, tức Toho và Aniplex. Mỗi bên sẽ nhận được khoảng 1,73 tỷ yên.

Còn lại 13,84 tỷ yên, sẽ phải chi trả cho các khoản bao gồm chi phí sản xuất (ước tính khoảng 500 triệu yên), chi phí tiếp thị và quảng bá (khoảng 500 triệu yên), tiền tác quyền không vượt quá 10 triệu yên cho tác giả. Như vậy, còn lại 12,83 tỷ yên sẽ chảy về nhóm công ty sản xuất. Đó là Aniplex, Shueisha và ufotable.

Ba công ty sản xuất gồm có Aniplex, Shueisha và ufotable (ảnh: Kyodo News)

Tỉ lệ đầu tư cho bản điện ảnh được ước chừng 45% cho mỗi bên Aniplex và Shueisha, ufotable góp 10% còn lại và là đơn vị sản xuất chính. Như vậy, doanh thu sẽ chia đều cho Aniplex và Shueisha mỗi công ty 5,77 tỷ yên. Xưởng anime ufotable nhận được 1,2 tỷ yên. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải những con số doanh thu cuối cùng phát sinh.

Đi cùng với bộ phim là nhạc phim, ca khúc chủ đề Homura do nữ ca sĩ LiSA trình bày đã đứng đầu 11 tuần liên tiếp trên bảng xếp hạng Oricon. Bài hát chủ đề Gurenge của bản phim truyền hình từ năm 2019 đứng đầu bảng xếp hạng Digital Single của Oricon trong năm 2020. Cả hai đều trở thành xu hướng nghe nhạc phổ biến ở Nhật Bản năm vừa qua.

Theo ước tính của nhà báo JPrime, doanh thu từ mỗi bài hát ít nhất cũng phải trên 1 tỷ yên. Cùng với đó là album LEO-NiNE của LiSA, liên tục nằm trong top album bán chạy của Oricon kể từ khi phát hành, doanh thu mang về không hề nhỏ. Và công ty thu âm đứng sau các sản phẩm âm nhạc này là Sacra Music, một nhãn đĩa thuộc công ty thu âm trong tập đoàn Sony.

Cả hai bài hát chủ đề trong anime đều do ca sĩ LiSA trực thuộc hãng thu âm của Sony thực hiện (ảnh: JPrime)

Còn Aniplex thì sao? Đây cũng lại là công ty con của Sony. Họ chịu trách nhiệm sản xuất, phân phối, bán bản quyền phát sóng anime cho các đài truyền hình và dịch vụ streaming video. Ngoài ra còn tham gia phát hành trò chơi điện tử dựa trên anime. Được thành lập từ năm 1995 và không được nhiều người biết tới, cho dù là một "con nghiện" anime cũng ít chú ý tới cái tên này.

Thế nhưng, đây lại là đơn vị nắm trong tay một danh sách các IP anime hùng hậu, không tính đến Demon Slayer (tiếng Nhật: Kimetsu no Yaiba) thì còn có Angel Beats!, Anohana: The Flower We Saw That Day, Charlotte, DARLING in the FranXX, Eromanga Sensei, series Fate, series Sword Art Online, Your Lie in April, Fullmetal Alchemist: Brotherhood, Puella Magi Madoka Magica, Cell at Works!, The Promised Neverland,...

Theo nhà báo từ JPrime, Shueisha đóng góp rất lớn cho sự thành công của bộ manga, tuy nhiên khi nói về anime, không thể không nhắc đến Aniplex. Chính công ty là người đã đề nghị khởi động dự án sản xuất anime dựa trên bộ truyện dài kỳ, đồng thời đưa nó trở thành một hiện tượng văn hóa bùng nổ toàn quốc.

Aniplex đã có công lớn giúp bộ anime phổ biến với công chúng (ảnh: JPrime)

Aniplex đã mang bản phim truyền hình lên phát sóng tại 21 đài địa phương, giúp tiếp cận một lượng lớn khán giả. Công ty quyết định không dựa dẫm vào các đài lớn ở Tokyo, vốn thường miễn cưỡng phát sóng anime trong khung giờ vàng có tỉ lệ theo dõi cao nhất. Cũng chính Aniplex là đơn vị bán quyền phát sóng cho các dịch vụ trực tuyến, để mọi người có thể xem thoải mái ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào.

Nhận định này tương đồng với Nikkei, tờ báo lớn của Nhật cũng cho rằng việc Aniplex cấp phép cho các nền tảng như Netflix, Abema, Amazon Prime Video,... đã giúp lan tỏa anime hơn bao giờ hết. Không chỉ tiếp cận được khán giả mới và khán giả nước ngoài, nó còn giúp người hâm mộ xem đi xem lại bộ phim. Và đến khi bạn mua đĩa Blu-ray trên Amazon, tiền cũng chảy về túi Sony.

Hiệu quả của bản phim chiếu rạp Demon Slayer tới Sony như thế nào, còn phải chờ họ công bố báo cáo tài chính vào đầu tháng Hai tới. Tuy nhiên, dựa trên các con số ước tính trong bài báo của JPrime, chúng ta cũng có thể thấy Sony chắc chắn là đơn vị nhận được phần doanh thu lớn nhất từ thành công của dự án.

Ambitious Man

Chủ đề khác