VnReview
Hà Nội

Phim "Song song" và ý tưởng “xuyên không” liệu có thắng lớn?

Song Song là bộ phim thuộc thể loại tâm lý, viễn tưởng và kinh dị đầu tiên ra mắt màn ảnh Việt năm 2021.

(Lưu ý, bài viết có tiết lộ nội dung phim)

Bộ phim được chỉ đạo bởi đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng cùng dàn diễn viên ăn khách như Nhã Phương, Trương Thế Vinh, Tiến Luật, Thuận Phát, Khương Ngọc và Hoàng Phi hứa hẹn sẽ mang lại một cảm giác mới lạ cho khán giả. Song Song là một phiên bản làm lại của của bộ phim Mirage - Tây Ban Nha đã ra mắt năm 2018. Bộ phim lấy chủ đề "xuyên không" làm ý tưởng chủ đạo xuyên suốt mạch phim.

Vào vai nhân vật Trang (Nhã Phương) - một nữ y tá đã lập gia đình và có một con nhỏ, cô và gia đình của mình chuyển đến một ngôi nhà trên Đà Lạt để sinh sống. Chính tại căn nhà này, cô đã phát hiện ra những bí ẩn bị chôn vùi bấy lâu. Qua chiếc ti vi cũ - vật duy nhất kết nối được với quá khứ nhờ ảnh hưởng của những tia sét rung rợn mà Trang biết được câu chuyện về Phong - câu bé đã chết do tai nạn ô tô đúng vào ngày mưa giông gió bão cách đây gần 20 năm.

Vì có thể kết nối được với quá khứ và đi xuyên thời gian về thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, Trang đã cảnh báo Phong và cứu được cậu bé. Lịch sử bị thay đổi dẫn đến cả hiện tại và tương lai sắp tới của Trang cũng bị xáo trộn. Cô cố gắng và tìm mọi cách để làm mọi thứ trở lại như ban đầu. Chủ đề "xuyên không" hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và câu chuyện của phim khi dẫn dắt khán giả đi qua các mốc thời gian từ thực tại về quá khứ và từ quá khứ quay ngược về thực tại. "Hiệu ứng cánh bướm" (butterfly effect) được ví như chuỗi domino dây chuyền khiến cho một thay đổi nhỏ trong mạch phim cũng dẫn đến hàng loạt thay đổi lớn trong hành động và cảm xúc của nhân vật.

Tuy nhiên, với thời lượng 1h40p thì Song Song chưa thật sự bùng nổ. Ngoài khung cảnh u ám, ma mị vốn có của Đà Lạt kèm theo kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng rợn người thì bộ phim còn thiếu những phân cảnh và nút thắt cảm xúc cho người xem. Diễn biến tâm lý của Trang – do Nhã Phương thủ vai chưa đủ độ "chín" để diễn tả những chuyển biến tâm lý phức tạp và liên tục để khán giả có thể cảm nhận được hết những tình huống tréo ngoe mà cô đang đối mặt. Nó không chỉ là những sợ hãi ám ảnh cô mà còn cả những lo lắng cho gia đình nhỏ của mình khiến cô phải dốc hết sức để tìm lối ra, trở về với thực tại. Mặt khác, ở những góc quay "vàng" như phân cảnh chiếc tivi cũ có thể kết nối với quá khứ và hiện ra những tai nạn đẫm máu trước đây, nét diễn của Nhã Phương chưa đủ biểu cảm để mang khán giả đến với cao trào. Hay ở một phân cảnh khác, cảm xúc của Trang chưa đủ hoảng hốt, chới với thậm chí còn khá nhạt nhòa khi chồng và con biến mất?!

Mặc dù vậy, Song Song vẫn là một phim đáng xem với những thước phim đẹp mắt, màu sắc của phim thay đổi liên tục theo mạch thời gian kết hợp với một Đà Lạt mộng mơ và đầy "ma mị". Kỹ xảo cũng được đội ngũ phim xử lý khéo léo để không bị "lệch tông" với mạch phim. Ngoài ra, diễn xuất tròn vai của Trương Thế Vinh - vai chồng của Trang hay Tiến luật - vai người đàn ông sát hại vợ… và cả sự góp mặt của Hoàng Phi với những tiếng cười sảng khoái là những tổng hòa làm bộ phim trở nên mượt mà hơn.

Thanh Mai

Chủ đề khác