VnReview
Hà Nội

Trung Quốc sẽ kiểm duyệt điện ảnh Hong Kong

Sẽ không còn tự do sáng tạo trong nền điện ảnh Hong Kong nữa.

Từng có một thời, Hong Kong là đế chế điện ảnh của châu Á, sản sinh ra nhiều tác phẩm kinh điển lẫn những diễn viên tài năng. Tuy nhiên, nền điện ảnh Hong Kong dần suy yếu trong những năm gần đây, không còn duy trì được ảnh hưởng như trước.

Và theo một quy định mới của chính quyền Trung Quốc, các bộ phim Hong Kong sắp tới sẽ được kiểm duyệt chặt chẽ. Một rào cản khiến Hong Kong càng khó phát triển.

Quy định mới

Thông báo được gửi đi hôm thứ Sáu vừa qua, chính quyền Hong Kong cho biết, theo sắc lệnh mới thì bất kỳ bộ phim nào "có chứa hành động hoặc hoạt động được coi là có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia [Trung Quốc]", đều sẽ bị cấm lưu hành. Quy định mới được cho là sẽ triệt tiêu không gian sáng tạo của điện ảnh Hong Kong, không còn được biểu lộ tự do ý chí của nhà sản xuất như trước.

Có hiệu lực ngay lập tức, quy định mới đưa chính sách quản lí điện ảnh Hong Kong về gần với "luật an ninh quốc gia" mà đại lục ban hành vào năm ngoái. Mọi yếu tố bị xem là mầm mống chống đối đều sẽ loại bỏ thẳng tay, nhất là sau khi các phong trào của thanh niên Hong Kong bùng nổ mạnh mẽ chưa từng có. Trong hướng dẫn kiểm duyệt mới, có đoạn:

"Khi xem xét tổng thể một bộ phim và tác động của nó đối với người xem, nhà kiểm duyệt nên lưu tâm đến nhiệm vụ của mình là ngăn chặn, trấn áp các hành vi hoặc hoạt động gây nguy hiểm an ninh quốc gia. Trách nhiệm chung của người dân Hồng Kông là bảo vệ chủ quyền, thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc".

Trung Quốc siết chặt kiểm duyệt điện ảnh với đặc khu Hong Kong (ảnh: The New York Times)

Trước đây, Hong Kong có một hệ thống kiểm duyệt riêng gần với bên Mỹ áp dụng, chủ yếu cân nhắc giới hạn của yếu tố bạo lực, tình dục. Còn khuynh hướng chính trị trong phim được giữ nguyên. Trái ngược hoàn toàn với Hội đồng Điện ảnh Quốc gia Trung Quốc, vận hành một hệ thống kiểm duyệt hà khắc bậc nhất.

Tờ The Hollywood Reporter nhận xét, điện ảnh Hong Kong đã từng là một kinh đô sôi động và sáng tạo bậc nhất, giai đoạn hoàng kim kéo dài từ thập niên 70 đến đầu những năm 2000. Đã sản sinh ra nhiều tên tuổi như Hồ Kim Thuyên, Lý Tiểu Long, Thành Long, Châu Tinh Trì, Vương Gia Vệ, Đỗ Kỳ Phong,... Đối với riêng khán giả Việt Nam, phim Hong Kong có lẽ đã quá quen thuộc.

Tuy nhiên, khi thị trường điện ảnh đại lục phát triển, Hong Kong dần nhạt nhòa. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như thế hệ đạo diễn, diễn viên mới không tài năng bằng đàn anh đàn chị. Lớp diễn viên gạo cội có thực lực bỏ sang thị trường Trung Quốc, tiếp cận lượng khán giả mới với điều kiện tiền lương cao hơn khi còn ở Hong Kong…

Nhiều nhà phê bình đồng ý rằng, ngay cả phim Hong Kong và Trung Quốc bây giờ cũng chưa thể sánh bằng thời hoàng kim Hong Kong trước đây.

"Vô gian đạo", tác phẩm điện ảnh cuối cùng của Hong Kong khiến thế giới phải ngưỡng mộ;

Vùng cấm trong điện ảnh

Dòng phim độc lập của Hong Kong đã cố gắng duy trì ngọn lửa sáng tạo. Năm 2015, bộ phim tuyển tập giả tưởng Ten Years đã đặt ra bối cảnh vào năm 2025, Hong Kong ngày càng bị Trung Quốc kiểm soát trở nên khác biệt ra sao. Tác phẩm ngay lập tức gây sốt tại phòng vé địa phương, đánh bại bom tấn Hollywood Chiến tranh giữa các vì sao: Thần lực thức tỉnh khi mở màn.

Tuy nhiên, phim bị cấm lưu hành ở đại lục. Và dự án thực hiện phần 2 chắc chắn không bao giờ được sản xuất tại Hong Kong nữa, khi mà nó mang màu sắc chính trị quá nặng nề. Bộ phim tài liệu Inside the Red Brick Wall từng bán cháy vé đặt trước tại các rạp khi công chiếu, cũng bị rút khỏi lịch phát hành vào phút chót do sức ép truyền thông Trung Quốc.

Một tác phẩm kinh phí lớn và là sự hợp tác sản xuất giữa Hong Kong lẫn đại lục - Phong tái khởi thời - quy tụ hai ngôi sao lớn của điện ảnh Hong Kong là Ảnh đế Lương Triều Vỹ và Thiên vương Quách Phú Thành, cũng gặp trục trặc. Phim dự kiến công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Hong Kong ngày 1/4 năm nay, nhưng sau đó bị rút lại vì "lý do kỹ thuật".

Quách Phú Thành và Lương Triều Vỹ (ảnh: Nestia)

Mới đây, đài TVB của Hong Kong cũng từ chối truyền hình trực tiếp lễ trao giải Oscar, lần đầu tiên trong hơn 50 năm kể từ 1969. Ngay cả khi Hong Kong có một đề cử tại Phim quốc tế xuất sắc nhất là Em của thời niên thiếu, do Châu Đông Vũ và Dịch Dương Thiên Tỉ đóng chính. Bộ phim giúp Châu Đông Vũ trở thành Tam kim ảnh hậu trẻ nhất lịch sử, thu 230 triệu USD toàn cầu.

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã cấm các phương tiện truyền thông phát sóng Oscar. Bởi trong danh sách đề cử phim tài liệu ngắn, có tác phẩm Do Not Split của đạo diễn Anders Hammer đã sử dụng hình ảnh phong trào Dù vàng ở Hong Kong. Nữ đạo diễn Triệu Đình tuy thắng giải Oscar Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng cũng bị Trung Quốc cho vào "sổ đen" vì phát ngôn trong quá khứ.

Ambitious Man

Chủ đề khác