VnReview
Hà Nội

Tại sao Nhật phát hiện JTC "lại quả" quan chức Việt Nam?

Thông tin quan chức đường sắt Việt Nam nhận hối lộ khoảng 16 tỷ đồng từ nhà thầu tư vấn Nhật Bản JTC đang được Bộ trưởng GTVT quyết liệt làm rõ. Câu hỏi hiện nhiều người quan tâm là tại sao JTC lại khai ra việc hối lộ? Và liệu có xác minh được đối tượng phía Việt Nam không?

Từ thanh tra thuế

Ngày 21/3, báo Nhật Yomiuri Shimbun đưa tin Chủ tịch Công ty Tư vấn Giao thông Japan Transportation Consultants Inc. (JTC) có trụ sở tại Tokyo khai nhận đã "lại quả" cho các quan chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan để nhận được 5 dự án ODA tại các quốc gia này.

Các nguồn tin của nhật báo hàng đầu Nhật Bản này cho biết ông Tamio Kakinuma, 65 tuổi, Chủ tịch JTC đã tình nguyện đến Văn phòng Công tố quận Tokyo hôm thứ Ba tuần trước (ngày 18/3).

Sự việc này đến sau khi Cơ quan thuế địa phương Tokyo thanh tra thuế của công ty JTC và phát hiện những khoản thanh toán trái phép trị giá khoảng 100 triệu yên. Ngoài 100 triệu yên này, JTC cũng bị phát hiện thanh toán trái phép 30 triệu yên. Trong số 30 triệu yên đó, có khoảng 10 triệu yên được trả sau cuộc thanh tra thuế được tiến hành tháng Tư năm ngoái.

Các khoản thanh toán bất hợp pháp của JTC được thực hiện trong khoảng 40 lần, từ tháng 2/2008 đến tháng 2/2014, tổng số là 130 triệu yên để đổi lại JTC nhận được 5 dự án ODA.

Bài báo nêu rõ trị giá "lại quả" của JTC tỷ lệ thuận với giá trị dự án nhận được. Chẳng hạn, JTC đã "lại quả" 80 triệu yên (khoảng 16 tỷ đồng) để nhận dự án trị giá 4,2 tỷ yên (hơn 860 tỷ đồng) ở Việt Nam, trong khi ở Indonesia số tiền hối lộ là 30 triệu yên cho dự án 2,9 tỷ yên, ở Uzbekistan là 20 triệu yên cho dự án khoảng 700 triệu yên.

Mô tả JTC hối lộ quan chức các nước để nhận dự án như thế nào

Mô tả của báo Yomiuri Shimbun về việc JTC hối lộ quan chức các nước để nhận dự án như thế nào: Đầu tiên, Chính phủ Nhật cấp các khoản vay bằng đồng yên cho Việt Nam, Indonesia, Uzbekistan, sau đó các nước này đặt hàng các dự án ODA với công ty JTC. Để nhận được các dự án này, JTC chuyển tiền mặt cho nhân viên để lại quả cho các quan chức nước sở tại

Dự án nào "dính"?

Theo thông tin đăng trên website chính thức của JTC, công ty này đã hoạt động tư vấn đường sắt tại Việt Nam từ những năm 1993 và tham gia vào nhiều dự án đường sắt lớn như khảo sát dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam. Dự án đường sắt bị tình nghi có liên quan đến JTC "lại quả" là Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên – Ngọc Hồi.

Dự án này đã được giao cho TCT Đường sắt Việt Nam từ năm 2000, và chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng đường sắt trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm và tổ hợp khu ga Ngọc Hồi, giai đoạn 2 xây dựng ĐS trên cao từ Ngọc Hồi đến Giáp Bát và từ Gia Lâm đến Yên Viên.

Đến tháng 5/2008, Ban Quản lý các dự án đường sắt đã tổ chức mở thầu gói thầu dịch vụ tư vấn kỹ thuật của dự án. Tháng 7/2009, TCT Đường sắt Việt Nam đã có văn bản trình Bộ GTVT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ngày 25/8/2009, Bộ GTVT ra quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu của gói thầu này. Trong đó, JTC là một trong những đơn vị trúng thầu. Giá hợp đồng là 2,9 tỷ yên và 320,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 74 tháng.

Hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, TCT Đường sắt Việt Nam đã tạm đình chỉ Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Nguyễn Văn Hiếu, 2 Phó tổng giám đốc TCT Đường sắt Việt Nam là Ngô Anh Tảo và Trần Quốc Đông. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu tất cả các cá nhân có liên quan đến Dự án, kể cả người đã nghỉ hưu, những người đã chuyển công tác phải tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm cá nhân trong thời gian tham gia tại dự án, báo cáo của các cá nhân phải hoàn thành trước ngày 31/3 này.

Xác định người nhận "lại quả" có khó không?

Đường sắt Việt Nam dính bê bối

Đường sắt Việt Nam dính bê bối nhận hối lộ từ nhà thầu tư vấn Nhật JTC

Theo báo VnExpress, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (cả đương nhiệm và đã về hưu), quan chức Cục Đường sắt và một số cá nhân khác đã khẳng định họ không nhận hối lộ, không liên quan. Trong khi đó, cáo buộc "lại quả" mới xuất phát từ một phía là nhà thầu tư vấn JTC và được đăng tải trên báo Nhật.

Để làm sáng tỏ vụ việc, các nhà điều tra Việt Nam cần được tiếp cận, cung cấp hồ sơ từ phía cơ quan chức năng Nhật Bản. Kinh nghiệm từ vụ Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ của nhà thầu tư vấn Nhật Bản PCI trong dự án Đại lộ Đông - Tây cho thấy việc điều tra ra người nhận hối lộ không dễ dàng.

Cũng bắt đầu từ một bài báo đăng trên tờ Yomiuri Shimbun tháng 8/2008 đưa tin bốn cựu lãnh đạo Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI), Nhật Bản, đã nhận tội hối lộ quan chức nước ngoài, trong có Việt Nam. Các công tố viên Nhật cho biết các bị can đã chuyển cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP.HCM, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây số tiền hối lộ tổng cộng 2,43 triệu USD để nhận thầu tư vấn các dự án cơ sở hạ tầng trong thành phố trong thời gian 2001 – 2003.

Đến tháng 9/2008, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an vào cuộc; tháng 11/2008, ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị đình chỉ công tác. Đầu tháng 12/2008, Nhật Bản tuyên bố ngưng viện trợ ODA, đóng băng khoản 700 triệu USD đã cấp cho Việt Nam năm 2008. Sau đó 4 ngày, vụ án nhận hối lộ liên quan đến PCI được khởi tố, nhưng đến 11/2/2009, ông Sỹ mới bị bắt.

Đến ngày 24/9/2009, ông Sỹ bị tòa án xử 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ngày 18/10/2010, Huỳnh Ngọc Sỹ bị kết án tù chung thân về tội nhận hối lộ 262.000 USD;từ PCI mặc dù từ đầu đến cuối phiên tòa, ông Sỹ luôn phủ nhận việc nhận hối lộ. Đến ngày 1/9/2011, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận một phần đơn kháng cáo, tuyên giảm hình phạt đối với ông Sỹ từ chung thân xuống còn 20 năm do gia đình ông này đã khắc phục 3 tỷ đồng thu lợi bất chính.

Có thể thấy, so với vụ PCI, vụ việc JTC lần này gần như một bản sao dù giá trị hối lộ có thấp hơn. Do đó, mặc dù có các quy định, luật pháp và ban bệ giám sát chặt chẽ nhưng tai tiếng hối lộ/ nhận hối lộ ở các dự án ODA vẫn tiếp tục bị lôi ra ánh sáng. Điều đáng chú ý là nó chỉ bị phát hiện khi nước ngoài điều tra doanh nghiệp, công dân của họ. Điều này khiến cho người ta không thể không đặt câu hỏi, còn bao nhiêu tiêu cực ở các dự án ODA chưa được phanh phui? 

Thanh Xuân

Chủ đề khác