VnReview
Hà Nội

Dã tâm của Trung Quốc với giàn khoan bán chìm HD-981

Khi khai trương giàn khoan dầu nước sâu bán chìm (Semisubmersible) đầu tiên CNOOC HD-981 hồi tháng 5/2012, Trung Quốc đã công khai ý đồ nham hiểm biến nó thành "vũ khí chiến lược".

Theo bài báo đăng trên Wall Street Journal ngày 29/8/2012, tại buổi khai trương giàn khoan nước sâu khổng lồ trị giá 1 tỷ USD có tên HD-981, Chủ tịch tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc CNOOC, ông Vương Dĩ Lâm tuyên bố: "Các giàn khoan nước sâu quy mô lớn là lãnh thổ quốc gia di động của chúng ta và là vũ khí chiến lược".

Giàn khoan nước sâu kiểu nửa chìm HD-981 do Trung Quốc chế tạo, hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, có thể khoan tới độ sâu 12.000m. Hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 20 giàn khoan hoạt động ở độ sâu 3.000 m.

Giàn khoan HD 981

Giàn khoan HD-981

Nhận diện "vũ khí" HD-981

Theo diễn đàn offshorevn.com, giàn khoan HD-981 dài 114 m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn, được thiết kế đủ sức chống bão mạnh cấp 10. Với kích cỡ bằng một sân bóng chuẩn, được trang bị thiết bị hiện đại cùng hệ thống định vị toàn cầu, giàn khoan có đầy đủ hệ thống phục vụ cho 160 công nhân làm việc và nghỉ ngơi.

Giàn khoan được trang bị 9 máy phát điện đủ đáp ứng nhu cầu điện cho một thành phố 200.000 dân. Lượng tiêu hao dầu diesel từ 100 đến 150 tấn/ngày hoặc 200 tấn trong điều kiện mưa bão. Do đó, giàn khoan có trang bị khoang dầu với dung tích 4.500 tấn đủ cho máy phát điện chạy liên tục 30 ngày.

Hệ thống điều khiển tự động hóa tiên tiến của giàn khoan có thể ứng phó các sự cố như van đóng giếng dầu khẩn cấp, thiết bị dừng người máy dưới nước, van đóng điều khiển từ xa thiết bị định vị vật dưới nước bằng siêu âm. Hệ thống cảm ứng sẽ đóng miệng giếng khoan khi xảy ra mất điện toàn diện, hạ áp suất, lưu lượng vượt mức.

Tại khu vực biển sâu dưới 1.500 m, giàn khoan sẽ định vị bằng neo thông qua xích neo của các tàu kéo. Ở độ sâu 1.500-3.000 m, giàn khoan sẽ định vị bằng hệ thống định vị động lực DPS3 (đẳng cấp cao nhất của Tổ chức Hàng hải quốc tế) hoạt động dựa trên định vị vệ tinh. Ước tính mỗi ngày giàn khoan ngốn chi phí từ 981.100 đến 1,5 triệu USD.

HD 981 không dễ khai thác?

Giàn khoan Trung Quốc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Giàn khoan Trung Quốc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: PVN

Theo thông tin đăng trên website Bộ Ngoại giao, lúc 5h22' ngày 01/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (mà Việt Nam vẫn thường gọi là HD-981) và 03 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.

Đến 16 giờ ngày 02/5/2014, giàn khoan HD-981 được thả trôi tại tọa độ 15o29'58'' vĩ Bắc – 111o12'06'' kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng. Hiện nay, số lượng tàu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan đã tăng lên hơn 80 chiếc, trong đó cả tàu quân sự.

Trước đó, ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc đơn phương thông báo triển khai giàn khoan nước sâu HD-981 trên biển Đông tại vị trí nêu trên đến ngày 15/8/2014 và đòi cấm hoạt động của tàu thuyền trong phạm vi bán kính 3 hải lý tính từ giàn khoan. Lúc 8h ngày 3/5, tàu hải cảnh 44 của Trung Quốc đã đâm vào tàu cảnh sát biển 4033 của Việt Nam ở vị trí cách giàn khoan 10 hải lý làm hư hỏng một số thiết bị của tàu này.

Hôm qua, ngày 7/5/2014, trả lời phóng viên tại cuộc họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, vùng biển giàn khoan Trung Quốc đang tiến hành thăm dò sâu 1.000m, chỗ giàn là 1.100m. Giàn có hai cách định vị: Thả neo hoặc mỏ vịt để định vị. PVN đã tiến hành khảo sát tại đó (Việt Nam cộng hòa cũng đã từng khảo sát) cho thấy chưa có phát hiện thương mại nào để có thể khoan dầu khí. Chiến lược của PVN là tiếp tục triển khai hoạt động thăm dò ở vùng biển sâu hơn.

Còn việc Trung Quốc có khai thác được ở lô 142 và lô 143 hay không thì còn tùy vào các lực lượng chức năng của Việt Nam. Và việc khai thác dầu là không đơn giản.

Giàn khoan bán chìm

Giàn khoan bán chìm phải được giữ tại chính xác vị trí đã định vị bằng hệ thống neo.

Các giàn khoan bán chìm không "đứng" trên đáy biển như giàn khoan tự nâng. Thay vào đó, boong làm việc được đặt trên các cột rỗng và pông-tông (xà lan) khổng lồ. Tất cả được tàu kéo đến khu vực khoan dầu. Tại vị trí khoan, nước biển được bơm vào cột rỗng và pông-tông để nhấn chìm một phần giàn khoan (do đó nó được gọi là bán chìm). Giàn khoan được ổn định bằng hệ thống rất nhiều neo pông-tông với đáy biển.

Do giếng khoan phải cực kỳ chính xác, việc giữ cho giàn khoan bán nổi đúng vị trí là rất quan trọng, bất kể là trong điều kiện sóng hoặc gió mạnh. Hơn nữa, hoạt động ở độ siêu sâu, các đường ống khoan (drilling riser) có thể phải kéo dài đến hàng nghìn mét từ đáy giàn khoan đến miệng giếng đặt ở đáy biển. Nếu như các thiết bị khoan có phần linh hoạt để thích nghi với các chuyển động nhẹ thì các đường ống drilling riser này không được xê dịch xa hơn phạm vi cho phép, hoặc không nó sẽ bị gãy.

Cho nên chắc chắn rằng, mặc dù có hàng chục tàu và máy bay hộ vệ, giàn khoan tỷ đô HD-981 không dễ gì sục "vòi" xuống đáy biển Việt Nam mà hút dầu lên được khi tàu Việt Nam kiên quyết không rời vị trí, ngăn cản hoạt động khai thác dầu trái phép của phía Trung Quốc.

Hơn nữa, cũng lưu ý theo lời ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đến thời điểm này giàn khoan HD-981 đã được định vị như đã xác định. Sau định vị, giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp chuẩn bị khoan thăm dò. Theo Công ước biển thì các vật nổi được di chuyển bình thường. Nếu giàn khoan đặt và khoan thăm dò thì mới vi phạm. Do vậy, sẽ là rơi vào bẫy của Trung Quốc nếu Việt Nam sử dụng đến hành động quân sự đối với HD-981 khi mà giàn khoan này chưa thực hiện động tác khoan thăm dò.

Về đối sách hiện tại của Việt Nam, ông Thu đã trả lời trong cuộc họp báo hôm qua: "Chúng ta kiên trì nhưng kiềm chế, tiếp tục đấu tranh để bảo vệ chủ quyền. Hiện lực lượng hải quân Việt Nam chưa tham gia ngăn chặn giàn khoan, đồng thời lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam cũng chưa có hành động đáp trả. Nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Nếu phía Trung Quốc không dừng các hoạt động sai trái, cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam sẽ có hành động tự vệ thích đáng".

Dã tâm thôn tính biển Đông

Tuy nhiên, như đã đề cập ngay từ đầu, xem ra Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ vì mỗi mục tiêu khai thác dầu - nguồn tài nguyên mà Trung Quốc đang rất khao khát. Dã tâm của họ còn hơn thế: biển Đông.

Điều này có thể dễ dàng khẳng định ngay từ các trang tin của Trung Quốc. Cổng thông tin điện tử Trung Quốc Sina từng trích lời một quan chức dầu khí nói rằng việc triển khai giàn khoan 981 ở biển Đông là một quyết định chính trị hơn là một quyết định thương mại. Nó phản ánh ý chí của Bắc Kinh và cũng liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Các nhà quan sát quốc tế cũng chỉ ra điều này. Theo một bài viết đăng trên blog của mình, TS. Martin Murphy (Đại học Georgetown, Mỹ) nhận xét, tuyên bố của Chủ tịch CNOOC về "lãnh thổ di động" cho thấy ý đồ của Trung Quốc dùng giàn khoan di động để cướp quyền kiểm soát các khu vực ngoài khơi và các nước khác phải "chơi" theo luật của họ.

Việc Trung Quốc ngang ngược đưa hạ giàn khoan ở trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam nhằm mục tiêu: thăm dò phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, tiến tới thôn tính biển Đông. Ngay cả trong trường hợp giàn khoan bị đưa đi chỗ khác trước thời hạn (15/8) thì Trung Quốc cũng có lý do đỡ mất mặt là đã hoàn thành các hoạt động khai thác.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế lên tiếng lo ngại trước động thái hung hăng của Trung Quốc. Ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tránh làm leo thang căng thẳng tại vùng biển này.

Về phía Mỹ, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết, Mỹ đang xem xét nghiêm túc vấn đề này và kêu gọi các bên hành động thận trọng và kiềm chế. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu quan điểm: những hành động như việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 không được phép xảy ra trong các khu vực tranh chấp và rằng quyết định của Trung Quốc về việc đưa giàn khoan dầu đến khu vực này là một hành động vô ích và khiêu khích đối với việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ quan ngại của Nhật Bản về việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussel (Bỉ) vào ngày 7/5, ông Abe nói chính sách đối ngoại và hoạt động quân sự của Trung Quốc là các vấn đề gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế trong đó có Nhật Bản. Ông lên án các nỗ lực thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông thông qua sử dụng vũ lực.

Còn Việt Nam, tất nhiên không có chuyện khoan nhượng trong vấn đề này. Như tác giả Gordon G. Chang trong bài báo vừa đăng trên tạp chí Forbes viết: "Người Việt Nam không có lịch sử lùi bước, thậm chí khi đối mặt với hành động khiêu khích từ người hàng xóm lớn Trung Quốc. Chắc chắn, người Việt Nam tự hào sẽ không để Bắc Kinh khoan ở vùng biển gần bờ của mình".

Bài liên quan:

80 tàu Trung Quốc có cả tàu quân sự, tấn công tàu Việt Nam

Thanh Xuân

Chủ đề khác