VnReview
Hà Nội

Lý giải “những con số nhảy múa” trong hóa đơn điện

Cuối tháng 6 vừa qua, hàng trăm hộ dân, chủ yếu ở Hà Nội, phản ánh trên báo chí hiện tượng hóa đơn tiền điện bất ngờ tăng tới 2-3 lần với nhiều nghi vấn về sự gian lận hoặc nhầm lẫn của ngành điện, cùng những thắc mắc về những con số khó hiểu trong hóa đơn mà chưa ai giải thích cặn kẽ. VnReview giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.

Tại sao có các con số "lạ" trên hóa đơn điện?

Nhận hóa đơn tiền điện tháng 6 (thanh toán trong tháng 6, nhưng thường bao gồm một số ngày sử dụng của tháng 5, nên có người gọi đó là hóa đơn tháng 5), sau khi "giật mình" với tổng số tiền phải trả, người dân đều thắc mắc không hiểu tại sao hoá đơn tháng này ghi tới 12 bậc tiêu thụ, mỗi bậc lại là số rất lẻ và có nhiều biểu giá khác nhau. Lý do của các con số "rối mắt" này được ngành điện giải thích là: từ 1/6 áp dụng biểu giá điện mới nên sản lượng điện tiêu thụ trong tháng được chia thành 2 kỳ tính khác nhau. Tuy nhiên, cách tính giá điện cụ thể chưa được ngành điện giải thích rõ nên người dân không hiểu tại sao lại có các con số lẻ như vậy trên hóa đơn điện. "Liệu có khi nào cách tính mới khiến những hộ tiêu thụ điện như nhà tôi chịu chi phí cao hơn?", một độc giả tên Nguyễn Văn chia sẻ thắc mắc của mình trên báo VnExpress.

bảng giá điện

Theo quyết định quy định giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành ngày 30/5/2014, kể từ 1/6/2014, giá bán lẻ điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), không thay đổi so với giá điện bình quân áp dụng từ ngày 1/8/2013, chỉ thay cách tính bậc thang. Các hộ nghèo, thu nhập thấp áp dụng mức giá bậc 1 như các hộ thông thường nhưng được hỗ trợ tiền điện tương đương 30 kWh.

Thực ra, từ lâu nay, mỗi lần thay đổi cách tính giá điện, hóa đơn điện đều chia thành 2 kỳ tính khác nhau. Chu kỳ tính tiền điện mỗi tháng thường áp dụng theo từng cụm dân cư hoặc tổ dân phố chứ không thống nhất trên toàn quốc, nhưng hầu hết đều có một số ngày cuối tháng trước cộng với một số ngày đầu tháng sau. Ví dụ, khu dân cư A có chu kỳ tính từ 8/5-7/6, tổ dân phố B lại có chu kỳ 17/5-16/6, khu khác lại tính từ 21/5-20/6, ngày chốt chỉ số công tơ điện là ngày cuối cùng của chu kỳ. Mỗi khi thay đổi cách tính giá điện, các ngày sử dụng điện trong tháng 5 sẽ tính theo giá cũ, các ngày sử dụng trong tháng 6 sẽ tính theo giá mới. Do giá điện tăng lũy tiến theo bậc thang nên tổng sản lượng điện tiêu thụ của mỗi bậc thang được phân chia theo số ngày sử dụng của mỗi tháng, nên nếu mang so sánh các hóa đơn điện của các khu phố khác nhau sẽ thấy các con số trong hóa đơn rất khác nhau mà nhìn vào chỉ thấy hoa mắt, khó hiểu.

Theo thông tin trên Trang tin điện tử ngành điện, công thức để tính định mức bậc thang giá điện sinh hoạt trong những tháng có thay đổi giá điện như sau:

cách tính giá điện khi có thay đổi biểu giá

Trong đó:;

Mtci - Mức bậc thang cũ thứ i để tính tiền   (kWh);

Mtmi - Mức bậc thang mới thứ i để tính tiền  (kWh);

Mqci - Mức bậc thang thứ i quy định theo biểu giá cũ (kWh);

Mqmi - Mức bậc thang thứ i quy định theo biểu giá mới (kWh);

T - Số ngày (theo lịch) của tháng trước liền kề (ngày);

Nc - Số ngày tính giá cũ (tính từ ngày ghi chỉ số của tháng trước liền kề đến ngày thực hiện giá mới) (ngày);

Nm- Số ngày tính giá mới (tính từ ngày thực hiện giá mới đến ngày ghi chỉ số của tháng tính tiền) (ngày).

(Công thức trên sẽ nhân tiếp với số hộ dùng chung nếu có hơn 1 hộ dùng chung một đồng hồ điện).

hóa đơn điện tháng 6/2014

Ảnh: VnExpress

Lấy ví dụ hóa đơn điện của hộ dân trong ảnh trên: tổng sản lượng điện tiêu thụ là 558 số điện, chu kỳ tính là 10/5-9/6, sẽ có cách tính giá điện như sau:

cách tính giá điện

Sản lượng điện tính theo công thức quy định và có làm tròn

Hóa đơn điện tăng đột biến: do dùng nhiều hay do gian lận, sai sót?

Qua phân tích ở trên, có thể thấy giá điện tính theo biểu giá mới không tăng so với biểu giá cũ, thậm chí còn giảm một chút so với biểu giá cũ, và các con số khó hiểu kia không làm đội hóa đơn tiền điện lên. Vậy nguyên nhân do đâu mà hóa đơn điện tháng 6 tăng đột biến và khiến nhiều người giật mình như vậy?

VnReview đã so sánh hóa đơn điện tháng 5 và tháng 6 của gia đình chị H (quận Tây Hồ, HN), có tiền điện chênh lệch giữa hai tháng lớn:

hóa đơn điện tháng 5

Hóa đơn điện tháng 5, gia đình chị H phải trả khoảng 6,5 triệu đồng

hóa đơn điện tháng 6

Sang tháng 6, số tiền tăng vọt lên gần 10,2 triệu đồng, tăng thêm 3,6 triệu đồng

Với cách tính tiền điện theo bậc thang lũy tiến hiện nay, các hộ dân sử dụng dưới 400 kWh sẽ không thấy sự khác biệt nhiều trong tổng số tiền điện phải trả. Với các hộ sử dụng nhiều, phần sản lượng điện tính theo bậc 6 (từ kWh thứ 401 trở lên) sẽ rất lớn và phải chịu giá tiền của bậc thang lớn nhất. Theo hóa đơn điện tháng 5 của gia đình chị H, tổng sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 5 (tính từ 17/4 đến 16/5) là 2527 số, trong đó có 2127 số chịu giá điện bậc 6. Sang tháng 6, tổng sản lượng điện tiêu thụ tháng 6 (tính từ 17/5 đến 16/6) rất lớn, lên tới 3922 số, sau khi trừ 400 số đầu thì có tới 3522 số phải chịu giá điện bậc 6. 

Theo phân tích về cách tính giá điện mỗi khi có thay đổi về biểu giá đã nói ở phần trên, thì các con số "khó hiểu" trong hóa đơn điện tháng 6 của gia đình chị H là hoàn toàn chính xác, không ảnh hưởng đến số tiền điện chị phải trả. Tuy nhiên, tổng sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 6 của gia đình chị tăng thêm 1395 số so với tháng trước chính là nguyên nhân khiến tổng số tiền điện chị Phương phải thanh toán tăng vọt từ 6,5 triệu đồng lên gần 10,2 triệu đồng.

Như vậy, tiền điện nhà chị H tăng vọt là do hai khả năng: một là gia đình chị sử dụng điện nhiều hơn tháng trước, tăng khoảng 160%; hai là có sai sót hoặc gian lận trong việc ghi chỉ số điện.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 7/7, ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho rằng, nguyên nhân khiến hóa đơn điện tăng cao là do sản lượng điện tiêu thụ trong tháng tăng cao, các tháng 5 và 6 cũng là tháng cao điểm của đợt nắng nóng nên sản lượng điện của các hộ gia đình đều tăng vọt. Ngoài ra, đại diện ngành điện cũng cho rằng, do vào thời điểm nghỉ hè, nhiều học sinh ở nhà sử dụng điều hòa, thiết bị làm mát cũng là một nguyên nhân khiến lượng điện tiêu thụ của nhiều gia đình tăng cao. "Hầu hết các trường hợp khách hàng kêu hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 6 đều không phải do có sai sót về chỉ số công tơ cũng như cách tính tiền tiện", ông Trung khẳng định.

Tuy nhiên, đáng nói là, hiện tượng tăng giá điện bất thường này không phải là lần đầu mà đã xảy ra nhiều lần, cũng thường xảy ra vào các đợt nắng nóng. Hồi tháng 5-6/2013 cũng có hàng loạt người dân phản ánh công suất ghi trên hoá đơn tăng đột biến dù khách hàng cam đoan sử dụng điện thực tế thay đổi không nhiều. Theo phản ánh của nhiều độc giả trên báo chí thời gian qua, việc sử dụng điện của gia đình họ không thay đổi đáng kể so với các tháng trước đó, thậm chí có gia đình còn đóng cửa đi nghỉ mát cả tuần. Trường hợp gia đình chị H ở trên, gia đình chị vẫn sử dụng các thiết bị điện tương tự như các tháng trước, vậy mà chỉ số điện nhảy lên gần 1400 số là điều rất bất thường.

Mặc dù ngành điện khẳng định không sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ, nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ khâu ghi chỉ số điện có vấn đề bởi đây là thao tác thủ công và ít khi được giám sát chặt chẽ. Một trong những nghi vấn được nhiều người đặt ra nhất, đó là khi ghi chỉ số công tơ hàng tháng, người ghi chỉ số cố tình ghi giảm đi vài chục số điện, sau đó tận dụng đúng dịp cao điểm nắng nóng hàng năm thì sẽ cộng dồn vào hóa đơn tháng cao điểm đó, nếu khách hàng nghi ngờ kiểm tra đồng hồ thì đồng hồ vẫn chỉ sát với con số ghi trên hóa đơn.

Nghi ngờ này của người dân không phải không có căn cứ khi mà cũng trong đợt thanh toán hóa đơn điện tháng 6 này, tại thôn 4 (xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có hàng loạt hộ gia đình phát hiện sai sót trong hóa đơn và đều bị tính cao hơn thực tế, có hộ bị tính sai 40-50 nghìn đồng, nhưng cũng có hộ bị tính sai tới cả triệu đồng. Điện lực Nghệ An sau đó đã phải nhận sai và hoàn lại số tiền tính thừa cho các hộ dân. Còn tại thôn Thống Nhất (xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội), khoảng 200 hộ dân phát hiện hóa đơn tiền điện bất ngờ giảm hàng chục, thậm chí hàng trăm kWh. Sau khi điều tra, Điện lực Sóc Sơn lý giải "do hai công nhân ngành điện sợ đi vào khu vực có nhiều đối tượng nghiện hút nên đã tự ý ghi áng chừng số công tơ". Khi mà ngành điện còn để xảy ra những sai sót kiểu này, người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ sự minh bạch của ngành điện.

Người dân nên tăng cường giám sát việc ghi chỉ số

Nếu thực sự vẫn nghi ngờ và không tin tưởng vào công tác ghi chỉ số công tơ điện, người dân nên tăng cường tự giám sát việc ghi chỉ số này.

ghi công tơ điện

Việc ghi chốt chỉ số công tơ điện hoàn toàn thủ công, dễ sai sót. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho rằng, những sai sót nhỏ lẻ thỉnh thoảng vẫn xảy ra. "Với công nghệ như hiện nay, trèo lên cột điện nhìn bằng mắt và ghi chỉ số bằng tay thì những sai sót có thể xảy ra là đương nhiên. Nhưng những sai sót đó, nếu các hộ dân phản ánh, hoặc phát hiện ra thì Tổng công ty sẽ phúc tra. Chúng tôi đã có quy định tất cả các công tơ vượt trên 130% sản lượng so với tháng trước đều nằm trong diện kiểm tra phúc tra. Chắc chắn có thể xảy ra sai sót, nếu khách hàng phát hiện, chúng tôi sẽ cùng nhau khắc phục, với tinh thần cầu thị và sẽ xử lý theo đúng quy định", ông Tuấn nói.

Lâu nay, hầu hết các công tơ điện đều treo ngoài cột điện, hành lang hay điểm đấu nối điện chung của một khu dân cư và hàng tháng nhân viên điện lực tự đi chốt số, ghi sổ, sau đó chuyển về nhập liệu để tính tiền... Việc chốt chỉ số điện hàng tháng thường không được kiểm tra giám sát, nhiều người dân không biết công tơ điện nhà mình treo ở đâu, nhân viên ghi chỉ số điện ngày nào, không để ý theo dõi chỉ số điện trên công tơ điện cũng như trên hóa đơn điện. Đa số người dùng chỉ đến khi nhận hóa đơn mới biết mình dùng bao nhiêu, mất bao tiền, cho dù có nghi ngờ thắc mắc thì cũng dễ dàng bỏ qua không kiểm tra lại hoặc khiếu nại... và tất nhiên rất ít người chịu khó trèo lên cột điện để kiểm tra chỉ số điện. Đó là chưa kể những sai sót do thiết bị, dụng cụ đo rất có thể xảy ra mà người tiêu dùng không biết. Tất cả những điều này có thể tạo khe hở cho sự gian lận, hoặc bỏ lọt những sai sót của nhân viên ngành điện, gây ra nhiều nghi ngờ, bức xúc cho người dân.

Như vậy, ngoài việc tăng cường tìm hiểu cơ chế tính tiền điện, người dân cần tổ chức giám sát việc ghi chốt chỉ số điện hàng tháng. Mỗi khu phố/tổ dân phố nên cử người đi cùng nhân viên ngành điện vào ngày chốt chỉ số để theo dõi, đối chiếu số liệu. Ngành điện cũng cần yêu cầu nhân viên chỉ chốt chỉ số công tơ khi có đại diện của khu phố đi cùng và ký biên bản xác nhận các số liệu ghi được. Chỉ có như vậy mới tránh được những thắc mắc không đáng có của người dân và ngành điện cũng minh bạch hóa hoạt động của mình.

Ngọc Mai

Chủ đề khác