VnReview
Hà Nội

VNG và con đường… "giã từ vũ khí"

Việc VNG lần lượt từ bỏ mảng thương mại điện tử diễn ra trong khoảng thời gian hơn hai năm qua được ví như một cuộc "Giã từ vũ khí" (xin mượn tên tiểu thuyết của nhà văn Ernest Hemingway, có tựa tiếng Anh là "A Farewell to Arms). Nhưng thứ "vũ khí" ấy, lại có những doanh nghiệp khác mua lại, hoặc đang xây dựng để hướng đến tương lai.

Đóng cửa ZingDeal - Sự sáng suốt

Cho đến thời điểm này, dù đi qua năm 2013 với kết quả hoạt động kinh doanh có những nốt giáng, trong đó lợi nhuận ròng giảm đến 75% so với năm 2012 (lợi nhuận ròng công ty mẹ đạt 186 tỉ đồng), nhưng VNG vẫn là công ty Internet lớn nhất Việt Nam với giá trị doanh nghiệp được cho là khoảng 1 tỉ USD (theo bài viết "Start me up" đăng trên tạp chí Economist ngày 7/7/2014). Nhưng trong quá trình phát triển, như nhiều doanh nghiệp khác, ngoài thành công, VNG cũng phải nếm trải cả thất bại.

Có thể kể ra ZingDeal - trang thương mại điện tử theo phương thức mua theo nhóm (Groupon) đầu tiên ở Việt Nam. Chính chỉ hơn 1 năm sau khi ra mắt, tháng 2/2012, VNG tuyên bố đóng cửa ZingDeal khi thị phần chỉ chiếm được trên dưới 1%. Song công bằng mà nói, nếu vội cho rằng đó là một thất bại thì e rằng chưa thấu đáo. Bởi sau đó, thị trường Groupon Việt Nam đã diễn ra bát nháo, và sau cuộc đấu đá nội bộ của NhomMua.com, thì thị trường này đã gần như hoàn toàn mất đi sức hút.

Đóng cửa ZingDeal là một sự sáng suốt của VNG, bởi nếu cứ mãi căng nguồn lực theo đuổi và không cạnh tranh nổi, sẽ làm suy yếu thể trạng chung của doanh nghiệp. Sau ZingDeal, hàng loạt trang Groupon khác rơi rụng, và người ta nhìn lại thấy VNG đã nhanh chân.

Từ bỏ 123.vn - Hệ quả của sự kì vọng quá mức?;

Kể cả khi từ bỏ ZingDeal, VNG vẫn còn niềm tin rằng thương mại điện tử có thể là trụ cột, và trên thực tế VNG đã xây dựng thương mại điện tử thành một trụ cột. Tám tháng sau khi đóng cửa ZingDeal, VNG ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử 123.vn, và thành lập cả một bộ phận thương mại điện tử mà mã hiệu nội bộ gọi là G8, với một Phó tổng giám đốc phụ trách - ông Nguyễn Hoàng Tiến.

Nếu cho rằng ông Tiến không may hay là mảng thương mại điện tử của VNG không được đầu tư đủ cũng có lí của nó. Bởi trong quá trình mảng thương mại điện tử của VNG đang được hình thành, thì tháng 8/2012, VNG ra mắt ứng dụng OTT nhắn tin miễn phí Zalo. Zalo được kì vọng lớn khi thế giới đang bước vào thời kì MobiFirst (ưu tiên trước cho di động) mà nay đã chuyển sang giai đoạn cao hơn là Mobile Centric (di động là trung tâm), và lại gặp không ít sự khuếch trương cạnh tranh từ các ứng dụng đến từ nước ngoài như WeChat của Trung Quốc, LINE của Nhật Bản, Kakao Talk của Hàn Quốc… trong khi Viber đã bắt đầu được người dùng Việt Nam cài đặt và sử dụng nhiều.

Các đại gia nước ngoài đổ hàng chục triệu USD vào cuộc chiến truyền thông, marketing để giành giật cộng đồng người dùng OTT. Zalo trong cuộc đấu thị trường phân ba với LINE và Kakao Talk cũng phải đổ ra hàng trăm tỉ đồng mới tạo được một cộng đồng 10 triệu người dùng như bây giờ. Song nếu với số tiền này đầu tư cho thương mại điện tử theo mô hình B2C, có thể chỉ là muối bỏ bể.

Bao nhiêu kinh phí, được vun đắp cho Zalo trong cuộc đấu sống còn khi đã "cưỡi lên lưng cọp", thì nguồn kinh phí đầu tư cho 123.vn cho dù có nhưng cũng bị hạn chế. Thêm vào đó, 123.vn đi vào hoạt động một thời gian cũng lộ rõ các điểm yếu như còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực, mối quan hệ với các nhà cung cấp chưa đủ mạnh, công tác giao hàng chưa đáp ứng.…Vì Zalo và nền tảng di động là tương lai và không thấy 123.vn đáp ứng kì vọng, bộ phận này đã bị cắt bỏ, bị biến thành một cái shop trên 123mua.vn.

Cùng thời gian này, nếu nhìn sang Lazada.vn từ vốn đầu tư nước ngoài, cũng bắt đầu chính thức đi vào hoạt động từ quý IV/2012, nhưng lại được đầu tư một nguồn tài chính dồi dào và mạnh mẽ. Christopher B.Beselin, CEO Lazada tại Việt Nam, từng thổ lộ: "Làm thương mại điện tử phải đầu tư dài hơi. Lazada.vn vẫn đang trong quá trình đầu tư". Diễn giải theo ngôn ngữ giới đầu tư thì Lazada.vn đang lỗ trong kế hoạch. Nhìn vào Lazada.vn có thể thấy một chiến lược đầu tư kiên định, đổ hàng chục triệu USD vào để làm thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường, thu hút cộng đồng…, nói chung là để trở thành số 1 trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. 

Có những nhìn nhận rằng, VNG "quay đầu lại là bờ", nhìn lại để tái cơ cấu, cắt bỏ đi những mảng làm ăn không hiệu quả trong sóng gió của nền kinh tế chưa thoái khỏi suy thoái. "Quay đầu lại là bờ" cũng là trở về với ngành kinh doanh cốt lõi, và các thế mạnh vốn có cùng với việc tập trung vào mũi nhọn phục vụ thời đại di động hóa mạnh mẽ hiện nay trong đó có sản phẩm Zalo. 

Và "giã từ vũ khí"…

Có thể thấy VNG là doanh nghiệp chịu khó đầu tư mở ra các lĩnh vực kinh doanh, nhưng việc đóng cửa, từ bỏ các ngành kinh doanh âu cũng luôn phải hướng theo chiến lược dài hạn và sự điều chỉnh về ngắn hạn. 123mua.vn ra đời từ năm 2006, đến khi bán lại cho Sendo.vn là một quãng thời gian hơn 8 năm. Tám năm xây dựng và phát triển để rồi phải "giã từ vũ khí", không hẳn người trong mà cả người ngoài cũng thấy tiếc cho một công cuộc đầu tư.

Riêng phạm vi 123mua.vn, bộ phận này vẫn tự nuôi được. Nhưng xét trên tổng thể chiến lược phát triển của một công ty, việc giữ lại 123mua.vn không mang lại nhiều lợi nhuận, trong khi mảng được kì vọng nhiều hơn là 123.vn đã phải đóng cửa, thì việc VNG quyết định giã từ hoàn toàn mảng thương mại điện tử để rảnh tay thúc đẩy các mảng kinh doanh cốt lõi là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.

Năm 2013, doanh thu của VNG đi ngang, lợi nhuận sụt giảm mạnh vì nguồn thu từ game giảm, trong khi lại phải đầu tư quá nhiều cho Zalo, còn mảng game di động thì chưa có hướng ra rõ ràng… Mười năm qua, VNG đã xác lập một truyền kì từ một doanh nghiệp game đến doanh nghiệp Internet với tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, không doanh nghiệp nào có thể tăng trưởng mãi với tốc độ phi mã, mà sau những cú nhảy vọt thì cái đích phải hướng tới là sự phát triển ổn định và bền vững.

Mỗi doanh nghiệp luôn có đường hướng riêng nhằm mục tiêu hiệu quả. Tuy nhiên khi thị trường thương mại điện tử lặng đi theo nốt giáng "giã từ vũ khí" của VNG, thì chúng ta cũng không khỏi giật mình khi nghĩ rằng: Một công ty có tiềm lực, chịu đầu tư như VNG còn phải từ bỏ mảng thương mại điện tử, thì thị trường này sẽ rơi vào tay ai?

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác