VnReview
Hà Nội

Tại sao MH17 bay qua vùng xung đột?

Không thể tưởng tượng nổi: Một chiếc máy bay dân dụng chở đầy hành khách bay từ thành phố này đến thành phố ở đất nước khác, biết rằng hành trình sẽ ngang qua bầu trời mà ở bên dưới các bên xung đột được trang bị vũ khí high-tech đang tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Nhưng đó là việc xảy ra hằng ngày, bởi các hãng hàng không luôn tìm kiếm hành trình ngắn nhất.

Tuyến bay MH17

Tuyến bay MH17 cho đến khi bị bắn rơi

Nhưng chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 – hành trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur – đã bị bắn rơi ở một cánh đồng ở miền Đông Ukraine là một sự kiện bất bình thường. Thực tế là có hai chuyến bay thương mại khác cũng đang ở gần MH17 khi nó bị rơi. Theo website theo dõi tuyến bay theo thời gian thực; flightradar24.com, các chuyến bay Singapore Airlines SQ351 (Boeing 777) và Air India AI113 (Boeing  787) cách MH17 khoảng 15 dặm khi nó bị mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.

Trong một thế giới mà lưu lượng không lưu lên đến hơn 58 nghìn tuyến đường bay thì các hãng hàng không vẫn bay qua vùng xung đột hằng ngày.

"Các chuyên bay qua các khu vực xung đột là rất bình thường", báo IBT trích lời ông Dave Powell, hiệu trưởng trường Hàng không thuộc Đại học Western Michigan University, đồng thời là cơ trưởng Boeing 777 của hãng hàng không United Airlines đã nghỉ hưu. "Tất nhiên, cả chính phủ và các hãng hàng không có xem xét các mối đe dọa khi bay qua đó nhưng khi anh đang cố gắng tiết kiệm tiền và cạnh tranh với các đối thủ thì tôi đoán, anh vẫn sẽ lựa chọn loại tuyến bay đó".

Thực tế, tìm kiếm trên website Flightradar24.com cho thấy hàng tá máy bay đang bay qua các bầu trời vùng có xung đột vũ trang ở Trung Đông, Nam Á và châu Phi.

Trong một số trường hợp, các nhà chức trách hàng không quốc gia cấm các hãng hàng không nước họ bay qua những vùng nhất định. Như Cục Hàng không liên bang Mỹ đã ban hành thông báo NOTAM hồi tháng Tư vừa qua, cấm các phi công Mỹ bay qua vùng Crimea do có tranh chấp ai kiểm soát không lưu ở khu vực này. Nhưng vụ máy bay MH17 rơi lại cách Crimea đến 200 dặm!

Máy bay MH17 bị bắn rơi

Hiện trường MH17 bị bắn rơi

Sean Cassidy, Phó chủ tịch Hiệp hội phi công cho biết theo hướng dẫn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) - cơ quan của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm ra các khuyến nghị cho sự an toàn của vận tải hàng không – có rất nhiều nước cấm bay ở quanh khu vực Crimea. Tuy nhiên, thực tế lại tùy thuộc vào mỗi nước có áp dụng hay không.

Nhà phân tích hàng không Robert Mann nói ngay cả khi một cơ quan quản lý hàng không dân dụng không áp dụng lệnh cấm thì các hãng hàng không vẫn có thể và đôi khi lựa chọn không bay qua những khu vực nhất định nếu họ cho là nguy hiểm.

Tất cả các hãng hàng không đều có đánh giá rủi ro. Theo các chuyên gia, trong trường hợp MH17, những nhân viên kiểm soát không lưu đã điều hướng họ bay qua miền Đông Ukraine có thể đã không nghĩ rằng ở đó có bất kỳ mối đe dọa nào. Song thảm họa đã xảy ra và chắc chắn, các hãng hàng không phải xem lại việc định tuyến các tuyến bay của mình.

Bài liên quan:

Vũ khí nào đã bắn hạ MH-17, giết hại 295 người?

Từ vụ MH17: Có thể bảo vệ máy bay khỏi tấn công tên lửa?

Thanh Xuân

Chủ đề khác