VnReview
Hà Nội

Khi nào nhà mạng thôi rũ trách nhiệm về SMS lừa đảo?

Thuê bao di động bị trừ tiền trong tài khoản vì SMS lừa đảo xảy ra như cơm bữa. Nhưng dù là vụ việc lẻ tẻ hay lừa đảo có quy mô lớn đến hàng chục tỉ đồng bị công an phát hiện thì nhà mạng vẫn vô can, phủi trách nhiệm mặc dù họ được "ăn chia" doanh thu. Tại sao?

Mới đây nhất, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an và Công an quận Đống Đa, Hà Nội vừa triệt phá tổ chức hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo người sử dụng điện thoại di động của một nhóm 6 công ty kinh doanh nội dung số tại Hà Nội. Khi chủ thuê bao thực hiện theo hướng dẫn, gửi tin nhắn lại đầu số theo cú pháp sẽ bị trừ từ 15.000-30.000 đồng/tin nhắn. Chỉ sau khi không nhận được thông tin phản hồi, các thuê bao mới biết bị lừa đảo. Số tiền nhóm này thu về từ tin nhắn lừa đảo đến gần 23 tỷ đồng trong vòng khoảng 1 năm, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014.

Điểm đáng lưu ý là, để hoàn tất được hành vi lừa đảo, nhóm này đã thuê lại đầu số của các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone. Đối tượng khai các nhà mạng được hưởng lợi từ 45%-55% doanh thu.

Tin nhắn lừa đảo

Chụp màn hình một tin nhắn lừa đảo. Nhà mạng được ăn chia doanh thu nếu thuê bao nhắn lại s ố tổng đài 67xx

Khi vụ việc bị vỡ lở, ngoài việc khóa đầu số, các nhà mạng hầu như không còn trách nhiệm hay nghĩa vụ nào khác. Trả lời báo Tuổi trẻ, một lãnh đạo VNPT giải thích: "theo Luật viễn thông, nhà mạng chỉ có trách nhiệm xem xét CP (nhà cung cấp dịch vụ nội dung – pv) vi phạm điều khoản nào trong hợp đồng để xử lý sau khi sự việc đã được phát hiện, bởi lẽ nhà mạng không có quyền kiểm soát tin nhắn nên không thể biết đâu là tin nhắn, đâu là cuộc gọi lừa đảo". Các nhà mạng cũng viện lý lẽ họ chỉ là phương tiện, và trong hợp đồng cũng ghi rõ bên thuê lại phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mình cung cấp.

Giải thích như vậy thoạt tiên có vẻ có lý. Tuy nhiên, lý lẽ cao nhất là "trách nhiệm của nhà mạng với thuê bao của mình đến đâu" thì lại hoàn toàn không thấy. Với việc ăn chia doanh thu như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền nghi vấn nhà mạng tiếp tay, lờ đi hoặc chí ít là chẳng mấy tích cực ngăn chặn tin nhắn lừa đảo.

Thực tế, thỉnh thoảng các nhà mạng ra thông cáo cảnh báo tin nhắn lừa đảo, hoặc công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của thuê bao về tin nhắn lừa đảo. Nhưng tại sao vụ tin nhắn lừa đảo quy mô đến gần 23 tỷ đồng kéo dài cả năm trời nhà mạng không phát hiện được cho đến khi công an phát hiện ra?

Đó là chưa kể, số tiền nhà mạng được CP chia phần là để "chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, điều hành hạ tầng và thực hiện việc thu cước, chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại", theo nguồn tin từ VNPT trả lời báo Tuổi trẻ.

Trách nhiệm của nhà mạng với thuê bao về itn nhắn lừa đảo: Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi

Trách nhiệm của nhà mạng với thuê bao về itn nhắn lừa đảo: Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi!

Về phía người tiêu dùng, mặc dù biết rõ bị lừa nhưng không ai nghĩ đến kiện tụng bởi một phần do số tiền bị lừa không lớn - từ 15 nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng – phần khác do không biết kiện ở đâu. Ngay cả trong vụ 23 tỷ đồng nói trên, thuê bao có thể yêu cầu được hoàn tiền nhưng để được hoàn số tiền đó, họ phải có đơn từ, bằng chứng mình đã bị lừa... Do đó, thuê bao bị lừa đảo tin nhắn thường là chậc lưỡi cho qua, hoặc cùng lắm gọi đến tổng đài nhà mạng mà xả bức xúc để rồi bức xúc hơn bởi nhận được lời khuyên: không nên làm theo tin nhắn.

Trong khi nhà mạng viện cớ không có quyền hoặc đọc hàng triệu tin nhắn để ngăn chặn lừa đảo, còn thuê bao đành chấp nhận sự thực bị lừa, thì các biện pháp xử lý tin nhắn lừa đảo từ cơ quan quản lý nhà nước lại chưa mạnh tay. Mặc dù tình trạng tin nhắn lừa đảo đã diễn ra từ lâu và phổ biến, nhưng ngoài các cuộc thanh tra hoặc các vụ việc bị công an phanh phui thì cơ quản quản lý cũng mới dừng ở việc xử lý một số doanh nghiệp, khuyến cáo người tiêu dùng qua các phương tiện thông tin đại chúng, ban hành chỉ thị yêu cầu nhà mạng nhắn tin đến từng thuê bao cảnh báo về tin nhắn lừa đảo.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp như cắt đầu số, xử phạt, khuyến cáo... đã được đưa ra không giải quyết được tận gốc vấn đề (bằng chứng là tin nhắn lừa đảo vẫn còn hoành hành). Vậy có cách nào giải quyết vấn nạn này tốt hơn không? Chắc chắn là có, và hoàn toàn trong tầm với của nhà mạng. Đó là các giải pháp kỹ thuật lọc tin nhắn lừa đảo. Trong Quy tắc ứng xử của Hiệp hội các nhà mạng di động có điều khoản "các nhà mạng phải đưa ra các giải pháp để ngăn chặn tin rác, tin lừa đảo tính cước giá cao mà thuê bao không mong muốn". Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật tương tự cũng là điều được nhấn mạnh tại quy tắc đạo đức nhà mạng của nhiều nước như Mỹ, Canada ...

Cùng với đó, các cơ quan giám sát thị trường, cạnh tranh sẵn sàng đưa nhà mạng ra tòa vì để người dùng phải trả cước phí không mong muốn từ nội dung của bên thứ ba. Mới đây nhất, Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) đã kiện buộc nhà mạng T-Mobile hoàn tiền cước cho thuê bao, đồng thời yêu cầu các nhà mạng phải cho thuê bao có quyền chặn việc tính cước từ bên thứ ba và đảm bảo rằng thông báo cho thuê bao rõ ràng về việc có chấp nhận bất kỳ dịch vụ bên thứ ba nào có tính phí.

Có điều, tại Việt Nam chưa thấy nhà mạng nào công khai quy tắc đạo đức nghề nghiệp, cho dù tất cả đều là thành viên của Hiệp hội các nhà mạng di động GSMA. Cho nên, phải nói rằng làm kinh doanh có lẽ không ai sướng bằng nhà mạng ở VIệt Nam: khi cơm lành, canh ngọt thì được ăn chia; khi đối tác bị sờ gáy thì phủi tay, không liên quan. Mặc dù luôn miệng ca ngợi khách hàng là Thượng đế, nhưng khi nói đến tin nhắn lừa đảo thì đúng như các cụ nói "Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi!

Châu Giang

Chủ đề khác