VnReview
Hà Nội

Tăng lương tối thiểu: tại sao lo hơn mừng?

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thông qua phương án tăng lương tối thiểu cho năm 2015, với vùng I lương tối thiểu 3,1 triệu đồng/ tháng, tăng 15% so với năm 2014. Mặc dù mức tăng này chỉ áp dụng đối với lao động ở doanh nghiệp nhưng tin tăng lương lại làm dư luận hồi hộp lo lắng.

Công nhân lắp ráp ở nhà máy Nokia (Bắc Ninh)

Công nhân lắp ráp ở nhà máy Nokia (Bắc Ninh). Nhiều người lo ngại tăng lương vẫn không đủ đáp ứng mức sống tối thiểu, trong khi giá cả lại rục rịch tăng.

Khi đề xuất phương án tăng lương tối thiểu, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam giải trình tiền lương tối thiểu vùng năm 2014 – cao nhất là vùng I với 2,7 triệu đồng/ tháng - chỉ mới đáp ứng từ 25% - 32% nhu cầu sống tối thiểu. Do vậy, tổ chức này đề xuất trước mắt, năm 2015 mức mức lương tối thiểu vùng I ở mức 3,4 triệu đồng/ tháng, tăng 23%, vùng II là 2,9 triệu đồng, vùng III là 2,6 triệu đồng và vùng IV là 2,3 triệu đồng.

Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương Quốc gia với 9 phiếu thuận trên tổng số 14 phiếu đã thông qua mức lương tối thiểu mới thấp hơn so với đề xuất. Cụ thể, lương tối thiểu năm 2015 sẽ là 3,1 triệu đồng, 2,75 triệu đồng, 2,42 triệu đồng; 2,2 triệu đồng tương ứng với các vùng I, II, III và IV. So với lương tối thiểu năm 2014, mức tăng vùng I ở tầm 15%, thấp hơn so với đề xuất 8 điểm phần trăm.

Điều đáng nói là, lộ trình tăng lương tối thiểu này vẫn không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của từng vùng. Ngay cả mức lương tối thiểu năm 2015 có tăng 23% thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng thừa nhận nó chỉ đáp ứng 80% nhu cầu sống tổi thiểu của vùng.

Trong khi đó, người lao động lại có lý do để lo lắng: kinh nghiệm những lần tăng lương trước đây cho thấy, lương chưa tăng, giá cả đã rục rịch tăng khiến cho ý nghĩa tăng lương là zero. Chưa kể, doanh nghiệp có cách để "lách" luật bằng cách lấy cắt xén các khoản trợ cấp khác đập vào phần tăng của lương tối thiểu, nên xét cho cùng, thực nhận thu nhập vẫn nguyên như cũ, trong khi rủi ro giá cả tăng là rất cao.

Một điều quan trọng nữa là mặc dù luật đề ra mức lương tối thiểu như vậy, nhưng nếu doanh nghiệp không có đủ khả năng chi trả theo mức tăng, họ buộc phải cắt giảm nhân công để bảo đảm không phạm luật, hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí đối mặt với phá sản. Điều đó có nghĩa rất có thể có những lao động bị mất việc vì tăng lương tối thiểu.

Nhưng dù có "lách" được vấn đề tăng lương với người lao động, thì gánh nặng doanh nghiệp phải chống đỡ do tăng lương tối thiểu vẫn không giảm được nhiều. Đó là các nghĩa vụ đóng các loại bảo hiểm, các loại phí.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trả lời phỏng vấn VnExpress, "khi lương tối thiểu tăng 14% thì thực tế quỹ lương của doanh nghiệp chi trả cho người lao động tăng lên tới gần 20%, vì ngoài mức tăng lương, doanh nghiệp phải chi trả thêm mức đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn, chi phí nhà xưởng, điện nước, khấu hao máy móc thiết bị…".

Tăng lương lẽ ra là một niềm vui lớn đối với người lao động, và cả người sử dụng lao động vì có sản xuất kinh doanh tốt mới có khả năng tăng lương. Tuy nhiên, để cho mỗi lần tăng lương cả xã hội khỏi nháo nhác thì bên cạnh các con số tăng bao nhiêu, cần phải có các công cụ, chính sách chống lạm phát kèm theo, tăng giá trị của đồng tiền. Có như vậy mới chấm dứt được điệp khúc "tăng lương lo hơn mừng".

Thanh Xuân

Chủ đề khác