VnReview
Hà Nội

Đất lành cho Microsoft Devices “đậu”?

Khi Nokia chính thức sáp nhập vào Microsoft hồi tháng 4/2014, nhiều người lo ngại hoạt động của nhà máy sản xuất ĐTDĐ Nokia tại Bắc Ninh có thể bị ảnh hưởng, bị cắt giảm đầu tư, tuy nhiên hiện nay Nokia;Việt Nam đang chuyển dịch dây chuyền sản xuất từ các quốc gia như Trung Quốc, Hungary và Mexico sang Việt Nam và đây sẽ là nơi sản xuất điện thoại di động chủ lực của Microsoft Devices.

Đất lành, đất "ngọt"…

Nhà máy Nokia tại Bắc Ninh được khởi công từ tháng 4/2012 chuyên sản xuất điện thoại tính năng cơ bản (feature phone) đã đi vào hoạt động tháng 10/2013. Sau chiến lược tái cơ cấu mới đây của Microsoft được công bố vào tháng 7/2014, mảng sản xuất thiết bị di động của Microsoft (Microsoft Devices) đã có sự thay đổi, trong đó một phần hoặc toàn bộ nhà máy/dây chuyền sản xuất của Nokia đặt tại Bắc Kinh, Đông Quản (Trung Quốc), Komarom (Hungary), Reynosa (Mexico) được chuyển sang Việt Nam tập trung thành một cụm sản xuất lớn hơn. Tương ứng với sự chuyển dịch này là khoản đầu tư tăng lên 220 triệu USD thay vì ở mức 200 triệu USD theo dự kiến được công bố ban đầu.

Trên thực tế không chỉ có Nokia mà trong thời gian qua đã có nhiều công ty sản xuất hàng may mặc và da giày cũng đã chuyển dịch một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Gần đây nhất, tháng 5/2014, theo báo chí Trung Quốc thì Samsung cũng đang muốn chuyển dịch một số cơ sở sản xuất từ nước này đến Việt Nam. Việt Nam đã trở thành đất lành về môi trường đầu tư thu hút những dự án FDI về công nghệ từ vài trăm triệu lên đến vài tỉ USD.

Có nhiều phân tích khác nhau về động thái chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng do môi trường đầu tư tại Trung Quốc phải chi phí tốn kém hơn trước trong khi tại Việt Nam giá nhân công vẫn còn khá rẻ. Hướng lí giải khác là, vì Việt Nam đang muốn xây dựng hình ảnh một quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn và muốn phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nên sẵn sàng dành mức ưu đãi vượt trội  cho các đại gia công nghệ như Samsung, Intel hay Nokia. Song song đó, các đại gia này còn được hưởng lợi về chiến lược đầu tư hạn chế bớt rủi ro khi tránh được tình trạng "bỏ trứng vào cùng một giỏ".  

Bất cứ động thái nào về đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI cũng nhằm trước hết bảo vệ quyền lợi của chính mình. Song đối với Nokia, Việt Nam không chỉ là đất lành mà còn là đất "ngọt". Trên thị trường Việt Nam, Nokia từng làm mưa làm gió ở vị thế độc tôn, giành được rất nhiều thành quả kinh doanh ngọt ngào và sự mến chuộng rất mực của người tiêu dùng. Thị trường Việt Nam cũng là nơi mà Nokia đạt tăng trưởng tốt nhất về mảng điện thoại Windows Phone với mẫu tiêu biểu là Lumia 520 trong năm 2013.

Đích thân Phó chủ tịch phụ trách mảng thiết bị di động của Microsoft - Stephen Elop - cũng đã tiết lộ rằng tập đoàn này sẽ tập trung sản xuất dòng smartphone Lumia tại những thị trường mà Nokia đã thành công. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 10 thị trường trọng điểm của Microsoft Devives và nền tảng Windows Phone tăng trưởng mạnh nhất tại Việt Nam trong năm nay với mức 26% (năm 2013 chỉ tăng trưởng 16%). Trong động thái như thế, Việt Nam nghiễm nhiên là một điểm đến lạc quan cho sự chuyển dịch sản xuất của Microsoft – Nokia.     

Dây chuyền Microsoft Devices cũ tới mức nào?

Trong động thái chuyển dịch sản xuất của Microsoft Devices sang Việt Nam điều tất yếu diễn ra là di dời dây chuyền sản xuất, các loại máy móc và trang thiết bị. Theo hãng này, việc chuyển giao dây chuyền sản xuất trong nội bộ với nhau đã được tiến hành từ tháng 5/2014 và đến 15/8 đã chuyển giao được 6 dây chuyền. Tuy nhiên theo kế hoạch, Microsoft Devices sẽ phải chuyển đến 39 dây chuyền sản xuất từ các nước vào Việt Nam. Trong khi đó, kể từ ngày 1/9/2014 sau khi Thông tư 20 qui định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực, thì việc chuyển dịch các dây chuyền máy móc trên sẽ bị điều chỉnh. Chính vì thế mà mới đây, Microsoft Devices đã có thêm một động thái gửi công văn lên Bộ KH&CN, Tổng Cục Hải Quan và UBND tỉnh Bắc Ninh thúc đẩy giải quyết các vướng mắc để hoàn tất việc chuyển dời dây chuyền sản xuất smartphone vào Việt Nam trong tháng 10/2014.

nhà máy nokia bắc ninh

Microsoft Devices đưa ra khá nhiều thông tin và lập luận để chứng minh rằng, những dây chuyền máy móc họ muốn đưa vào Việt Nam không bị vướng mắc với những qui định của Thông tư 20. Và mong muốn của họ là được Bộ KH&CN xác nhận để việc nhập dây chuyền vào một cách suôn sẻ. Có lẽ đây không chỉ là mong muốn của Microsoft Devices mà còn của rất nhiều người Việt Nam. Bởi nếu việc mở rộng sản xuất smartphone của Microsoft Devices diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng, thì Việt Nam càng nổi bật hơn trên bản đồ sản xuất ĐTDĐ thế giới. Và thú thực là, con số sản lượng tăng lên gấp 3 trong năm nay, tức đạt 76,4 triệu sản phẩm, cũng chứng minh rõ nét hơn Việt Nam là đất lành, đất "ngọt" cho các tập đoàn công nghệ cao.

Tuy nhiên giữa mong muốn, tình cảm với lí trí cũng cần được phân tách rạch ròi. Dù muốn hay không, các cơ quan chức năng và Microsoft Devices cũng phải làm rõ 2 yếu tố cực kì quan trọng được qui định trong Thông tư 20, đó là các dây chuyền của Microsoft Devices nhập về có thời gian sử dụng quá 5 năm hay chưa, và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu có còn "mới" ít nhất 80% hay không? Đồng thời với đánh giá này sẽ xem xét thêm các yếu tố miễn trừ, không thuộc phạm vi điều chỉnh để có phương án giải quyết thấu tình đạt lí vừa bảo đảm tiến độ đầu tư cho doanh nghiệp FDI vừa hành xử nghiêm theo luật.

Nhiều năm qua Việt Nam đã trở thành "bãi rác" cho các công nghệ cũ, lạc hậu đổ về trong đó chứa không ít những độc tố gây hại nghiêm trọng đến môi trường. Cũng đã từng có không ít trường hợp, thiết bị quá đát được làm mới qua các bộ "hồ sơ trẻ hóa", hay những trường hợp vì mong muốn cũng như áp lực thu hút đầu tư mà cuối cùng các địa phương, bộ ngành đành phải nhượng bộ và chấp nhận rước công nghệ cũ đầu tư vào Việt Nam.

Ngay cả trong trường hợp những dây chuyền sản xuất smartphone mà Microsoft Devices chuyển dời vào Việt Nam không vướng Thông tư 20 đi nữa, thì dư luận cũng muốn được làm rõ rằng, với một gã không lồ sản xuất ĐTDĐ như Nokia, đặc biệt là sau khi đã sáp nhập về tập đoàn Microsoft, thì những dây chuyền công nghệ sản xuất smartphone kia thực sự hiện đại, hay cũ ở mức nào, để qua đó phần nào có thể đánh giá được vị thế của Việt Nam trong chiến lược đầu tư của Microsoft Devices.   

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác