VnReview
Hà Nội

Cú đánh quả... máy tính bảng giáo dục

Học sinh lớp 1, 2, 3 tại TP..HCM có thể sẽ phải trang bị máy tính bảng để học tập với sách giáo khoa điện tử. Một đề án nghe có hơi hướng hiện đại hóa giáo dục nhưng nhìn từ nhiều góc độ nó lại không thể che đậy hết được "thói tật" học làm sang trong xã hội Việt Nam. Học làm sang trong cách sống, sinh hoạt có khi chỉ gây hệ lụy cho cá nhân, hay đối với từng nhóm người. Chứ học làm sang trong giáo dục, hệ lụy gây ra có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ trẻ.

sách giáo khoa điện tử

Dễ học làm sang, khó học làm chủ

Thoạt nghe tưởng rằng đề án bắt học sinh phải trang bị máy tính bảng để học với sách giáo khoa điện tử là một đột phá. Nhưng ngẫm kĩ thì lại thấy đây là một đề án mạo hiểm. Đành rằng trên thực tế hiện nay, không hiếm các cháu nhỏ từ 3-6 tuổi chơi máy tính bảng và nghịch smartphone, nhưng hầu hết là chơi game hay xem các hình ảnh, video clip, phim, chứ rất ít em có thể sử dụng smartphone hay tablet như một công cụ phục vụ cho việc học tập một cách nghiêm túc.

Lợi thế của trẻ em là tiếp cận rất nhanh với các thiết bị công nghệ nhưng để nắm bắt sâu và sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả lại là vấn đề khác. Học sinh lớp 1 đến lớp 3 có độ tuổi từ 6-8, có thể tiếp cận một số bài giảng qua sách giáo khoa điện tử, song thiết bị công nghệ dù dễ sử dụng đến mấy thì cũng có những lúc người ta bối rối trước các tính năng và cơ chế vận hành của nó.

Khoan nói đến gánh nặng về tài chính cho các bậc phụ huynh mà trước hết cần đề cập đến tính thực tế của đề án trang bị máy tính bảng. Thứ nhất, sự phổ cập máy tính bảng ở độ tuổi từ 6-8 ở Việt Nam hiện còn rất thấp, và nếu có chăng thì cũng không xuất phát từ mục đích học tập, mà có thể chỉ đơn thuần các bậc cha mẹ chiều con, hoặc muốn con em mình bước đầu làm quen, chứ không nghĩ rằng con em mình đã có thể làm chủ hoàn toàn chiếc máy tính bảng.

Việc làm chủ chiếc máy tính bảng cần được xem xét ở cả yếu tố sử dụng và bảo vệ. Nắm vững các tính năng, cơ chế vận hành của các phần mềm, giải pháp mới có thể phục vụ tốt cho việc học, song người dùng còn phải biết giữ gìn thiết bị thì mới sử dụng lâu được. Đặc điểm của trẻ em từ 6-8 tuổi thường hiếu động, chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ các vật dụng, thiết bị. Một chiếc máy tính bảng dù có kết cấu chắc chắn đến đâu nhưng chỉ vài lần bị đánh rơi thì khó mà bảo đảm tiếp tục sử dụng được. Nếu đề án đặt vấn đề trang bị máy tính bảng cho học sinh trung học cơ sở có độ tuổi từ 11-14 thì sẽ khác, có thể sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn từ xã hội, và việc sử dụng thiết bị phục vụ học tập cũng sẽ phát huy được hiệu quả hơn.

Đánh quả… giáo dục

Không ít người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn nhớ đề án máy tính giá rẻ cho ngành giáo dục do Intel khởi xướng cách đây nhiều năm, đã thất bại thảm hại và mang tiếng xấu như thế nào. Ai cũng biết, Intel khởi xướng chương trình này cũng một công đôi chuyện nhằm thúc đẩy tiêu thụ chip máy tính. Bản chất là vì kinh doanh và lợi nhuận cả thôi. Song tiếng xấu là nhóm công ty sản xuất máy tính thương hiệu Việt được Intel hậu thuẫn đưa vào danh sách nhà cung cấp khi ấy lại đẩy máy tính giá rẻ lên mức giá chẳng rẻ chút nào. Vấn đề này chỉ bị phơi bày khi nhóm các công ty lắp ráp máy tính nhỏ có tên G6 tung chiến dịch truyền thông về việc phân phối sản phẩm máy tính có cấu hình tương đồng với nhóm Intel nhưng giá rẻ hơn khá nhiều. Intel hồi ấy dự kiến chương trình cung cấp 1 triệu chiếc máy tính giá rẻ nhưng đề án giữa đường gãy gánh và cú đánh quả giáo dục đã bị hỏng ăn.

Hơn 10 năm sau chúng ta lại nhận được thông tin về một cú đánh quả giáo dục gắn với tablet. Tổng số học sinh lớp 1, 2, 3 có thể sẽ phải trang bị máy tính bảng 7, 8 inch với mức giá từ 3-5 triệu đồng lên đến 327.000 em, trừ vài ngàn em được hưởng chính sách hỗ trợ 100% thì còn lại hơn 321.000 em có nguy cơ làm "viêm màng túi" của cha mẹ mình.

Mặt sau của câu chuyện trang bị máy tính bảng cho học sinh lớp 1, 2 và 3 đang càng lúc càng hé lộ thêm những thông tin gây sốc. Một nguồn tin đã trưng ra trên báo Tuổi trẻ chiếc máy tính bảng Smart Education mang thương hiệu AIC Group có mức giá đề nghị từ đối tác Đài Loan khoảng 45 USD (tương đương hơn 900.000 đồng) có cấu hình không khác biệt nhiều so với cấu hình của mẫu máy tính được Công ty cổ phần Quốc tế Tiến bộ (AIC) đưa giới thiệu tại hội thảo "Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3" do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 18/8/2014 (pin dung lượng thấp hơn, chip lõi đôi thay vì lõi tứ). Sự trùng tên và sự cách biệt một trời một vực về giá khiến dư luận không thể không đặt vấn đề về khả năng xảy ra một cú đánh quả giáo dục thứ hai được lobby khá ngoạn mục mà đối tượng chính là... hầu bao của các bậc cha mẹ. Từ xưa đến nay vẫn thế thôi, muốn moi tiền từ người lớn thì cách tốt nhất là tác động qua trẻ con.;

máy tính bảng giáo dục

Các nhà cung cấp thiết bị tìm đủ mọi cách chen chân vào các đề án, dự án mua sắm, trang bị âu cũng là chuyện bình thường và chính đáng nếu không muốn nói là có không ít những cú áp-phe thuận mua vừa bán mang lại hiệu quả cho cả hai bên. Thế nhưng đề án trang bị đến hơn 320.000 chiếc máy tính bảng cho học sinh mà trên thực tế đã lộ ra thông tin chênh lệch giá quá lớn đang làm cho người ta nghi ngờ về bản chất của việc điện tử hóa này bị xoay sang mục đích "đánh quả" để ăn đậm, hơn là vì sự nghiệp giáo dục cao cả.

Từ khoảng 3 năm trước tại TP.HCM đã xuất hiện những dòng máy tính bảng Pi được gọi là "thương hiệu Việt" với mức giá chỉ hơn 1 triệu đồng nhập khẩu từ "hàng chợ" của Trung Quốc. Hơn 2 năm qua, giá chiếc máy tính bảng từ trên 1 triệu đồng rơi xuống còn 700.000 đồng hay 800.000 đồng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều nực cười là Công ty cổ phần Quốc tế Tiến bộ (AIC) đã để phía đối tác Đài Loan lộ chiêu quá sớm, cho thấy tầm vóc kinh doanh bình thường của doanh nghiệp này.

Kinh doanh thì phải có lãi vì đó là mục tiêu sống còn quyết định đến sự tồn tại của doanh nghiệp và công ăn việc làm của bao nhiêu người. Nhưng mức lãi như thế nào, đặc biệt là gắn với một đề án về giáo dục trang bị máy tính bảng cho học sinh lớp 1, 2, 3, thì không thể kinh doanh theo kiểu đánh quả.

Trong đề án thí điểm đổi mới giáo dục từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM, khoản chi cho việc xây dựng sách giáo khoa điện tử chỉ có 1 tỉ đồng trên tổng số 4.000 tỉ đồng thực hiện đề án. 1 tỉ đồng chia cho 327.000 máy tính bảng thì tính ra tiền bản quyền sách giáo khoa điện tử trên mỗi máy chỉ khoảng 3.000 đồng. Cơ cấu chi tiêu này cho thấy sự đóng góp của các phần mềm, ứng dụng, tiện ích v.v... trong loại máy tính bảng trên là không đáng kể, thậm chí hoàn toàn có thể cho không, nguồn lợi chính vẫn đến từ việc bán phần cứng.

Mà khi bộ phần mềm sách giáo khoa điện tử với chi phí không đáng kể so với tổng kinh phí của đề án thì hoàn toàn có thể đưa lên mạng cho người dùng tải về miễn phí, còn họ dùng máy tính bảng loại gì thì tự sắm chứ đâu nhất thiết là máy của AIC hay một nhà cung cấp nào đó được... "đấu thầu ngầm" để tránh tình trạng đánh quả giáo dục?

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác