VnReview
Hà Nội

Không sản xuất nổi vỏ điện thoại Samsung: Có bi đát vậy không?

Câu chuyện cũ "không sản xuất nổi cái ốc vít" gần đây lại được xới lại khi báo chí đưa tin Samsung đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam làm vỏ điện thoại, sạc pin... mà không doanh nghiệp nào làm được. Có đúng là doanh nghiệp Việt Nam quá kém hay có uẩn khúc nào đó?

Công nhân nhà máy Samsung. Ảnh: Tuổi trẻ

Công nhân nhà máy Samsung đang lắp ráp smartphone Galaxy. Hiện, mới có 5 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho Samsung, nhưng chỉ vỏ hộp, xốp chứ không phải linh kiện điện tử. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo báo VietNamNet tại Hội thảo "Giải pháp tài chính và hạ tầng phát triển ngành CNHT" ngày 28/8/2014, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội kể, tập đoàn Samsung đã tìm các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất linh kiện điện thoại di động cho họ. Nhưng để sản xuất được vỏ điện thoại thì doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, phần mềm có chi phí khoảng 500 triệu USD. Trước đòi hỏi vốn rất lớn như vậy, không doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng nổi.

Còn theo bài báo "Bó tay" từ cái sạc pin, tai nghe..." của báo Tuổi trẻ đăng ngày 29/8, ông Trương Thanh Hoài, phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương nói: "Chúng tôi mới được Tập đoàn Samsung cung cấp danh sách trên 170 linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam có thể làm để cung ứng cho Galaxy S4 và Galaxy Tab7. Tuy nhiên khi hỏi các hiệp hội, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp điện tử đã có 40-50 năm truyền thống, câu trả lời là: chưa làm được (không đáp ứng được công nghệ và giá thành)! Mà trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe...".

Báo Lao động viết chỉ tính riêng sạc pin các loại, mỗi năm Samsung cần 400 triệu chiếc. Tính lãi sơ sơ mỗi chiếc sạc pin là 0,5 USD, mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam (nếu làm được) có thể bỏ túi 200 triệu USD.

Qua ba nguồn tin nói trên phản ánh thì có thể thấy vấn đề của doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam: Cỗ dâng tận miệng mà không ăn được vì yếu kém - cả về vốn và công nghệ.

Nhưng sự thật có bi đát như vậy không? Chúng ta hãy để cơn xúc động lắng xuống và phân tích từ hai phía: nhà đầu tư nước ngoài (như Samsung) và nhà cung ứng Việt Nam.

Về phía Samsung, không nói hẳn ai cũng biết họ đã có các nhà cung cấp phụ kiện như vỏ máy, sạc pin, dây cáp... từ lâu. Thậm chí, khi Samsung đầu tư vào Việt Nam, họ đã có kế hoạch kéo theo các nhà sản xuất linh kiện vệ tinh.

Thực tế, theo báo Đầu tư hồi tháng 5/2014 đưa tin, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Khu tổ hợp Samsung (Samsung Complex) ở Bắc Ninh cho biết Samsung đã thu hút được 60 nhà đầu tư vệ tinh ở Việt Nam. Trong đó, có đến 45 nhà cung cấp Hàn Quốc và 10 nhà cung cấp khác. Chỉ có 5 nhà cung cấp là của Việt Nam nhưng mới chỉ cung cấp bao bì, hộp xốp chứ không phải là linh kiện điện tử.

Câu hỏi đặt ra là với việc kéo theo đội ngũ công ty Hàn Quốc vệ tinh hùng hậu, sản xuất từ vi mạch, màn hình cho đến vỏ điện thoại, pin... tại sao Samsung vẫn cung cấp danh sách linh kiện, phụ tùng "đặt hàng" doanh nghiệp nội địa với Bộ Công thương, với doanh nghiệp Việt Nam?

Trên lý thuyết thì như ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina - đơn vị liên doanh giữa Công ty Cổ phần TIE và Tập đoàn điện tử Samsung từng được báo chí trích dẫn rằng với bất kì nhà sản xuất nào, nếu phải lựa chọn vật tư linh kiện từ hai nhà cung cấp có chất lượng và giá ngang nhau thì dĩ nhiên nhà cung cấp nội được ưu tiên vì không phải mua bằng ngoại tệ, không phải làm thủ tục nhập khẩu.

Thực tế, Samsung đã có các công ty phụ trợ Hàn Quốc đi kèm vào Việt Nam rồi, cho nên sự ưu tiên hàng nội như ông Đạo đã nói trên không còn tồn tại nữa. Ngoài ra, với quy mô sản xuất cung ứng cho thị trường toàn cầu, Samsung không dại gì mạo hiểm thường xuyên thay đổi nhà cung cấp truyền thống bằng nhà cung cấp địa phương nếu như không có sự thay đổi đặc biệt về giá cả hay các lý do khác.

Và quan trọng hơn cả, sẽ là quá ngây thơ khi tin rằng Samsung muốn "dâng cỗ" cho doanh nghiệp Việt Nam (đồng thời "đập bát cơm" của doanh nghiệp cung cấp Hàn Quốc) bởi vì như chúng ta thấy, đi kèm với "mâm cỗ" ấy là điều kiện mà khó có thể doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được: số lượng khủng.

Có điều, tôi cho rằng họ vẫn "đặt hàng" doanh nghiệp Việt Nam, là để khi doanh nghiệp Việt Nam (và cả các cơ quan quản lý của Việt Nam) "bó tay", thì các doanh nghiệp vệ tinh Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam sẽ thuận lợi hơn, được hưởng ưu đãi nhiều hơn (do trong nước không sản xuất được).

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp Việt Nam, không phải là "không làm nổi" mấy cái vỏ, sạc pin, dây cáp điện cho Samsung. Mà đơn giản là họ không làm!

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử gia dụng ở Hà Nội đã phá lên cười khi tôi bóc cái vỏ lưng máy Galaxy S4 ra hỏi có làm được không? Bởi theo ông, "cái khỉ gió ấy sao không làm được", có điều là muốn làm hay không.

"Việc sản xuất không khó do thiết kế bên đặt hàng theo chuẩn hết rồi, có khuôn mẫu, vật liệu cũng sẵn có. Để nhà xưởng, điều kiện lao động đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng không phải quá khó", vị giám đốc giải thích. Ông cho rằng, vốn đầu tư sản xuất vỏ điện thoại "làm gì đến 500 triệu USD" (hơn 10 nghìn tỷ đồng) như ông Nguyễn Hoàng đã nói ở trên. Tuy nhiên, vẫn không có doanh nghiệp Việt Nam nào cung cấp linh kiện cho Samsung bởi "vấn đề là Samsung có thực sự muốn hay không?".

"Mặc dù giá trị vỏ điện thoại thấp, chỉ một vài đô la nhưng để sản xuất hàng trăm triệu chiếc cung ứng cho Samsung thì chắc chắn chỉ một doanh nghiệp không bao giờ kham nổi. Ngay Samsung cũng cần đến vài nhà cung cấp vỏ máy. Cho nên, chỉ cần đặt yêu cầu sản lượng cực lớn, doanh nghiệp Việt Nam đã lắc hết rồi, chưa nói gì đến giá cả, chất lượng", ông nói.

Quả thực, xét về đầu tư sản xuất vỏ điện thoại, vốn không đến mức 500 triệu USD. Năm 2013, ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã cấp chứng nhận đầu tư cho dự án Young Sung Precision Vina, vốn đầu tư 400.000 USD. Dự án này hướng tới là nhà cung ứng cho Samsung, chuyên sản xuất, gia công vỏ điện thoại di động, linh kiện, phụ kiện điện tử cao cấp, công suất 200 tấn/năm; in laser trên vỏ điện thoại di động, linh kiện, phụ kiện điện tử, công suất 50 tấn/năm. Và chắc chắn, không chỉ có Young Sung Precision Vina là nhà cung cấp vỏ điện thoại duy nhất cho Samsung.

Phải nói rằng, sản xuất được các linh kiện điện tử: camera, màn hình, vi xử lý... dùng cho các sản phẩm công nghệ cao như smartphone không hề đơn giản – nó đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về nghiên cứu và phát triển; chưa kể trên thị trường các tên tuổi lớn trong lĩnh vực này cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt. Nhưng nếu nói doanh nghiệp Việt Nam sản xuất không sản xuất nổi cái vỏ điện thoại, sạc pin... thì cần phải xem lại. Đừng bao giờ nên vội vã nhìn những con số các nhà đầu tư nước ngoài lớn đưa ra để ảo tưởng và thất vọng với chính mình.

Phi Điệp

Chủ đề khác