VnReview
Hà Nội

Khi "nhà nghèo" tiêu tiền... triệu đô

Không phải vô lý khi người ta đã đúc kết: đừng dạy người giàu tiêu tiền như thế nào, nhưng khi người nghèo bỗng nhiên có một đống tiền, bất kể là vay mượn hay bán đất đai, tài sản, thậm chí là công sức tích cóp lại, nếu không biết cách tiêu tiền sẽ là thảm họa.

Câu chuyện đầu tiên tôi muốn đề cập đến là từ ngay trong nhà mình. Cô giúp việc khi mới từ quê lên rất hào hứng với công việc vì thứ gì cũng lạ, cũng hay. Hâm nóng cơm, thức ăn đã có lò vi sóng. Muốn ăn bánh, gà quay, thịt quay thì bỏ lò nướng. Đun nước siêu tốc, chỉ 2-3 phút là xong. Ninh xương có nồi điện, chỉ cần 5-10 phút... Thế là chị tuyên bố: sẽ tiết kiệm vài tháng lương để mua những đồ gia dụng này. Tưởng cô nói đùa, ai dè đến kỳ nghỉ phép cách đây không lâu, cô làm thật. Trước khi về, cô chạy ra siêu thị điện máy ôm về một đống: nồi hầm điện, ấm nước siêu tốc và lò vi sóng!

Mong muốn có cuộc sống tiện nghi như nhà người khác là điều rất tự nhiên. Song không phải khi mình có chút tiền rồi tham khảo, bắt chước là đã có cuộc sống tiện nghi tương tự. Đó là câu chuyện thứ hai về cách tiêu tiền tôi thấy gần đây, nhưng ở tầm vĩ mô hơn nhiều.

Tin tức Sở TT-TT Đà Nẵng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với thành phố Deagu (Hàn Quốc) về triển khai các hệ thống thông tin chính quyền điện tử được hân hoan loan tin trên các báo. Nội dung hợp tác có nhiều, nhưng cái "được" nhìn rõ nhất là Đà Nẵng lại có thể "xin" được các chuyến đưa cán bộ, công chức đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm tại Hàn Quốc và các ki-ốt cung cấp dịch vụ phát hành tự động các loại biểu mẫu giấy tờ cho người dân.

Ký kết hợp tác

Ký kết hợp tác giữa Sở TT-TT Đà Nẵng với Văn phòng kế hoạch thành phố Daegu (Hàn Quốc)

Thôi thì khi mình nghèo, cực chẳng đã mới phải tăng "xin" giảm chi. Nhưng ở vị thế Đà Nẵng - địa phương đầu tiên ở Việt Nam đã chi đến 600 tỷ đồng vốn vay và ngân sách địa phương, tương đương hơn 27 triệu USD cho chính quyền điện tử - phải nhờ vả, học hỏi một địa phương của Hàn Quốc thì có đáng không? Đó là chưa đề cập đến những thứ "xin" được có đem lại hiệu quả không?

Báo Tuổi trẻ trong bài viết "Trên sắm đồ xịn, dưới chẳng ai dùng" đăng ngày 11/9 cho biết, Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư hơn 27,2 triệu USD (gần 600 tỉ đồng) vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án được triển khai từ năm 2011, nghiệm thu ngày 22/7/2014.

Kết quả của sự đầu tư "khủng" này là từ năm 2011 đến nay, Đà Nẵng luôn là địa phương đứng nhất, nhì trong cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, theo kết quả xếp hạng của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT). Tại các hội thảo, hội nghị về chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT, Đà Nẵng luôn được đưa ra như một hình mẫu tiêu biểu.

Sau cuộc họp triển khai một số hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước ngày 4/8/2014, VP Chính phủ ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đó giao Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất nhân rộng mô hình hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng để áp dụng triển khai tại các địa phương khác nếu mô hình này thực sự có hiệu quả tốt. Trên đà này, ngày 29/8/2014, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng tại hội nghị về chính phủ điện tử diễn ra ở Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất hợp tác, chuyển giao cho các địa phương khác.

Thực ra thì với mức đầu tư như vậy, chính quyền điện tử Đà Nẵng không được phép đạt hiệu quả không tốt. Nhưng để nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác thì không dễ. Thứ nhất là các địa phương không có điều kiện "rủng rỉnh" túi tiền như Đà Nẵng. Thứ hai là bản thân mô hình chính quyền điện tử ở Đà Nẵng trong hoạt động thực tế cũng "có vấn đề".

Ông Phạm Kim Sơn chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của Đà Nẵng là khá "đơn giản": Tiếp cận, nhận chuyển giao Korea eGovFrame của Hàn Quốc; Đối chiếu kiến trúc và sau đó Cải tiến, bổ sung các thành phần phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ, hiện trạng Đà Nẵng, từ đó hình thành nên Nền tảng ứng dụng chính quyền điện tử Đà Nẵng (Danang EgovPlatform).

Câu hỏi đặt ra là tại sao Đà Nẵng không tiếp cận các nền tảng chính quyền điện tử do các doanh nghiệp trong nước phát triển mà lại dùng "hàng ngoại"?

Về khách quan, Đà Nẵng có mối quan hệ hợp tác mật thiết với Hàn Quốc cũng như các địa phương của nước này. Bên cạnh đó, Hàn Quốc được đánh giá là quốc gia có chính phủ điện tử phát triển. Còn các doanh nghiệp phần mềm trong nước - kể cả việc họ có đủ khả năng, thiết kế dựa trên hiểu biết nhu cầu thực tiễn triển khai – nhưng có điểm yếu là không có bề dày kinh nghiệm, uy tín quốc tế như Hàn Quốc và đặc biệt, không thể tổ chức các đoàn công tác đưa cán bộ địa phương đi nước ngoài để "học tập kinh nghiệm" do họ chỉ có kinh nghiệm triển khai trong nước.

Tuy nhiên, việc học hỏi mô hình nước ngoài - mặc dù có điều chỉnh nhất định – tiềm ẩn nhược điểm: không sát với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội dân trí. Một nghiên cứu của trường Đại học Khoa học Chính trị và Kinh tế Luân Đôn (Anh) hồi năm 2006 đã chỉ ra nguyên nhân thất bại phổ biến của chính quyền điện tử ở các nước đang phát triển là khoảng cách giữa thiết kế dự án quá xa so với thực tại xét về: thông tin, công nghệ, quy trình thủ tục, mục tiêu và giá trị, nhân lực và kỹ năng, hạ tầng và hệ thống quản trị, các nguồn lực khác.

Khoảng cách đó dường như đang hiện hữu ở chính quyền điện tử Đà Nẵng với việc đầu tư hạ tầng, thiết bị hoành tráng, hiện đại, đắt tiền nhưng lại không được sử dụng hoặc biết cách sử dụng. Theo bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ nói trên, tại các phường, máy tính tra cứu thông tin bị hỏng, bỏ xó! Ngoài ra, các lãnh đạo quận, phường được trang bị điện thoại có hình, giá bán theo thị trường là 22,5 triệu đồng/ chiếc (ông Phạm Kim Sơn xác nhận giá chỉ 800 USD, tức hơn 16 triệu đồng), nhưng các điện thoại đắt tiền này chưa thực hiện được một cuộc gọi nào, trong khi thời gian bảo hành đã hết!

Chính quyền điện tử Đà Nẵng

Hầu hết điện thoại (loại có màn hình hiển thị - video phone) được trang bị tại UBND phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng phải "trùm mền" vì không kết nối được với máy khác. Ảnh: Đ.Nam/ Tuổi trẻ

Qua bức ảnh đăng trên báo Tuổi trẻ ở trên, tôi nhận thấy Đà Nẵng cung cấp điện thoại VoIP tới các cấp chính quyền cơ sở. Đây là một điều khá bất ngờ vì việc trang bị điện thoại VoIP đắt đỏ do nó nhằm đáp ứng nhu cầu cường độ làm việc cao, liên tục – như dạng tổng đài chăm sóc khách hàng, hàng ngày xử lý hàng nghìn cuộc gọi điện. Thực tế cho thấy nhu cầu điện thoại VoIP cấp cho các cấp cơ sở như Đà Nẵng làm là không cần thiết bởi điện thoại không thực hiện cuộc gọi nào hàng năm trời nhưng mọi công việc vẫn trôi chảy, không bị ách tắc, kém hiệu quả.

Chính phủ điện tử, rốt cuộc không phải thứ gì quá ghê gớm, chỉ là công cụ để phục vụ hoạt động điều hành của chính quyền hiệu quả hơn, phục vụ người dân tốt hơn. Cho đến nay, mặc dù Đà Nẵng là địa phương xếp hạng đầu về ứng dụng CNTT, tổng đài hành chính công hoạt động tích cực (tôi đã gọi điện để tra cứu thông tin và được trả lời hướng dẫn nhiệt tình) nhưng với vốn đầu tư 600 tỷ đồng thì xem chừng kết quả chưa tương xứng: chỉ nhỉnh hơn các địa phương khác rất ít hoặc thậm chí là kém cả các tỉnh nghèo tùy theo tiêu chí cụ thể.

Theo báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT 2013 công bố tháng 7/2014 của Bộ TT&TT, xét về tiêu chí Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Đà Nẵng đứng đầu các địa phương nhưng chỉ hơn địa phương thứ nhì là Nghệ An có 28 điểm; Xếp hạng về Website/Portal, Đà Nẵng thua Nghệ An, Huế, Quảng Bình; Xếp hạng về Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Đà Nẵng đứng thứ nhất, chỉ hơn TP.HCM có 7 điểm...

Tuy nhiên, xem ra Đà Nẵng vẫn có nhu cầu học hỏi thêm nữa. Ngay cả khi máy tra cứu thông tin có màn hình cảm ứng đặt ở các phường bị bỏ xó, rồi kế hoạch đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4..., thì mặt khác, Đà Nẵng tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc lập các ki-ốt cung cấp tự động các loại biểu mẫu giấy tờ cho người dân. Đà Nẵng báo cáo đã đào tạo hàng nghìn lượt cán bộ khi triển khai dự án nhưng ngay cả ông Sơn cũng phải thừa nhận với phóng viên báo Tuổi trẻ là ở "xã, phường bây giờ có một số nơi trách nhiệm kém lắm", và "Mình trang bị như vậy nhưng người có tinh thần trách nhiệm thì xài, còn người không có tinh thần trách nhiệm hoặc không thích sự thay đổi công nghệ thì họ không xài. Thật ra họ không thích thì không xài chứ các máy đó rất cần thiết".

Có lẽ đây chính là điều mà khi thiết kế kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử Đà Nẵng dựa trên học hỏi kinh nghiệm Hàn Quốc đã không lường trước; hoặc có lường trước nhưng không nghĩ là tệ hại đến vậy. Cho nên, với những "ông" không có tinh thần trách nhiệm, ông Sơn chỉ biết thốt lên: "Trách nhiệm là mấy ông đó ráng chịu".

Đà Nẵng đã chi 600 tỷ đồng để xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ điều hành và người dân. Kết quả nhìn thấy được rõ nhất là xếp hạng ứng dụng CNTT so với các địa phương khác chỉ nhỉnh hơn, hoạt động điều hành vẫn trơn tru dù điện thoại cung cấp không hoạt động và người dân không phàn nàn vì máy tra cứu thông tin tại xã, phường bỏ xó. Sắp tới, Đà Nẵng sẽ vay thêm 30 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng) nữa từ World Bank để xây dựng thành phố thông minh.

Thực ra, nhìn các thành phố phát triển, thông minh cũng thích thật. Nhưng có cần thiết phải vay nợ để triển khai thành phố thông minh trong điều kiện kinh tế xã hội, dân trí kiểu "có tinh thần trách nhiệm thì xài" hay không?

Trở lại câu chuyên cô giúp việc nhà tôi. Bây giờ thỉnh thoảng cô lại than thở mớ đồ điện gia dụng mua về để xó do ở nhà không biết dùng, và không dám dùng vì sợ tốn điện. Mà đồ điện lâu không dùng sẽ bị hỏng, bán ở quê chẳng ai mua.;

Đúng là kiếm ra được tiền đã khó, nhưng biết "liệu cơm gắp mắm", tiêu tiền như thế nào cho phù hợp không hề đơn giản chút nào!

Phi Điệp

Chủ đề khác