VnReview
Hà Nội

Ai đã “giết chết” Nokia?

Khi truyền thông đưa tin cho biết từ nay thương hiệu Nokia Lumia bị thay thế bởi thương hiệu Microsoft Lumia trên các smartphone Lumia Windows Phone thì cũng đúng vào dịp rất hiếm hoi Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb nói về cái chết của Nokia: "Người ta cho rằng iPhone đã giết chết Nokia và iPad đã giết chết ngành công nghiệp giấy của Hà Lan…". Bất chợt, nỗi đau bán mình muốn được chôn giấu lại bị khơi dậy đớn đau.

đổi tên nokia lumia thành microsoft lumia

Thời Nokia còn trên đỉnh cao với những dòng điện thoại cơ bản và những mẫu smartphone sơ khai chạy nền tảng Symbian, hãng này đã đóng góp đến 10% GDP quốc gia Phần Lan, tương ứng như vị thế của Samsung cách đây vài năm trong nền kinh tế Hàn Quốc vậy. Nokia là niềm tự hào của đất nước và người dân Phần Lan, mang lại việc làm, thu nhập, đời sống khá khẩm cho nhiều người và còn giúp đẩy mức GDP trên đầu người của quốc gia này phát triển. Chính vì thế, câu nói của ông Thủ tướng Phần Lan vẫn còn đó dư vị đắng chát.;

Bây giờ đi vào vấn đề ai đã "giết chết" Nokia? Có đúng là Apple, iPhone và iPad như lời ông Alexander Stubb nói? iPhone bắt đầu được bán ra thị trường năm 2008. Năm đó, Nokia vẫn đang còn khá hùng mạnh. Apple đã làm thay đổi quan niệm về smartphone và cách sử dụng smartphone với những chuẩn mực cao, chất lượng và đẳng cấp, khiến cho người dùng điện thoại di động không thể coi các dòng điện thoại N hay E của Nokia là smartphone được, cho dù vào những năm 2007-2008-2009 người ta vẫn còn sử dụng chúng khá nhiều. Nhưng cũng chính từ thời điểm đó, những mẫu điện thoại được gọi là thông minh của Nokia đã thở dốc và hấp hối khi người dùng liếc nhìn sang so sánh với iPhone và các dòng điện thoại thông minh chạy nền tảng Android.

Theo tôi, cú đánh chí mạng quyết định nhất khiến mảng sản xuất điện thoại Nokia dần sụp đổ hoàn toàn, không phải là iPhone và hệ điều hành iOS mà chính là Android của gã khổng lồ tìm kiếm Google. iPhone dù có hay có đẹp có xuất sắc, thì giá vẫn cao vời vợi chưa thân thiện lắm với hầu bao nói chung của người tiêu dùng đặc biệt ở các khu vực hay quốc gia đang phát triển. Còn điện thoại Android, trên nền tảng mã nguồn mở, từ năm 2008-2009 đã nhanh chóng phổ cập như một làn sóng rộng khắp thế giới. Giá máy Android cũng liên tục bị đánh đổ các mốc cao và nhanh chóng trở nên bình dân hóa, dễ sử dụng.

Thiết kế mới của Microsoft Lumia đang bị rò rỉ trên mạng

Một nền tảng đóng chặt như iOS dù chuẩn mực, nếu có đánh sập được nền tảng già nua và chậm chạp Symbian cũng khó có thể đảo ngược được tình thế quá nhanh chóng. Chúng ta hoàn toàn có thể tham chiếu được điều này trong trường hợp đỉnh cao BlackBerry vào thời điểm 2007-2008 nhưng rồi cũng bị suy sụp. Với nền tảng mở Android thì khác, sự cởi mở trẻ trung, mở rộng hợp tác và dễ sử dụng… là những xu thế của thời đại.

Nên nhớ rằng điện thoại iOS hay BlackBerry chỉ có mỗi Apple hoặc R.I.M sản xuất. Vì thế nếu chỉ phải chống lại một, hai thế lực này thì Nokia có vất vả nhưng chưa chắc phải gục sớm. Song với điện thoại chạy nền tảng Android lại khác, gần một chục thương hiệu lớn và cả trăm các thương hiệu nhỏ trên khắp thế giới cùng sản xuất. Những năm từ 2010-2012, mỗi năm bình quân có trên dưới 200-300 mẫu smartphone Android của các hãng lớn và trung tung ra thị trường rải đều ở các phân khúc giá, khiến cho ngay cả Apple đỉnh cao và mạnh mẽ tiền bạc và công nghệ còn mệt mỏi (cụ thể là bị Samsung vượt mặt trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới năm 2011, sau đó lấy luôn ngôi vị hãng điện thoại di động số 1 thế giới vào năm 2012 từ tay Nokia) chứ huống gì một Nokia đã già nua và suy yếu.

Android của Google đã qui tụ được sức mạnh của các hãng sản xuất điện thoại di động toàn thế giới để "giết chết" Nokia và tiếp đó từ năm 2012 tới nay tiếp tục uy hiếp và đánh phá "vương quốc táo khuyết". Minh chứng rõ ràng nhất là thị phần của cả smartphone và tablet iOS đang dần teo lại do bị Android lấn chiếm.

Năm 2013, báo chí và các phương tiện truyền thông thế giới đã tốn không ít con chữ để bàn tán và rồi đặt vấn đề rằng "CEO Nokia Stephen Elop là "điệp viên công nghệ" vĩ đại nhất thế giới" (bài đăng trên Tri Thức Trẻ). Tuy nhiên sau này câu chuyện đã sáng tỏ: Stephen Elop được HĐQT Microsoft biệt phái sang làm CEO Nokia theo một thỏa thuận bán mình của hãng điện thoại Phần Lan, để lèo lái Nokia vào con đường làm smartphone Lumia chạy nền tảng hệ điều hành Windows Phone của Microsoft.

Stephen Elop bị cho là "điệp viên công nghệ", tay trong của Microsoft tại Nokia

Và còn một câu chuyện nữa chưa nhiều người biết, đó là việc Nokia bán mình với giá 7,2 tỉ USD chỉ là giá công bố, còn trên thực tế… không được tiết lộ thì Microsoft đã chi hàng tỉ USD trước đó để lái Nokia vào con đường R&D sản xuất Windows Phone. Elop chỉ là người lãnh sứ mệnh thúc đẩy thực hiện con đường Windows Phone hóa Nokia chứ chẳng phải là "điệp viên công nghệ vĩ đại nhất thế giới" gì sất.

Stephen Elop từng đăng đàn cho biết Nokia không chọn Android là vì ngại Samsung. Nhưng khi thân phận của Elop đã "bị lộ", thì những lời trên thực chất chỉ là cách nói nhằm ngụy biện và khỏa lấp. Trên thực tế, Nokia đã bán mình cho Microsoft là đã chấp nhận đi theo Windows Phone từ trước khi Elop về lãnh đạo Nokia. Và sự chấp nhận này, chính là "thủ phạm" xóa dần thương hiệu Nokia trên thị trường điện thoại di động hiện nay. Ban lãnh đạo Nokia khi ấy chấp nhận cúi đầu để Elop về lãnh đạo mình, và "chỉ bảo" cho tập đoàn có gần 50 năm tuổi đời và kinh nghiệm làm thiết bị viễn thông không dây của mình cách làm điện thoại di động là như thế nào. Quả thật là một sự đớn hèn! Chính yếu tố này thúc đẩy Nokia tan nát càng nhanh chóng. Mới thấy, tập đoàn sừng sỏ của Châu Âu, đặt cạnh tập đoàn sừng sỏ của Mỹ, so ra, vẫn chỉ là những "chú em" mà thôi.

Vậy ai đã "giết chết" Nokia? Câu trả lời như trên: Apple, Android. Nhưng liệu Nokia chỉ bị "giết chết" bởi tác nhân bên ngoài? Không hẳn thế… Còn nhớ năm 1986 khi tay đấm thép Mike Tyson trở thành nhà vô địch đầu tiên của cả ba đai WBA, WBC, IBF trẻ nhất (20 tuổi, 4 tháng, 22 ngày) thì hàng loạt tờ báo Mỹ chạy tít "Mike Tyson – nhà vô địch của những nhà vô địch" nhờ có "ông bầu của mọi ông bầu" là Don King. Nhưng khi Mike Tyson hết thời dùng đến chiêu "cẩu sực nhỉ" (chó cắn tai, chỉ hành động Tyson cắn tai đối thủ Evander Holyfield trong trận đấu ngày 28/6/1997 trên võ đài MGM Grand Arena tại Las Vegas bang Nevada, Mỹ) thì cũng hàng loạt tờ báo giật tít "chỉ có Tyson mới đánh bại Tyson"… Trong trường hợp dẫn đến cái chết của Nokia không thể không kể đến sự cúi đầu của ban lãnh đạo Nokia khi đó trước tiền tài của Microsoft. Theo tôi, Nokia đã tự "giết chết" mình trước khi bị các đối thủ hạ gục.

Thẩm Hồng Thụy 

Chủ đề khác