VnReview
Hà Nội

“Sóng thần” Uber ngó lơ nghĩa vụ thuế?

Dịch vụ taxi chia sẻ chỗ ngồi thông qua ứng dụng đặt chuyến trên internet Uber đang liên tục gặp sóng gió tại nhiều quốc gia. Góp tiếng nói phản đối mạnh mẽ dịch vụ mới này là Hàn Quốc, với việc khởi tố Uber về hành vi hoạt động taxi bất hợp pháp từ Văn phòng Công tố quận Seoul hôm 24/12/2014. Tiếp đó, Đài Loan và thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) cũng có động thái xử rắn đối với Uber.

dịch vụ taxi uber

Uber bị phản đối ở nhiều nước trên thế giới

Uber tạo "sóng"…

Có thể nói Uber là "con sóng thần" đang mỗi ngày đe dọa thị trường dịch vụ taxi truyền thống ở nhiều quốc gia. Được thành lập năm 2009 tại thành phố San Francisco (bang California, Mỹ) do Travis Kalanick và Garrett Camp khởi nghiệp, đến nay dịch vụ taxi Uber đã lan tỏa ra trên 200 thành phố thuộc hơn 50 quốc gia. Chưa có con số chính thức thống kê số lượt chở khách của Uber trên thế giới trong 5 năm qua nhưng chắc chắn con số này có thể lên tới hàng triệu, hàng chục triệu lượt hành khách.

Taxi Uber với lợi thế ứng dụng đặt chuyến thuận tiện trên internet và giá cước rẻ nên đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, người tiêu dùng càng chào đón taxi Uber hồ hởi bao nhiêu thì các hãng taxi truyền thống lại càng… căm ghét Uber bấy nhiêu. Ngay chính tại đất nước khai sinh ra Uber là Hoa Kì, các tài xế taxi truyền thống đã xuống đường phản đối Uber tại New York. Ở Châu Âu, nhiều quốc gia cũng đã đưa ra lệnh cấm đối với dịch vụ taxi Uber với lời buộc tội kinh doanh bất hợp pháp, trốn thuế…

Trên thực tế, taxi Uber "đụng" tới quyền lợi của nhiều loại hình taxi hoạt động một cách "danh chính ngôn thuận". Uber "đụng" GrabTaxi hay Easy Taxi - cũng là các dịch vụ đặt chuyến taxi qua ứng dụng trên internet nhưng có đăng kí kinh doanh hẳn hoi và thực hiện các nghĩa vụ thuế, và cung cấp dịch vụ bằng các phương tiện của các hãng taxi thương hiệu. Đối tượng thứ hai mà Uber "đụng" đến chính là các hãng taxi truyền thống. Họ không thể đứng yên để Uber dần lấy đi khách hàng của họ với giá cước rẻ hơn nhờ vào việc không thực hiện nghĩa vụ thuế và các chi phí khác. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống muốn có được giấy phép kinh doanh phải đáp ứng rất nhiều điều kiện theo qui định của pháp luật.

Khoảng 10 năm trước, tại TP.HCM từng xuất hiện "hãng" taxi Sao Việt với một tập hợp hổ lốn các loại xe với mức giá cước áp dụng không thể rẻ hơn. Nhưng sau đó, taxi Sao Việt đã lộ nguyên hình là một tập hợp taxi "ăn xổi ở thì" nên nhanh chóng tự đào thải.

Uber có nét giống nhưng cũng có nét khác với Sao Việt. Trước hết, Uber tận dụng lợi thế kết nối và tương tác của công nghệ với nhiều tính năng ưu việt đưa khách hàng và lái xe gặp nhau, từ đó giúp tiết giảm rất nhiều loại chi phí. Thứ hai, Uber có đưa ra một số qui định để kiểm soát các đối tác chủ xe và lái xe. Tuy nhiên, điểm giống với Sao Việt là đội ngũ taxi Uber không có sự đồng nhất về hình ảnh, biển hiệu, và phương tiện cung cấp dịch vụ taxi Uber tại Việt Nam về bản chất không khác với taxi "dù" vì đa phần không có giấy phép kinh doanh taxi và cũng không thực hiện nghĩa vụ thuế.;

Từ góc nhìn của người tiêu dùng, taxi Uber mang đến nhiều cái lợi mà rõ ràng nhất chính là giá cước. Tuy nhiên, không phải là không gợn lên nỗi lo về vấn đề an toàn an ninh và đặc biệt là trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chuyên chở (chủ xe) và dịch vụ kết nối (Uber) khi xảy ra các sự cố đối với hành khách, đơn cử như vụ tài xế taxi Uber ở Ấn Độ hiếp dâm nữ hành khách.

Dù taxi Uber bị các hãng taxi truyền thống phản đối ở nhiều quốc gia và ngay tại Việt Nam, nhưng theo tôi, cái "được" lớn nhất mà Uber mang đến cho thị trường Việt Nam chính là việc tạo ra một sức ép buộc các hãng taxi truyền thống phải đổi mới phương thức hoạt động để tăng hiệu quả và tính cạnh tranh chứ không thể cứ ngồi kêu, chờ nhà nước can thiệp, bảo hộ.

…và Việt Nam đang quá thoáng với Uber? 

Khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong một cuộc họp của ngành yêu cầu các cơ quan trực thuộc phải hợp pháp hóa hoạt động taxi Uber, dư luận đã nảy sinh ngay những "xì xào" rằng Việt Nam đang khước từ với cái mới, đang ép uổng Uber.v.v… Thậm chí ngay cả phóng viên của một số tờ báo khi viết về dịch vụ taxi Uber tại Việt Nam cũng chưa hiểu hết cái "được" và cái "mất" mà Uber đang hoạt động theo cách hiện nay mang lại và gây ra. 

taxi uber ở việt nam

Uber vẫn đang hoạt động mạnh ở Việt Nam nhưng chưa đóng đồng thuế nào

Bộ trưởng Thăng yêu cầu hợp pháp hóa hoạt động của Uber là một sự cởi mở thoáng về chủ trương và nguyên tắc. Nhưng trên thực tế, dịch vụ taxi Uber có hợp pháp hóa được hay không đâu chỉ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng, mà còn phụ thuộc vào chính Uber và các đối tác chủ xe của họ tại Việt Nam có tuân thủ các qui định, thủ tục và nghĩa vụ theo đúng pháp luật qui định hay không. Thoáng như tư duy của Bộ trưởng Thăng là tạo cơ hội cho Uber hoạt động, nhưng phải trên một sân chơi bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh. Vậy thì ít nhất Uber phải xúc tiến thực hiện 2 vấn đề quan trọng: Thứ nhất là cùng với các đối tác của họ hoàn tất thủ tục giấy phép đăng kí kinh doanh. Thứ hai là phải cùng với các đối tác của họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.

Nếu chỉ thuần túy với tư cách một cá nhân tiêu dùng, thì dịch vụ nào có lợi nhất chúng ta sẽ dùng dịch vụ đó mà không cần quan tâm nó cạnh tranh có lành mạnh hay không. Tuy nhiên nếu ứng xử với tư cách một công dân, thì câu hỏi có nên sử dụng một dịch vụ không có giấy phép kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thuế, và vấn đề trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chưa rõ ràng…, phải được đặt ra.

Cái mới cần được khuyến khích, ứng dụng và triển khai trong cuộc sống đặc biệt là các loại hình dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao. Nhưng cho dù có mới đến mức nào và có lợi cho người tiêu dùng đến đâu, thì cũng phải hoạt động trong khuôn khổ luật pháp và dung hòa được các lợi ích. Không thể chỉ vì người tiêu dùng được lợi mà làm lơ với một loại hình dịch vụ trốn thuế và không tuân thủ các qui định về kĩ thuật, an toàn. Một doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ bền vững và lành mạnh trên thị trường cũng không thể không thực hiện các nghĩa vụ đối nhà nước và trách nhiệm đối với xã hội.

Tổng cục Thuế đã "chốt" xong phương án tính thuế đối với Uber (thuế GTGT trên doanh thu là 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu là 2%) và cũng làm rõ rằng: Công ty TNHH Uber Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động từ ngày 14/10/2014 nhưng chỉ thực hiện các hoạt động marketing và phát triển thị trường chứ không trực tiếp kí kết hợp đồng và phát sinh doanh thu để phải chịu thuế, cho dù Uber thu của các chủ xe Việt Nam 20% cước phí vận chuyển mà hành khách chi trả (do Cty Uber International Holding B.V thực hiện). Đây là chi tiết quan trọng lí giải vì sao Uber bị phản đối và cấm cửa ở nhiều quốc gia, bị khởi tố vì "hành vi kinh doanh taxi bất hợp pháp ở Hàn Quốc…

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác