VnReview
Hà Nội

Mã vùng… đâm thủng hầu bao

Thông tin mã vùng điện thoại cố định của 59/63 tỉnh, thành sẽ phải thay đổi từ ngày 1/3/2015 theo Thông tư số 22/2014/BTTTT lan tỏa trong hai ngày trở lại đây trở thành chuyện… bỗng dưng mất tiền và phiền phức đối với các doanh nghiệp. Ngay trong loại câu hỏi được cho là "ú ớ" nhất như "thay đổi để làm gì nhỉ?" cũng chạm tới vấn đề: Tính thực dụng của việc thay đổi mã vùng.

đổi mã vùng điện thoại

Đổi mã vùng điện thoại tác động không chỉ doanh nghiệp mà toàn xã hội, sao không tính cho kỹ?

Qui hoạch nhưng lại thiếu tính qui hoạch

Thẳng thắn nhận xét, mã vùng điện thoại cố định (ĐTCĐ) tại Việt Nam hiện không thống nhất, có thành phố thì mã vùng chỉ 1 chữ số, có tỉnh thì 2 chữ số và có tỉnh lại lên tới 3 chữ số. Chính vì thế, việc qui hoạch lại mã vùng nhằm thống nhất theo một đầu số và hợp lí hóa việc sử dụng kho số viễn thông là việc cần thiết.

Cần thiết nhưng triển khai thực hiện có hợp lí hay không là cả vấn đề lớn. Theo phương án của Bộ Thông tin và Truyền thông, mã vùng của các tỉnh thành được qui về một mối bắt đầu bằng số 2: Hà Nội: 24, TPHCM 28, Đà Nẵng 236…Thế nhưng trong cái thống nhất tưởng chừng tất cả đều hợp lí lại có điều không hợp lí. Cùng bắt đầu bằng số 2 nhưng riêng mã vùng của Hà Nội và TPHCM chỉ có 2 chữ số, các tỉnh, thành còn lại đều 3 chữ số.

Ngày 7/1/2015, website của Bộ Thông tin và Truyền thông đăng thông cáo giải thích rằng, trường hợp mã vùng Hà Nội và TPHCM chỉ có 2 chữ số là nhằm tạo sự thống nhất. Cụ thể, vì độ dài số thuê bao ĐTCĐ của Hà Nội và TPHCM là 8 chữ số, còn của các tỉnh thành khác là 7 chữ số, ghép lại đều là 10 chữ số. Nếu gọi đường dài liên tỉnh hoặc gọi từ di động, dải số phải bấm là 11 (cộng cả số 0 mào đầu), như vậy là thống nhất "đều" và "đẹp".

Tuy nhiên, việc làm "đều" và "đẹp" thành 11 chữ số chưa hẳn có tính thực dụng. Người dùng điện thoại, nếu cần phải nhớ thì người ta nên nhớ mã vùng của một số địa phương, còn số thuê bao điện thoại thường là phải lưu sẵn trong máy, và theo đó cứ thế là bấm và gọi, chứ chẳng mấy ai đi quan tâm dải số mình bấm phải "đều" hay "đẹp" để hi sinh đi tính tiện ích. Qua đó cho thấy, cách làm đều dải 11 số khi bấm gọi đường dài hoặc qua di động thực chất quá thiên về hình thức.

Ở một góc nhìn khác, qui hoạch mã vùng nói là để thống nhất nhưng trên thực tế lại… thiếu qui hoạch, và thậm chí còn lộn xộn chả theo một nguyên tắc hay qui luật nào cả. Cả nước có 63 tỉnh thành, nếu muốn làm cho thống nhất hay đồng dạng, thậm chí là làm cho "đều" và "đẹp", thì phương án ưu việt có thể chọn là lấy số mã vùng từ 201 đến 263 áp cho 63 tỉnh thành, song song đó có thể áp số theo nguyên tắc phía bắc số nhỏ (hoặc lớn) kéo dần vào phía nam, như vậy vừa đơn giản vừa dễ nhớ. Đằng này, mã vùng mới được cho rằng để thống nhất nhưng lại… nhảy cóc từ Quảng Ninh mã vùng mới 203 đến Cà Mau đã lên tới 290 và Cần Thơ là 292. Thừa Thiên-Huế ở giữa "khúc ruột miền Trung" có mã vùng mới 234, Thanh Hóa ở phía bắc của Huế có mã vùng mới 237, song đến Đà Nẵng ở phía nam của Huế thì lại là 236, không nhận thấy theo một qui luật hay nguyên tắc nào cả.

Có thế thấy trong phương án thay đổi mã vùng và áp mã vùng cho các địa phương từ ngày 1/3/2015 dù có động cơ tích cực nhưng vẫn cho thấy sự lúng túng như "gà mắc tóc".

Mất tiền và mất lòng…

Còn nhớ năm 2008 khi VNPT thay đổi thêm số 3 vào trước số thuê bao đã khiến cho 10 triệu thuê bao ĐTCĐ bị ảnh hưởng. Cũng thời điểm đó, taxi Mai Linh đã phàn nàn rằng họ phải tốn cả tỉ đồng cho việc thay đổi lại số điện thoại trên cả chục ngàn chiếc xe taxi cũng như bảng hiệu, các mẫu giấy tờ, tài liệu…

Sự tác động của 1 chữ số trong việc thay đổi số thuê bao điện thoại còn đến thế, thì việc thay đổi mã vùng ở 59 tỉnh, thành chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến đối tượng sử dụng dù là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức hay doanh nghiệp. Doanh nghiệp có lẽ là đối tượng bị thiệt hại trước tiên và nhiều nhất. Ông Tạ Long Hỷ - Phó Tổng giám đốc của Vinasun – cho biết, chi phí để dán lại đề-can số điện thoại cho khoảng 4.000 chiếc taxi tại khu vực TP.HCM của hãng này tính sơ sơ cũng 70 triệu đồng.

Sự lãng phí tập trung nhất đối với doanh nghiệp khi phải thay đổi số thuê bao điện thoại/mã vùng chính là chi phí in ấn các loại bao bì, thư tín, tờ rơi quảng cáo, áp-phích, bảng hiệu…Việc; áp dụng mã vùng mới bắt đầu từ ngày 1/3/2015, vì thế những gì đã in ấn xong và theo kế hoạch để dùng cho cả năm 2015 bỗng nhiên trở thành giấy vụn hoặc đống phế thải. Thời điểm này, hàng ngàn doanh nghiệp in lịch 2015 làm quà Tết, hàng ngàn trang quảng cáo dịp Tết đã in... mà đương nhiên có kèm số điện thoại và fax, giờ mất hẳn tác dụng quảng cáo. Còn nhiều hệ lụy tiêu cực khác kéo theo khó định lượng được thành tiền, như sự sụt giảm kết nối và liên lạc từ khách hàng và đối tác ảnh hưởng đến quan hệ làm ăn…

đổi mã vùng điện thoại

Hàng trăm triệu biển quảng cáo lớn nhỏ sẽ phải sửa số điện thoại và số fax

Mọi thay đổi từ phía nhà nước, cho dù nhằm phục vụ cho công tác quản lí tốt hơn và sự khai thác nguồn tài nguyên kho số viễn thông hợp lí hơn, cũng mới chỉ mang tính một chiều. Chiều còn lại rất quan trọng là quyền lợi của người dùng, lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp được đặt ra và được quan tâm như thế nào mới chính là điểm nhạy cảm và dễ khiến dư luận bức xúc nhất.

Thay vì truyền thông sớm qui hoạch mã vùng mới trước nhiều tháng nhằm giải thích cho người dân rõ và hiểu để tranh thủ sự cảm thông và ủng hộ, thì ngược lại kế hoạch thay đổi mã vùng mới được ấn định trong một khoảng thời gian khá gấp gáp. Thực sự người dân và doanh nghiệp không nhìn thấy lợi ích thực tế gì đối với họ từ sự thay đổi mã vùng ĐTCĐ, mà ngược lại còn bị gây phiền hà, thiệt hại thì làm sao khiến họ cảm thấy thuyết phục và thực tâm ủng hộ, nếu không muốn nói là họ cảm thấy… mất lòng. Còn nhớ các qui định về thời hạn lưu hành đối với phương tiện vận tải, qui định bắt buộc đội nón bảo hiểm.v.v…, đều mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, mà còn phải được tuyên truyền từ rất sớm, thậm chí trước cả năm. Thế thì tại sao qui định về thay đổi mã vùng không thể làm được như vậy?

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác