VnReview
Hà Nội

Uber sao cứ… “bơ bơ”

Taxi Uber dường như đang càng ngày đánh mất cảm tình của người dùng Việt vì cứ chây ì không hoàn tất các thủ tục để hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Dạo cuối tháng 1/2015, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội về hoạt động của taxi Uber cho thấy loại hình dịch vụ này đang nằm ngoài vòng cương tỏa. Cuối tháng 2/2015, Sở GTVT TP.HCM lại kiến nghị với Bộ GTVT xử phạt Uber…

Uber taxi bị cho là… "chui"

Quay lại thời điểm khoảng 3 tháng về trước, khi taxi Uber bị các hãng taxi tại TP.HCM phản đối vì cho là kinh doanh dịch vụ vận tải không có giấy phép kinh doanh, không đảm bảo các điều kiện tối thiểu của ngành vận tải hành khách, thì chính hãng Uber đã chơi trò thuê một công ty truyền thông "khuấy" vấn đề lên trên truyền thông theo hướng Uber là loại hình dịch vụ taxi mới, có lợi cho người tiêu dùng Việt nhưng đang bị ép uổng. Sau đó, đích thân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã lên tiếng cho rằng các cơ quan chức năng phải hướng dẫn Uber hợp pháp hóa hoạt động tại Việt Nam.

Những phát ngôn của Bộ trưởng Thăng vừa là một tư lệnh ngành nhưng đồng thời cũng là một chính khách, thường cũng chỉ đề cập về nguyên tắc, chủ trương chứ khó có thể cụ thể hóa được. Cụ thể hóa phải do các cơ quan tham mưu, giúp việc.

Thế rồi trong khoảng 3 tháng qua, Sở GTVT TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử phạt khoảng 70 trường hợp taxi Uber hành nghề nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải, không có phù hiệu theo quy định, không có thiết bị giám sát hành trình, không niêm yết tên…, với tổng số tiền phạt 323 triệu đồng.

taxi uber bị phạt

Khá nhiều taxi Uber bị phạt do thiếu các điều kiện kinh doanh vận tải

Song song đó, bộ hồ sơ đăng kí kinh doanh của Uber tại TP.HCM cũng được khui ra. Theo đó, Công ty TNHH Uber Việt Nam được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 30/8/2014 chỉ có 2 ngành nghề là dịch vụ tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường. Lâu nay, phía Uber "cãi chày cãi cối" rằng Uber Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi, mà hoạt động này được kết nối trực tiếp giữa các chủ xe với Công ty Uber International Holding B.V ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì trong bản kiến nghị mới nhất Sở GTVT TP.HCM gửi cho Bộ GTVT đã khẳng định: Công ty TNHH Uber Việt Nam đã tham gia trực tiếp điều hành vận tải hành khách trong khi giấy chứng nhận đầu tư không có chức năng kinh doanh, quản lý, điều hành vận tải hành khách đường bộ là trái pháp luật.

Càng rõ hơn, trong bài viết "Uber vẫn đang nỗ lực hoàn tất thủ tục pháp lý" đăng trên ICTnews.vn ngày 28/2 có đoạn: "Trao đổi với ICTnews sáng ngày 28/2, đại diện phía Uber cho hay doanh nghiệp này vẫn đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục đăng ký để đảm bảo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam".

Vậy thì bộ mặt thật của Uber taxi tại Việt Nam suốt nhiều tháng qua là gì đã quá rõ!

Uber vẫn "đang hoàn tất các thủ tục pháp lý"

Càng "chui" càng bị phản đối

Bộ mặt thật về hoạt động của Uber tại Việt Nam cũng là dữ liệu, thông tin để lí giải vì sao loại hình taxi mới này bị phản đối hầu như trên khắp thế giới, ngay cả ở những nước tiên tiến chấp nhận các hình thức kinh doanh dịch vụ mới lạ nhất như Mỹ hay tại các quốc gia Châu Âu…

Uber taxi là một điển hình thành công về mặt ứng dụng công nghệ vào kinh doanh trên thị trường, thậm chí được định giá doanh nghiệp với giá trị khổng lồ lên đến 42 tỉ USD. Song cho dù sáng tạo đến đâu hay thành công về kinh doanh mấy đi nữa, mà về mặt xã hội vẫn là loại hình dịch vụ "chui" và trốn thuế (thực sự tại Việt Nam là như vậy), thì cũng cần kiểm soát chặt và đưa vào khuôn khổ, thậm chí còn có thể dùng đến các biện pháp mạnh là tẩy chay và cấm hoạt động nếu Uber cứ tiếp tục "bơ bơ" không chấp hành luật pháp tại nước sở tại triển khai kinh doanh, cung cấp dịch vụ.

Trên thực tế, không ít người tiêu dùng Việt đã hồ hởi đón nhận dịch vụ taxi chia sẻ chỗ ngồi mang tên Uber. Dư luận cũng rất mong muốn Uber vào Việt Nam như một trường hợp tiên phong đột phá mang làn gió mới về ứng dụng công nghệ vào kinh doanh và cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn, có lợi hơn cho người tiêu dùng. Vì sao vậy? Bởi trong khoảng một năm qua, giá xăng đã giảm tới 13 lần với tổng cộng 8.070 đồng/lít xăng A95 (tương ứng tỉ lệ giảm tổng cộng khoảng 33%) nhưng giá cước taxi lại giảm nhỏ giọt với mức tổng cộng tối đa 1.500 đồng/km, chỉ bằng khoảng một nửa tỉ lệ giảm của giá xăng. Nhưng sự trông chờ ở Uber, từ tâm lí hồ hởi dần chuyển sang hụt hẫng. Một nhóm người đi taxi Uber được lợi chút ít về giá nhưng chính cái lợi chút ít đó lại tạo môi trường cho một dịch vụ mang từ nước ngoài vào hoạt động "chui", thất thu về thuế, cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng không tốt đến cả một ngành.

Mở cửa thoáng với Uber là ủng hộ những cái có lợi cho dân (quyền lợi người tiêu dùng, các chủ xe) cho nước (thị trường, thuế) chứ không chỉ có lợi cho dân mà hại nước (thất thu thuế, cạnh tranh không lành mạnh). Chính vì Uber chỉ làm lợi cho vế thứ nhất dẫn đến không hài hòa được lợi ích nên mới bị phản đối tràn lan ở nhiều quốc gia.

Riêng với trường hợp Uber càng đáng phê phán hơn bởi ở thời điểm cuối năm 2014, doanh nghiệp này đã dùng chiêu trò PR lái sự chú ý về phía các cơ quan quản lí khiến dư luận hiểu lầm cứ săm soi cho rằng cơ quan chức năng yếu kém, bất cập, bảo thủ không chịu tiếp nhận cái mới có lợi cho người tiêu dùng.v.v… Những chiêu trò như thế thật ra cũng chỉ là một cách để trục lợi trên dư luận nhằm khỏa lấp cho tình trạng hoạt động dịch vụ yếu lí của mình. Vấn đề công luận đang trông chờ ở Uber hiện nay chính là thiện chí hợp pháp hóa hoạt động một cách nhanh chóng và có đóng góp thực sự cho thị trường và xã hội Việt Nam chứ không phải những phát ngôn khỏa lấp và thái độ "bơ bơ" trách nhiệm.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác