VnReview
Hà Nội

Asus, “sút” ai?

Mấy ngày qua sau khi ASUS Việt Nam phát đi thông cáo cho biết chính thức đưa website bán trực tuyến (store.asus.com/vn) thiết bị di động vào hoạt động từ 11/3/2015, đã có không ít lời "xầm xì" từ những nhà phân phối, bán lẻ sản phẩm Asus. Lời nói nhẹ thì cho rằng Asus đang muốn "ăn cả mâm trên mâm dưới", còn thẳng thừng hơn thì đặt hẳn câu hỏi "ASUS đang muốn "sút" ai?".

asus bán hàng trực tuyến

Asus đang có nhiều động thái khuếch trương hoạt động bán lẻ

Asus smartphone từ không (0) thành có…

Giới bán lẻ vốn tối kị một điều, là các "ông" phân phối lại nhảy vào làm luôn bán lẻ. Một câu chuyện đã từng xảy ra từ năm 2007, khi FPT cho ra mắt 4 siêu thị bán ĐTDĐ và laptop mang tên [IN] vào ngày 28/8, thì ngay sau đó không ít nhà bán lẻ lấy hàng ĐTDĐ từ FPT đã tỏ ra bất mãn cho rằng FPT tham, "chơi với dế", muốn "vừa đá bóng vừa thổi còi"... Chẳng phải ai xa lạ mà chính ông Nguyễn Đức Tài – CEO của hệ thống Thegioididong.com – đã thẳng thừng phản ứng: "Lâu nay tôi vẫn lấy hàng (ĐTDĐ Nokia, đến thời điểm này FPT vẫn là nhà phân phối lớn nhất của Nokia tại Việt Nam) của FPT nhưng từ nay trở đi tôi sẽ cân nhắc lại, sẽ lấy nhiều hơn từ PetroSetco…"

Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, việc các nhà bán lẻ và phân phối hàng Asus đã bất ngờ và nghi ngờ rồi cảm thấy không vui, khó chịu, hậm hực, bực tức… cũng là chuyện có thể hiểu được.

Tháng 4/2014, Asus bắt đầu chính thức bán sản phẩm ZenFone tại Việt Nam với mức giá rất cạnh tranh đã lập tức tạo được hiệu ứng trên thị trường. Đến ngày 26/9/2015, phát biểu trong cuộc họp báo sự kiện Asus Expo tại Hà Nội, ông Jeff Lo - CEO của Asus Việt Nam - đã đầy lạc quan rằng Asus kì vọng sẽ chiếm 10% thị phần smartphone Việt Nam trong năm 2014. Chả cần phải nói ra thì chính backdrop của cuộc họp báo cũng đã in "chình ình" con số 300.000 chiếc ZenFone được bán ra trong 4 tháng đầu đưa vào thị trường Việt Nam.

Trên thực tế năm 2014 Asus đã không đạt được tỉ lệ kì vọng 10% tại Việt Nam và lượng ZenFone bán ra 10 triệu chiếc trên thế giới vì một số nguyên nhân như nguồn cung hàng không kịp, sản phẩm xảy ra một số lỗi phải cân chỉnh…, nhưng chung qui đó là một năm khép lại thành công của mảng ĐTDĐ của Asus. Con số do trang Digitimes của Đài Loan đưa ra là Asus bán được 8 triệu chiếc ZenFone (4, 5, 6) trên toàn cầu nhưng chủ yếu là tại Châu Á; còn nghiên cứu của IDC thì cho rằng năm 2014 Asus chiếm được 6% thị phần smartphone tại Việt Nam và trở thành "đệ tứ anh hào" mới nhất.

Hãy nhớ rằng năm 2013 trên bảng xếp hạng thị trường smartphone toàn cầu cũng như tại Việt Nam Asus hầu như chẳng được nhắc đến, hoặc nếu có "ngoi lên được mặt đất" thì cũng nằm trong mớ hổ lốn "other" trên các bảng thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường. Từ 0 đi đến có 6% thị phần ở Việt Nam, Asus đã đẩy nhiều tên tuổi từ chỗ được đứng riêng trong bảng thống kê vào cái rọ chung "other" kia.

Và sẽ khiến… từ có thành 0?

6% thị phần smartphone tại Việt Nam mà Asus đang có là cực kì quí giá bởi hàng chục hãng smartphone trong và ngoài nước trong suốt hàng chục năm qua cũng muốn có nhưng chưa được.

Đã có được rồi thì Asus muốn gì nữa?...

Theo tôi thì, Asus đang muốn có nhiều hơn…

Hay nói theo ngôn ngữ bực dọc của không ít người làm phân phối, bán lẻ khi nghe tin Asus mở trang bán hàng trực tuyến tại Việt Nam là "Asus đã lộ lòng tham".

Theo tôi thì, trong làm ăn kinh doanh không tham mới là lạ.

Cứ nhìn vào trường hợp FPT thì rõ, từ năm 2007 về sau mảng phân phối ĐTDĐ của họ từ từ suy yếu. Một số nhà bán lẻ ngấm ngấm hoặc nửa công khai nửa ngấm ngầm "cạch mặt" FPT phân phối và chạy qua các nhà phân phối khác. Và bản thân các hãng, khi thấy FPT "lộ lòng tham" thì họ cũng phải dè chừng, không khéo "bỏ tất cả trứng vào một giỏ" sẽ gặp rủi ro, mặt khác nếu mảng phân phối ĐTDĐ của FPT càng mạnh thì các nhà bán lẻ càng không vui, chi bằng cứ chẻ hàng chẻ kênh cho chắc.

Chỉ khác là Asus không mở shop bán lẻ smartphone mà mở trang bán hàng trực tuyến sẽ đỡ mất (vốn đầu tư) và đỡ vất (công sức) hơn. Thậm chí có thể hợp tác với đối tác chuyển phát nhanh có tên tuổi để giao hàng miễn phí trong vòng 24 giờ tại Hà Nội, TP.HCM và trong vòng 72 giờ đối với các tỉnh, thành phố khác.

Mua hàng trực tuyến từ nhà bán lẻ thì còn lo lắng chứ mua từ chính hãng sản xuất thì yên tâm hơn nhiều. Con đường bán hàng trực tuyến của Asus có lẽ đang học một phần từ cách làm của Xiaomi – hãng sản xuất ĐTDĐ của Trung Quốc vừa qua làm cú IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) ghi kỉ lục thế giới trong ngành công nghệ với giá trị 47 tỉ USD. Có thông tin kháo rằng hãng này "hoãn chuyến" vào thị trường Việt Nam cũng chỉ vì còn "lấn cấn" trong việc áp dụng phương thức bán hàng trực tuyến kiểu Xiaomi tại Việt Nam.

asus bán hàng trực tuyến

Thậm chí, có những mặt hàng sẽ chỉ mua được từ Asus Store

Có hai điển hình bán hàng công nghệ qua kênh trực tuyến đạt doanh thu khá tốt là Thegioididong.com và Lazada.vn. Năm 2014 Thegioididong.con đạt 1.000 tỉ đồng từ bán ĐTDĐ, máy tính bảng thông qua website. Năm 2015 kế hoạch doanh số bán hàng online của Thegioididong.com là 2.000 tỉ đồng trong đó tháng 1/2015 đã đạt mức 117 tỉ đồng. Còn Lazada.vn đang dẫn đầu làng thương mại điện tử tại Việt Nam (không tính các doanh nghiệp vừa bán offline vừa bán online như Thegioididong.com), đặc biệt trong lĩnh vực hàng công nghệ.

Asus đã lên kế hoạch năm 2015 đẩy doanh số bán smartphone tăng gấp đôi, tức đạt từ 16-20 triệu chiếc trên toàn cầu và theo đó mức tăng trưởng tại Việt Nam cũng phải tương xứng. Trong tình hình như vậy có thể hiểu được việc Asus mở kênh bán smartphone trực tuyến tại Việt Nam bất chấp dư luận phê rằng "lấy tay trái đập tay phải" để rồi "tay phải" sẽ bị đơ vì sự xung đột lợi ích giữa hai phương thức bán hàng. Cho dù Asus có nói lời cam kết thế nào đi nữa cũng khó xóa được nghi ngờ của các nhà phân phối, bán lẻ rằng hãng này sẽ dồn quyền lợi cho kênh bán hàng trực tuyến của mình.

Một giả thiết đặt ra, là nếu Asus tăng được doanh số bán smartphone gấp đôi gấp ba trong năm 2015 thì liệu các kênh bán lẻ truyền thống của Asus có còn giữ vững được sự tăng trưởng? Tất nhiên ngay bây giờ Asus không thể và cũng không muốn vứt bỏ ngay kênh bán lẻ truyền thống nhưng rõ ràng "bước đi hai hàng" của Asus không đơn giản và trong sáng chỉ nhằm "mục đích mở thêm một kênh mua sắm mới, chọn lựa mới cho người tiêu dùng" mà chắc chắn có rất nhiều toan tính. Một giả thiết nữa là, nếu kênh bán hàng trực tuyến của Asus mạnh lên thì liệu các nhà phân phối, bán lẻ có còn được Asus "chiều chuộng", hoặc ;Asus liệu có còn "sợ" quyền lực của các nhà bán lẻ truyền thống?

Asus đã từ không  thành có. Tất nhiên Asus cũng cho rằng mình không có ý định vận hành website bán trực tuyến để "sút" ai cả. Nhưng các nhà bán lẻ truyền thống thì không thể không e ngại rồi mình sẽ bị "sút" từ có thành 0.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác