VnReview
Hà Nội

Hát cây! Chặt cây! “Khóc” cây!...

Mấy ngày qua khi người dân Thủ đô bức xúc về chương trình chặt 6.700 cây xanh trong lòng Hà Nội và dân tình mạng cũng xôn xao đến đỉnh điểm, tôi lại chợt nhớ đến ca khúc "Earth Song" về môi trường bất hủ do Vua nhạc Pop Michael Jackson thể hiện: Những cánh rừng Amazon cháy rừng rực và đen trụi, tiếng hát của Vua nhạc Pop vang lên trong một tâm trạng dữ dội, đầy dằn xé và đau đớn…

Hát cây!

Liên quan đến cây, chắc có lẽ khó có nơi nào có nhiều bài hát hay và xúc cảm như Hà Nội. Hoàng Hiệp "Nhớ về Hà Nội" trong những năm lửa đạn và hòa bình có những câu day dứt khiến những người từng một thời sống và yêu Hà Nội khó mà cầm lòng: "Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè", mà vì thế "dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội".

Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ tài hoa không có thời ấu thơ và thanh xuân ở Hà Nội nhưng có những ca từ chứa chan tình cảm: "Hà Nội mùa thu/ cây cơm nguội vàng/cây bàng lá đỏ/nằm kề bên nhau/phố xưa nhà cổ/mái ngói thâm nâu…".

Những bài hát hay về Hà Nội dường như đều có bóng dáng của cây xanh. "Hà Nội đêm trở gió", cây xanh Hà Nội hóa người trong ca từ của Trọng Đài: "Cành me thì thầm gục đầu vào dĩ vãng/tiếng ve kêu râm ran suốt trưa hè…". Đến một người từng sống và yêu Hà Nội, rồi phải tha phương vào Nam làm nghề sinh nhai, có những lần trở về cũng không quên được hình ảnh "rêu phong bên những gốc cây già" ("Hà Nội ngày trở về", nhạc: Phú Quang, thơ: Thanh Tùng)…

Chẳng ở đâu hát về cây nhiều và cũng chứa nhiều tình như trong những bài hát về Hà Nội. Mới thật dễ hiểu khi chỉ từ một lá thư của ông Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó tổng giám đốc VTV - gửi lãnh đạo Hà Nội kiến nghị về chương trình chặt 6.700 cây xanh Hà Nội thì dường như hàng ngàn trái tim con dân Hà Nội cùng bật lên những giai điệu hát về cây phản đối việc chặt cây.

20 năm trước, "Earth Song" được phát hành trong album "History: Past, Present and Futute" (Book I, 1995) của Vua nhạc Pop Michael Jackson gửi đi một thông điệp về môi trường thông qua music video (MV). Bây giờ đã rất khác. Trong thế giới phẳng của internet và thế giới siêu phẳng của mạng xã hội, lá thư ngỏ của một người nhanh chóng chạm đến được trái tim của hàng triệu người chỉ trong vài phút.

Chặt cây!

Phải có một tình yêu cây xanh thì người ta mới có thể hát về cây nồng nàn và thắm đượm đến thế. Và khi những nhát cưa hạ gục gần 500 cây xanh thì hàng triệu trái tim đã bị đánh động và thức tỉnh. Bởi họ nhận ra rằng cây mất không chỉ thuần túy là bóng mát, lá phổi xanh hay nét lãng mạn đi vào nhạc, thơ ...v.v…, mà cái lớn nhất là mất một tình yêu êm đẹp và hiền hòa.

Hà Nội một ngày không có những cây xanh um tùm phủ bóng thì nhìn chả còn ra Hà Nội nữa. Cũng như thị xã Trà Vinh nếu không có những hàng cây sao, dầu… cổ thụ thân thẳng cao to đến mấy người ôm được bảo tồn trong lòng phố thì người ta sẽ không còn nhớ nhiều đến Trà Vinh. Rất may là Trà Vinh đã nhìn thấy điểm mạnh của tỉnh nhà để bảo tồn với hơn 800 cây cổ thụ như thế. Còn Hà Nội, chắc chắn người ta thừa biết điểm mạnh đặc trưng vượt trội hơn bất cứ tỉnh thành nào khác chính là cây xanh, nhưng họ vẫn cho chặt…

Nói đi cũng phải nói lại, Hà Nội có rất nhiều cây xanh hiện hữu cần phải thay thế vì chủng loại hỗn tạp, bị sâu mục dễ gây tai nạn mùa mưa bão (đã xảy ra không ít vụ), thế dáng cong ngoằn không đẹp mắt.v.v… Nhưng không phải cứ muốn là chặt và cứ lệnh là xong. Cây xanh Hà Nội là tình yêu và cũng là lòng người. Lòng người ở trong "những gốc cây già" vì thế mà dân tình đã xuống đường tuần hành yêu cầu dừng chặt cây.

Cây nào đáng chặt, số lượng bao nhiêu, chủng loại gì, hiện trạng ra sao, thay thế bằng loại cây gì, chất lượng như thế nào.v.v…, tất tần tật phải được công khai minh bạch, thậm chí việc triển khai cần có giai đoạn thử nghiệm, cuốn chiếu dần để tránh rủi ro và cũng có thêm thời gian tiếp thu ý kiến người dân, ý kiến của những chuyên gia về đô thị và các nhà khoa học. Đã chặt để thay thế được thì cũng cần qui hoạch để gìn giữ, bảo tồn đối với những phố cây xanh đẹp và quí như một tỉnh lẻ Trà Vinh đã làm khiến du khách đến chơi thấy cảm phục.;

"Khóc" cây!

Trong cả nước chỉ Hà Nội mới có vườn bách thú riêng và vườn bách thảo riêng. Chứ ở Sài Gòn, chỉ có một và được gọi là thảo cầm viên, song người dân thì cứ nôm na gọi quen là sở thú. Cũng thấy trong tư tưởng người ta có phần chưa xem trọng cây xanh cho lắm. Thế nhưng có một năm, bỗng dưng phía Công ty công viên cây xanh muốn chặt hạ hàng cây sao cao đẹp trên đường Trần Quốc Thảo (Quận 3), thì liền bị báo chí phản ứng và cuối cùng UBND Thành phố lệnh phải dừng lại.

Người ở Hà Nội nhắc nhiều đến vườn Bách Thảo và công viên này thường được các cặp đôi chọn làm nơi chụp ảnh cưới và tổ chức lễ cưới, vào mùa là cứ kín lịch. Cây xanh Hà Nội là sự tích hợp, tích tụ của rất nhiều yếu tố của vùng đất Thăng Long: Hình ảnh và mĩ quan đô thị, văn hóa, tình yêu, lòng người và đời người khi có không ít câu chuyện cuộc đời có những người chuyên hành nghề leo sấu leo me hái quả để sinh nhai.

Có thể có người bảo diễn viên thích diễn song tôi tin trạng thái nghẹn ngào khi kể lại câu chuyện bảo vệ cây phi lao cổ thụ là rất thật: "Ngay sau đó, giọng nữ nghệ sĩ nghẹn ngào, chị kể lại một chuyện mà theo chị ví như một "cuộc chiến" để bảo vệ cây phi lao cổ thụ trước ngôi nhà ở phố Nguyễn Thái Học của chị". "Tôi gào khóc, hét ầm lên như một "mụ điên" để bảo vệ cây. Tôi thét lên: Các anh định làm gì? Dừng hết lại" (theo Dân Việt).  

Dân tình "khóc" cây xanh Hà Nội bị chặt hạ những ngày qua không hẳn bằng nước mắt. Họ còn đau xót hơn cả nước mắt được xem như dấu hiệu đặc trưng nhất. Họ bức xúc, thất vọng, nghi ngờ, tức giận… Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết một ca khúc luận về cây và người (Một đời người, một rừng cây) ẩn chứa nhiều triết lí: "Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây/Sống gần nhau thân mới thẳng". Cây sống gần nhau thì vươn cao và thẳng để hút ánh sáng. Nhưng sao chặt cây, lại cứ phang ngang, mờ ám cong queo khiến dư luận phẫn nộ?

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác