VnReview
Hà Nội

Yên chưa VNPT?

Chiều ngày 15/5/2015, VNPT công bố thành lập 3 tổng công ty (VNPT-VinaPhone, VNPT-Net, VNPT-Media), đích thân Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son có đến dự và phát biểu. Theo bộ trưởng Son, việc tái cơ cấu VNPT đến nay đã "cơ bản hoàn thành".

Tâm điểm vẫn một chữ "yên"

Tái cơ cấu VNPT, về bản chất và cũng cốt lõi nhất là cải tổ về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự, lề lối làm việc… Với 17.000/36.000 con người ở các viễn thông tỉnh thành đã bị điều chuyển sang khối kinh doanh trong thời gian qua, tâm điểm của quá trình tái cơ cấu nằm ở một chữ "yên". Chữ "yên" này còn vận vào hàng ngàn nhân viên tại các công ty con của VNPT cũng đang trong guồng quay tái cơ cấu.

Vậy VNPT đã yên chưa?

VNPT đã từng yên và rất yên, khi họ trải qua hàng chục năm ở vị trí doanh nghiệp số 1 về CNTT-VT của Việt Nam. Cái bình yên quá lâu hóa ra lại dở, nó trở thành nơi dung chứa cho sự trì trệ, bộ máy cồng kềnh làm việc kém hiệu quả, thậm chí lấy giờ công ty đi chạy chân ngoài kiếm thêm. Cái bình yên một thời đó tạo ra sức ì khiến VNPT bị mất ngôi số 1 cách đây vài năm.

Nhưng giờ thì cái bình yên ngày xưa đã vỡ, hay bị áp lực phải phá vỡ nó, thì cũng chẳng khác gì nhau vì VNPT không thể tiếp tục tồn tại như trước. Nhưng tồn tại theo hướng mới, tái cơ cấu, thì cũng không đơn giản. Quá trình tái cơ cấu VNPT đã diễn ra hơn một năm qua, đến bây giờ đã "cơ bản hoàn thành", nhưng nếu hỏi VNPT đã yên chưa, thì rất khó có thể trả lời rằng "VNPT đã yên".

Nhìn vào việc sắp xếp một số nhân sự chủ chốt tại các công ty con của VNPT trong thời gian qua thì thấy khá rõ. Tháng 7/2014, ông Cao Duy Hải, từ vị trí Phó Tổng giám đốc MobiFone về làm Giám đốc VinaPhone, thì đến tháng 4/2015 ông Hải lại quay về MobiFone làm Tổng giám đốc. Ngay sau đó ông Hồ Đức Thắng, từ vị trí Phó giám đốc lên thay ông Hải làm Giám đốc VinaPhone vào ngày 22/4/2015. Tuy nhiên, với việc ra mắt 3 tổng công ty mới, vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty VNPT – VinaPhone do ông Lương Mạnh Hoàng đảm trách, thì một tổ chức mới lại đòi hỏi thêm thời gian để xếp đặt nhân sự.

Viết đến đây tôi chợt liên tưởng tới một bài báo đăng trên VnEconomy nhân dịp ông Thắng lên làm Giám đốc VinaPhone, và bài báo này sau đó được website của Bộ TT&TT (Mic.gov.vn) dẫn lại vào ngày 27/4/2015, nhan đề là "Tân giám đốc VinaPhone và "con sóng" đã lặng".

"Yên" và "lặng", theo tôi cả hai đều chưa, ít nhất là cho đến ngày 1/7 tới được cho là thời điểm chính thức 3 tổng công ty mới ra mắt của VNPT trình làng bộ máy nhân sự hoàn thiện. Mới chỉ bổ nhiệm xong những "chiếc ghế" tổng giám đốc/phó tổng giám đốc, hay giám đốc/phó giám đốc mà muốn "biển yên sóng lặng" thì xem ra hơi mơ hồ. "Ghế" thì luôn gắn với chức, nội tình tái cơ cấu "những chiếc ghế nhỏ" nhiều khi khốc liệt và khôi hài chả kém gì "những chiếc ghế to", thậm chí còn dễ gây ra điều tiếng, hoang mang trong lòng quần chúng nhiều hơn nếu không có quyết sách nhân sự thực sự biết trọng dụng nhân tài, trong sáng và công tâm. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy VNPT chưa thể yên được trong thời điểm hiện nay.

Chọn số 1 nào?

Lòng người ở VNPT chưa yên có thể vì nhiều lí do nhưng lí do chi phối chính là quá trình tái cơ cấu diễn ra hàng năm ròng vẫn chưa hoàn thành rốt ráo khiến nhiều người mệt mỏi. Cơ cấu tổ chức chưa ổn thì làm sao cán bộ nhân viên có thể yên lòng mà làm việc hay đóng góp. Nhiều tâm trạng theo kiểu "ôi thôi ông/bà nào lên thì cứ lên tôi mặc, xong sớm để tôi còn ổn định công việc…". Cái tâm lí ngao ngán của những người lao động ở vị trí thấp cổ bé họng tại VNPT, suy cho cùng cũng xuất phát từ một nhu cầu hoàn toàn chính đáng: Cần phải sớm ổn định tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, đường hướng kinh doanh… để mọi thứ đi vào guồng thì mới mong làm việc hiệu quả và đạt các chỉ tiêu tăng trưởng.

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây trên báo, ông Trần mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT – đã bày tỏ mong muốn trở lại ngôi vị số 1 trước đây mà nay đã bị Viettel chiếm giữ. Nhưng cứ chậm chạp, ì ạch trong tiến trình tái cơ cấu thì e rằng nhịp độ tăng trưởng còn chẳng giữ vững được chứ đừng nói chi đến việc trở lại vị trí số 1.

Bây giờ đề cập đến mong muốn trở lại ngôi vị số 1 sẽ không ít người cho rằng VNPT "ước mơ xa vời" vì khoảng cách Viettel tạo ra – đặc biệt về lợi nhuận – đã quá xa. Những cuộc đấu số 1 luôn kéo nhau vào vòng đua rượt đuổi mà nhiều khi chỉ nghĩ đến thôi cũng đã đủ thấy mệt mỏi.;

Không nhất thiết một VNPT sau khi "xẻ" ra MobiFone, hệ thống bệnh viện, học viện đào tạo…đã nhỏ và yếu đi rất nhiều lại cứ phải căng sức ra để rượt đuổi ngôi vị số 1 kiểu cũ khi khả năng thành công chưa chắc đã cao. Một VNPT số 1 trong mắt của các lãnh đạo không có giá trị bằng một VNPT số 1 trong mắt của người lao động và khách hàng. Vậy sẽ là một cái đích tốt đẹp đấy chứ nếu VNPT nỗ lực hành động để trước hết trở thành số 1 trong chính lòng người VNPT, những người mà tâm lí của họ trở nên bất an và đồng thu nhập cũng phập phồng theo quá trình tái cơ cấu trong suốt hơn một năm qua? Lòng người yên, môi trường công việc ổn định và kích thích sáng tạo, thì chuyện làm ăn của doanh nghiệp mới tấn tới vững chắc.

Nhiều thập kỉ liền, thời VNPT còn giữ ngôi vị số 1 ngành CNTT-VT, người tiêu dùng nhiều khi rất khó chịu trước "tư duy phục vụ số 1" vì từ việc lắp cái điện thoại cho đến việc kéo đường ADSL.v.v… đều có những qui định cứng nhắc, thủ tục rườm rà và bắt khách hàng chờ đợi lâu hơn. Giữ ngôi vị số 1 trong lĩnh vực CNTT-VT không có nghĩa đã là số 1 trong lòng khách hàng. Vậy cái đích, là biến những cái chưa được là số 1 trở thành số 1, hay cố gồng mình, căng sức rượt đuổi để dựng lại cho được ánh hào quang cũ?

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác