VnReview
Hà Nội

Vì sao tôi đã không dại gì làm như Quảng "nổ"?

Sau khi Bphone ra mắt, có rất nhiều ý kiến khen có, chê có. Có một độc giả gửi mail tới Ban biên tập VnReview để bày tỏ quan điểm của mình mà anh nói là chia sẻ suy nghĩ từ một người từng một thời "nông nổi" có ý định sản xuất máy vi tính Made in Vietnam. VnReview xin giới thiệu nội dung này dưới đây.

Bphone

----

Từ đầu tuần đến nay, lướt mạng chỗ nào cũng thấy nói đến Bphone. Thôi thì khen, chê đủ thứ. Nhưng với từng là một người sản xuất trong lĩnh vực công nghệ, tôi thực sự khâm phục Nguyễn Tử Quảng. Bởi những người "tỉnh" như tôi mới bỏ cuộc còn chỉ có điên rồ mới lao vào con đường sản xuất, đặc biệt sản xuất công nghệ cao ở Việt Nam.

Cách đây gần 15 năm, tôi và một nhóm bạn cũng đã nhen nhóm sản xuất máy tính cá nhân. Nghĩ thị trường 70-80 triệu dân là quá lớn, trong khi sản phẩm bán trên thị trường toàn là của nước ngoài thì dân sản xuất chúng tôi cũng cảm thấy ức chế lắm.

Mấy anh em chúng tôi gom tiền, nhưng nói chung chẳng thấm vào đâu nên ban đầu cứ nhập khẩu linh kiện mỗi nơi một chút, chỗ con CPU, chỗ màn hình, chuột, bàn phím... về ráp lại bán ra thị trường. Hồi đó gọi là máy tính Đông Nam Á. Vẫn biết thế là cách làm ăn xổi ở thì nhưng phải có thực mới vực được đạo. Chúng tôi cần phải có đủ lực tài chính để duy trì hoạt động nghiên cứu phát triển – mà mơ ước là một chiếc máy tính để bàn chẳng kém cạnh gì máy IBM Thinkpad của Mỹ thời đó.

Nhưng chúng tôi đã ngây thơ khi nghĩ cách làm này là đúng hướng. Bởi vì thị trường không chấp nhận mua sản phẩm "lai tạp", giá cũng không rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng (quả thực sản xuất quy mô nhỏ thì lờ lãi mỏng hơn tờ giấy). Và điều quan trọng là chúng tôi không đủ sức để đeo đuổi ước mơ thiết kế, chế tạo được một chiếc máy tính.; Công nghệ thay đổi quá nhanh.  Khi mình loay hoay thiết kế chưa xong, đỏ mắt tìm nhà cung cấp, mua linh kiện làm thử nghiệm chưa ổn thì nó đã trở nên lạc hậu. Trong lúc đó, đụng tới đâu cũng đòi phải chi phí: nhân lực, mua sắm, thử nghiệm.  Chưa kể, với tâm lý sính ngoại đã ăn sâu vào tư duy của dân ta thì liệu sản phẩm làm ra có được chấp nhận không, dù giá thấp hơn hàng ngoại nhập?

Rốt cuộc là chúng tôi bỏ cuộc. Người đi mở cửa hàng máy tính. Người đi làm thuê. Tóm lại là sản xuất công nghệ cao không thể làm giàu bằng đi buôn hay thậm chí làm thuê. Do đó, phải nói họa có điên mới lao vào sản xuất điện tử.

Vậy mà Nguyễn Tử Quảng lại điên như vậy. Nhất là khi sản xuất smartphone cao cấp - sản phẩm điện tử còn tinh vi hơn nhiều so với chiếc PC mà chúng tôi ấp ủ hàng chục năm trước.

Tôi không hiểu Bkav và người đứng đầu làm sao có đủ kiên nhẫn, nghị lực và nguồn lực để theo đuổi mục tiêu sản xuất smartphone cao cấp? Vì khi Bkav đã dấn thân vào con đường sản xuất smartphone thì họ phải xác định tham gia cuộc đua công nghệ, liên tiếp cho ra các phiên bản smartphone mới chứ không chỉ dừng lại ở mỗi chiếc Bphone này. Như ai cũng biết, thị trường smartphone cạnh tranh quá kinh khủng, liên lục mẫu mới ra mắt và liên tục các đại gia công nghệ như Nokia, BlackBerry, Microsoft thất bại. Ngay cả vị thế của Samsung, LG, HTC nay cũng bấp bênh. Trong khi đó, thị trường smartphone trong nước tràn ngập smartphone xách tay, smartphone Trung Quốc, còn hàng chính hãng liên tục giảm giá.

Nhiều người thắc mắc Bphone "Made in Vietnam" thì Việt Nam làm được cái gì? Cái quan trọng nhất là chip không làm được sao lại gọi là Made in Vietnam?

Thực ra không biết thì mới hỏi thế. Sản xuất sản phẩm công nghệ cao không giống như sản xuất sữa hay may mặc, cà phê... Đối với sản phẩm công nghệ, vấn đề không phải là anh làm được linh kiện gì mà là anh có khả năng thiết kế và làm chủ quá trình sản xuất theo thiết kế của mình không. Thiết kế ở đây không phải chỉ là kiểu dáng, mà cả các thiết kế khác phải đồng bộ theo như thiết kế điện tử, thiết kế cơ khí, thiết kế, lập trình phần mềm firmware, driver... để làm sao tất cả các linh kiện được kết nối và hoạt động trơn tru. Quả thật, với trình độ phát triển của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, việc Bkav thiết kế được bo mạch điện tử cho smartphone cao cấp là rất đáng khâm phục.

Ngoài ra, có một điều ít ai để ý là tại buổi ra mắt Bphone, Nguyễn Tử Quảng còn giới thiệu về smart device - các thiết bị thông minh như ổ cắm thông minh, hay công tắc thông minh. Thông qua các ổ cắm, công tắc này, người dùng có thể sử dụng Bphone hoặc smartphone điều khiển các thiết bị trong nhà. Đây cũng là xu hướng công nghệ kết nối đang nổi trên toàn cầu. Như vậy, đó là cả một chiến lược sản xuất "khủng" của Bkav chứ không đơn thuần cho ra một chiếc smartphone.

Phải nói, để làm ra được những sản phẩm như vậy đòi hỏi có tầm nhìn và thời gian lâu dài nghiên cứu phát triển chứ không thể chỉ vài tháng, đến một năm. Đi kèm với nó là tiền bạc, công sức và tất nhiên, quan trọng nhất là chất xám. Mà đáng tiếc tất cả những điều này đều đang là khó khăn trở ngại với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Trong một môi trường mà sản xuất công nghiệp tăng trưởng, nhưng phần nhiều nhờ vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp sản xuất trong nước chật vật lo miếng cơm manh áo cho nhân viên thì một doanh nghiệp tư nhân dám đầu tư, nghiên cứu phát triển và cho ra được sản phẩm công nghệ cao cấp là điều "thật không tin nổi".

Trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao của chúng ta đến nay nhìn lại đã có gì? Chúng ta có nhiều viện phát triển công nghệ, nhiều trường đại học công nghệ nhưng thực tế là hầu như không có sản phẩm công nghệ cao nào, giống mảnh đất đang bị bỏ hoang vậy. Vậy mà Bkav đã dũng cảm khai khẩn nó, thậm chí dám đặt sản phẩm của mình ngang hàng sản phẩm đẳng cấp nhất thế giới.

Khi đặt sản phẩm Bphone ngang hàng với các sản phẩm flagship của Apple, Samsung, hẳn Quảng đã biết dân mình sẽ không tin nên có chính sách mua đổi trả trong vòng 14 ngày. Đây là một việc làm mạo hiểm mà các nhà sản xuất không dám làm, vì cạnh tranh và đố kỵ còn hiện hữu rất nhiều, ở khắp mọi nơi.

Vì vậy, mới thấy doanh nghiệp trong nước làm ra được sản phẩm công nghệ thật quá khó. Làm được sản phẩm chất lượng ngang ngửa nước ngoài, chấp nhận ở "chiếu dưới" về giá, mạo hiểm trong bán hàng vì yếu thế hơn về thương hiệu nhưng như vậy vẫn chưa đủ, bị ném đá không thương tiếc.

Tôi và rất nhiều người đã tỉnh táo nhận ra điều đó và lựa chọn con đường nhẹ nhàng hơn để sống an toàn và làm giàu. Còn Nguyễn Tử Quảng cùng Bkav sau một thời gian đổ công sức, tâm huyết cho Bphone thì nay ngoài đối mặt với thách thức chứng minh sản phẩm có chất lượng như mình tuyên bố, còn phải gánh chịu sự soi mói, gièm pha.

Tôi thực sự khâm phục Nguyễn Tử Quảng, rất mong Bphone thành công và Việt Nam cần có nhiều Quảng "nổ" như thế nữa.

Đỗ Hoàng Long

(Hà Nội)

Chủ đề khác