VnReview
Hà Nội

Nợ thuế hay nợ danh dự?

600 doanh nghiệp chây ì nộp thuế bị Bộ Tài chính công khai danh tính và được báo chí đăng tải ngày 23/7 trong đó có một số nhà phân phối và bán lẻ hàng công nghệ, điện máy như Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, Pico, Digiworld… đã khiến các "đại gia" này không thể cứ tiếp tục "ầu ơ" với nghĩa vụ nộp thuế. Chính vì thế mà ngay trong ngày, Thế Giới Di Động và Digiworld đã lên tiếng phản hồi.;

Đòn hữu hiệu…

Tình trạng các doanh nghiệp chây ì nộp thuế - vì nhiều nguyên nhân - thời nào cũng có. Nợ thuế ở đây nên được hiểu là chậm đóng thuế chứ đừng vội qui kết người ta trốn thuế như không ít người hiểu lệch rồi bàn tán theo hướng xuyên tạc. Trong 600 doanh nghiệp bị nêu tên, lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng công nghệ và điện máy "đóng góp" 4 tên tuổi lớn: Thế Giới Di Động bị cho là nợ 12 tỷ đồng; Nguyễn Kim bị cho là nợ 84 tỷ đồng; Pico thì nợ 3,3 tỷ đồng còn Digiworld bị cho là nợ đến 30,8 tỷ đồng.

Thông tin trên được công bố ra thực sự đã gây sốc cho giới công nghệ. Bởi lẽ, như trường hợp Thế Giới Di Động, một doanh nghiệp đã lên sàn với mức giá cổ phiếu khá cao và lợi nhuận hàng năm lên đến vài trăm tỉ đồng sao lại có thể chây ì thuế? Và người ta tự hỏi không lẽ một doanh nghiệp đã tốn bao công sức và thời gian để xây dựng hệ thống và uy tín thương hiệu như vậy lại dễ dàng buông danh tiếng chỉ vì việc chậm nộp thuế có 12 tỉ đồng?

Có thể khẳng định rằng đòn công khai danh tính các doanh nghiệp chây ì nộp thuế của Bộ Tài chính là hoàn toàn cần thiết và đã tạo ngay được hiệu ứng. Cách làm này sẽ khiến các doanh nghiệp chậm thuế và cố tình chây ì nộp thuế bị xấu mặt; đặc biệt đối với các doanh nghiệp có thương hiệu lớn, uy tín và thường xuyên giao dịch, làm ăn với các công ty nước ngoài sẽ càng bẽ mặt và bị ảnh hưởng tiêu cực hơn, buộc họ phải nhanh chóng khắc phục tình trạng chậm thuế.

Bốn "đại gia" phân phối và bán lẻ hàng công nghệ, điện máy được cho là nợ thuế tổng cộng hơn 130 tỉ đồng, đã bị nêu tên ra công chúng, dù nhiều hay ít thì cũng mang tiếng trước công chúng. Chẳng riêng gì lĩnh vực thuế mà còn rất nhiều lĩnh vực khác, có lẽ dần dà nên công khai hóa tên tuổi các doanh nghiệp vi phạm thì mới nâng cao được tính răn đe. Bởi việc công khai hóa danh tính sẽ đánh trực diện vào danh dự của bất cứ một doanh nghiệp hay tổ chức nào, và sự mất đi danh dự có khi còn lớn hơn là số tiền thuế bị chậm và nợ.  

…nhưng phải chính xác

Sự công khai danh tính đối tượng vi phạm đối với nhiều người lại nhìn nhận là sự "bêu tên", "bêu riếu". Đây là những nhận định mang tính chủ quan và nhiều khi lệch lạc, hoặc giả chỉ thuần túy là một cách nói nôm na dễ gây hiểu lầm.

Trong số 600 doanh nghiệp bị nêu tên vì nợ thuế, đến thời điểm này ít nhất đã có 2 doanh nghiệp cũng đồng thời là 2 tên tuổi trong làng phân phối và bán lẻ hàng công nghệ - Thế Giới Di Động và Digiworld - đã lên tiếng phủ nhận thông tin bị cho là chây ì nộp thuế.

Website của Thế Giới Di Động trích lời ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc – khẳng định một cách dõng dạc: "Chúng tôi không nợ một đồng thuế nào". Đồng thời Thế Giới Di Động cũng đưa ra "Biên bản đối chiếu số liệu" của Chi cục Thuế Quận 1 (TPHCM) xác nhận rằng "số tiền thuế nợ thực tế tính đến ngày 30/6/2015: không nợ tiền thuế".

Trường hợp Digiworld, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng khẳng định rằng đã nộp thuế đầy đủ tính đến ngày 30/6/2015 với việc trưng ra văn bản 8962/TB-CCT của Chi cục Thuế Quận 3, ngày 23/7/2015, xác nhận Digiworld đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế tính đến thời điểm 30/06/2015.

Với việc trưng ra chứng lí của Thế Giới Di Động và Digiworld, lúc này, điều công luận đang chờ đợi chính là sự xác nhận của Bộ Tài chính về thông tin hai doanh nghiệp này đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tính đến ngày 30/6/2015. Trường hợp nếu Thế Giới Di Động và Digiworld bị nêu tên oan trong danh sách 600 doanh nghiệp chây ì nộp thuế, thì đồng nghĩa Bộ Tài chính đang khiến họ hàm oan. Bộ Tài chính phải xem lại việc kiểm tra thông tin, liệu có hay không những khâu tắc trách, làm việc quan liêu gây ra tai tiếng cho doanh nghiệp khiến uy tín, thương hiệu của họ bị tổn thương.

Việc nợ thuế hay chây ì nộp thuế, đối với các doanh nghiệp coi trọng uy tín và thương hiệu, cũng chẳng khác nào một món nợ về danh dự. Vậy việc đưa ra thông tin sai lệch về việc doanh nghiệp chây ì về thuế, thì cơ quan quản lí nhà nước mà ở đây chính là Bộ Tài chính, cũng đang nợ doanh nghiệp việc phải minh oan về danh dự cho họ vậy.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác