VnReview
Hà Nội

Ai “đốt lửa” trong cú “tè” trị giá 8 triệu đồng?

Đến thời điểm này vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên (Vũ Lệ Quyên và Lê Đức Huy) cũng đã bị Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam phạt vi phạm hành chính vì hành vi "vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay" với mức mỗi người 4 triệu đồng. Nhưng điều đáng nói là, quyết định xử phạt sau khi vụ việc xảy ra 8 ngày, chính là khoảng thời gian đủ để thổi bùng cú "tè" vào túi nôn thành đám cháy trên mạng.;

Hình ảnh Lệ Quyên trên Facebook của hành khách đi cùng đã được che mặt nhưng sau đó cư dân mạng đã nhanh chóng phát hiện ra.

Lệ Quyên 3 lần bị "chường mặt" trên báo: Một là thời điểm ngay khi vụ việc xảy ra và một Facebooker đăng ảnh và thông tin lên mạng; lần thứ hai là trên báo chí Mỹ, Anh; và lần thứ ba là khi bị xử phạt tiền. Lần thứ ba nặng hơn, cả hai vợ chồng đều bị "bêu mặt" một cách ê chề.

Về lí thuyết, Lệ Quyên hoàn toàn có thể khởi kiện hành chính để hủy quyết định xử phạt của Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam. Nhưng hướng giải quyết này e rằng càng bất lợi cho cô một khi vụ việc kéo dài danh tiếng càng bị hoen ố, còn bị "bêu mặt" thêm nhiều lần. Thôi thì chấp nhận án phạt để cho mọi chuyện đi vào quên lãng vẫn hơn.

Người đứng bên ngoài vụ việc được biết đến cái qui định "vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay" (tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hàng không dân dụng) quả là hơi khó hiểu và từ đó tính thuyết phục cũng không cao. Đành rằng khó có thể ban hành một qui định phạt về hành vi đại loại là "tè bậy" hay "tè không đúng chỗ". Nhưng dùng cái qui định khá chung chung "vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay" để phạt hành vi bé trai 3 tuổi (bố mẹ phải gánh chịu) bất đắc dĩ phải "tè" vào túi nôn trong tình huống máy bay được thông báo giảm dần độ cao để hạ cánh thì rõ là không sát với hành vi được cho là vi phạm cho lắm.

8 triệu đồng chả là gì đối với cô ca sĩ có cátxê hàng chục triệu đồng mỗi đêm diễn nhưng nó là vấn đề danh dự và hình ảnh, văn hóa con người đặc biệt là đối với những "người của công chúng".

Cho đến thời điểm quyết định xử phạt đã ban hành, Lệ Quyên có trả lời phỏng vấn và giãi bày trên một tờ báo mạng, tuy nhiên có một điểm mà ngay từ đầu vụ việc chưa có bản tin nào phân tích rõ là khi vợ chồng cô ca sĩ cho con trai 3 tuổi "tè" vào túi nôn thì máy bay đang trong tình trạng được thông báo là giảm dần độ cao để chuẩn bị hạ cánh hay đang hạ cánh?. Ai đi máy bay nhiều sẽ nhận thức rất rõ là hai giai đoạn có sự khác biệt. Cụ thể, khi máy bay đang giảm dần độ cao (ở độ cao từ khoảng 5-6 ngàn mét đã giảm dần) để chuẩn bị cho giai đoạn hạ cánh, thì việc sử dụng nhà vệ sinh vẫn có thể trong trường hợp cấp thiết, đơn cử như việc bé trai sắp "tè" dây ra ghế và xung quanh nếu không có giải pháp nhanh chóng ("tè" vào túi nôn). Tuy nhiên nếu trong trường hợp máy bay đang hạ cánh thì thường gần như 100% tiếp viên không cho hành khách rời khỏi chỗ ngồi để đảm bảo an toàn.

Rất nhiều hành khách chưa nhận thức hết hai giai đoạn cũng như hai mức độ cấp thiết trong hai hoàn cảnh trên và có lẽ vợ chồng cô ca sĩ cũng thế chăng nên khi nghe tiếp viên thông báo máy bay đang giảm dần độ cao lại đánh đồng với việc máy bay đang hạ cánh, từ đó đưa ra quyết định cho con trai "tè" thẳng vào túi nôn. Tuy nhiên tình huống này có lẽ không phải là yếu tố "đốt lửa" làm bùng lên vụ việc trên mạng bởi bất cứ bà mẹ ông bố nào cũng có thể dễ cuống lên trong tình huống đó và đưa ra quyết định cho còn "tè" vào túi vì sợ vãi ra xung quanh. Đây là chi tiết hoàn toàn có thể thông cảm được dù trên thực tế cô vẫn có thể đưa con vào buồng vệ sinh.

Yếu tố gây ra sóng gió và Lệ Quyên bị phê phán và bị nhìn như một cô ca sĩ kém ý thức văn minh và văn hóa chính là thái độ của cô khi bị tiếp viên vặn hỏi vì sao cho con "tè" vào túi nôn nhưng cô không thèm trả lời. Xin miễn bình luận thêm mà chỉ đưa ra đoạn trả lời trên VnExpress của cô:

- Vì sao khi người tiếp viên trưởng nhắc nhở, chị không một lời đáp lại?

- Khi tôi đang buộc chặt túi nôn thì cô tiếp viên trưởng xuất hiện. Thay vì nhận được những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, tôi lại bị tra hỏi lớn tiếng, khiến mọi người xung quanh chú ý. Tôi cảm thấy bị xúc phạm nên không nói gì đáp lại. Vì lẽ đó, người đàn ông đi chung chuyến bay với chúng tôi đã nghe lóm được câu chuyện, tự tiện chụp ảnh tôi, đăng trên facebook của anh ta với hình ảnh úp mở và câu chuyện hoàn toàn khác với bối cảnh thực tế. Chúng tôi cũng không nhận được sự hỗ trợ nào thêm. Không thể đứng lên quăng túi nôn vào thùng rác, cũng không thể đặt xuống sàn hay bất cứ đâu, chồng tôi phải thận trọng cầm trên tay bọc nước tiểu này từ khi máy bay chuẩn bị hạ cánh đến khi tiếp đất".

Chúng ta có thể đặt ra tình huống rằng lúc đó Lệ Quyên đừng nghĩ và đừng cho mình có cái quyền của người nổi tiếng và nên lấy lời nhẹ nhàng ra giải thích thì liệu câu chuyện có bị thổi bùng như sau đó? Bất cứ ai khi đã thực hiện một hành vi không đẹp thì trước hết nên biết nhận lỗi dù có bị người khác to tiếng vặn vẹo, liệu có nên cho mình quyền được ấm ức và đòi hỏi "những lời nhắc nhở nhẹ nhàng" khi mình chưa có những giải thích rõ ràng và thấu đáo?

Ai đã đọc được những dòng trên Facebook của người đã post câu chuyện này lên hoàn toàn có thể nhận thấy rằng tác giả đề cập đến vấn đề ở mức độ nêu ra hiện tượng. Đã là một "người của công chúng" dù là Lệ Quyên hay thậm chí những người còn nổi tiếng hơn thì cũng phải ý thức được một điều rằng họ nổi tiếng được là nhờ công chúng, vì thế từng hành vi của họ cũng sẽ được công chúng soi xét, giám sát một cách sát sao và khắt khe hơn.

Châm ngôn đứng lên từ sự vấp ngã nếu hiểu nó dưới góc độ rút ra bài học kinh nghiệm để biết né tránh những gì bất lợi cho bản thân và công việc có lẽ chỉ là lớp nghĩa bề mặt. Bản chất của sự đứng lên được sau khi vấp ngã chính là sự thành tâm nhìn nhận những sai sót. Đó sẽ là một thứ ý thức giác ngộ giúp con người ta được giải thoát khỏi cái cảm giác nặng nề vây bọc và cái cảm giác ẩn ức không thể thư thái.     

Vẫn còn tồn tại câu cửa miệng "báo chí là bầy kền kền" song một khi Facebook và các trang mạng xã hội, các diễn đàn đã ngày một trở thành một loại báo chí xã hội nhiều khi bất trị thì "bầy kền kền" kia cũng trở thành một con mồi cho "bầy siêu kền kền". Thực tế này cũng đang làm dấy lên một nỗi lo đối với báo chí online khi Facebook đang "rục rịch" kế hoạch biến mình thành một tờ báo không lồ nhất của hành tinh ngày nay với 1,5 tỉ độc giả (người dùng Facebook đến thời điểm này), một tờ báo của mọi tờ báo, không chỉ trực tuyến 24/7 mà sâu sát thực tế và các sự kiện đến mức độ từng giây.

Và tất nhiên, trong mỗi dòng status post lên trên Facebook hay những bản tin trên các diễn đàn, trang mạng online mà thiếu đi sự ấm nóng của con tim và chút tỉnh táo suy xét và phân tích, thì sẽ còn rất nhiều tình huống đi tiểu trong bức bí bị biến thành cú "tè" tiền triệu.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác