VnReview
Hà Nội

Sao iPhone lại luôn “mới” đối với người hâm mộ?

iPhone 6S và 6S Plus vừa ra mắt, cũng như mọi lần, gặp phải lời chê tiếng khen không ít. Bị chê nhiều nhất là các tính năng hay sự nâng cấp mới của iPhone 6S và 6S Plus nhưng không có gì mới so với Android, nếu không muốn nói là "cỗ lỗ sĩ". Thế nhưng để rồi mà xem, Apple vẫn luôn bán tốt iPhone đời mới và đạt lợi nhuận hàng đầu, dù luôn bị chê...

Chí ít có 6 điểm mới trong phiên bản nâng cấp iPhone 6S và iPhone 6S Plus được phía Apple cho là "thực sự xuất sắc" và "công nghệ mới hoàn toàn", là Live Photos tự động ghi lại 1,5 giây trước và sau khi chụp ảnh bằng iPhone 6S rồi chuyển thành video với âm thanh sống động; là trợ lý ảo Siri ra lệnh bằng giọng nói; là Retina Flash biến màn hình thành đèn flash tự động sáng lên khi chụp ảnh để phù hợp với ánh sáng xung quanh giúp cho ảnh chụp có màu sắc trung thực và tự nhiên; là quay phim 4K; là dùng hợp kim nhôm 7000 series; là RAM 2GB.v.v… Nhưng 6 điểm "mới" này, người dùng smartphone Android chẳng còn xa lạ gì, thậm chí đối với họ còn "xưa như trái đất".

Thế nhưng vì sao Apple vẫn "mạnh miệng" với những điểm mới của mình nhưng không còn mới hoặc đã là cũ đối với cả thế giới? Trước hết cần đề cập đến một nguyên tắc rất thường tình là, khi giới thiệu bất cứ một sản phẩm/dịch vụ mới nào, thì những điểm mới đối với chính nó trước đây luôn cần phải được truyền thông. RAM 2GB, hay camera chính được nâng lên 12MP và camera phụ được nâng lên 5MP đánh mạnh vào yếu tố chụp hình tự sướng với tính năng Retina Flash đã là những khái niệm nhàm chán nhưng đối với Apple là cả một cuộc cách mạng về máy ảnh và chụp ảnh. Với sự nâng cấp này, dù còn thua xa số "chấm" máy ảnh trên Android nhưng iFans sẽ vẫn hài lòng vì chí ít họ đã thấy ở đây một sự thay đổi vì người tiêu dùng; thứ nữa máy ảnh của iPhone thực sự chưa bao giờ tệ vì thế chỉ cần nâng cấp ít nhiều cũng có thể tạo ra chất lượng hơn bao đối thủ khác.

Người dùng iPhone vẫn hay đem so camera 5 "chấm" của họ với rất nhiều camera 5 "chấm" của những hãng khác và họ luôn thấy được tự hào. Đó là chuẩn mực. Apple đưa ra một mức chấm hay tính năng giống người ta, bằng người ta, nhưng độ ổn định về chất lượng hay chuẩn mực luôn hơn người ta. Những tính năng như Live Photos hay trợ lí ảo Siri giúp người dùng ra lệnh bằng giọng nói, Android đã có nhưng chưa bao giờ đẩy được tới mức phổ dụng trong cộng đồng Android. Nhiều người dùng Android thậm chí còn chả dùng đến những tính năng này bao giờ. Nhưng khi Apple đưa những tính năng này trở thành điểm nhấn nổi bật trong iPhone, họ sẽ làm tới và đẩy lên đỉnh về chất lượng, và iFans khi dùng cảm thấy tự hào với những tiện ích được hỗ trợ cùng với chất lượng tốt và ổn định.

Facetime là một trong những minh chứng điển hình về tính năng video call trong cộng đồng người dùng iPhone. Các ứng dụng, phần mềm OTT nào đó dù có được thổi lên tới cỡ nào cũng có nhiều lúc khiến người dùng không hài lòng, song người dùng Facetime thì từ trước tới nay vẫn luôn đạt được độ hài lòng cao hơn.

Khi Apple đã tự tin với những tính năng đi sau, cũ hơn Android mà vẫn đưa vào những sản phẩm chiến lược (iPhone thường chiếm trên 70% doanh số bán hàng và trên 80% lợi nhuận của Apple), thì có lẽ họ đã có cách làm tốt nhất. Các đời iPhone trước, điển hình là iPhone 5 và 5S, bị "chửi" tơi bời vì cái "tư duy iPhone 4 kéo dài", nhưng rồi chính iPhone 5S chứ không phải ai khác đã giúp cho Apple gượng dậy ở thời điểm cuối 2013 đầu 2014 trước Samsung để rồi tới iPhone 6 và 6 Plus họ lật ngược được thế cuộc.

Trong kinh doanh của Apple cũng có triết lí như trong cách làm sản phẩm: Không cứ nhất thiết là nhanh nhẩu nhảy vào các tính năng, công nghệ mới hơn người, thậm chí còn muộn hơn người ta, nhưng phải luôn luôn là tốt nhất, chất lượng ổn định nhất. Apple chưa vượt lại Samsung về doanh số bán hàng, nhưng luôn có lợi nhuận hơn gấp nhiều lần Samsung ở mảng smartphone.

Người dùng smartphone bình thường sử dụng hết bao nhiêu tính năng, công nghệ trong sản phẩm? Có lẽ những người sành điệu, am hiểu công nghệ nhất chắc cũng chỉ đạt vài chục phần trăm mà thôi và còn lại là "lãng phí". Vậy thì việc đưa ra nhiều tính năng công nghệ mới có thể thu hút sự quan tâm ban đầu nhưng liệu có giữ chân được người dùng ở lại lâu? Đây chính là một thực tế đang diễn ra từ khâu sản xuất cho đến sử dụng smartphone Android: Ào ạt tung ra các tính năng công nghệ mới, cấu hình liên tục được đẩy lên cao, khiến cho thời gian người dùng dừng lại ở những tính năng công nghệ mới không được lâu và chưa đủ thấm, hệ lụy là tạo ra sự hay thay đổi và thiếu thủy chung. Con đường này đẩy các hãng làm điện thoại Android vào thế tự bóp nghẹt mình và phải xâu xé nhau thảm khốc để tồn tại. Cách làm của Apple "khoan thai" hơn bởi ngoài họ cũng chẳng còn ai tạo ra một cộng đồng iOS nào khác. Và một khi người ta đã theo Apple thì phải biết chờ đợi và học được tính nhẫn nại, bù lại Apple mang tới cho người dùng một chất lượng đỉnh cao và ổn đỉnh, sự trải nghiệm hài lòng, những cảm nhận thiết kế đẹp và sang, cùng một thương hiệu tạo ra đẳng cấp.

Đúng là Apple chưa bao giờ hoặc rất ít trường hợp là người tiên phong về công nghệ smartphone, nhưng rõ ràng họ là người tiên phong về xây dựng một khái niệm smartphone ở đẳng cấp cao và chuẩn mực, từ đó dẫn dắt luôn về một cách sử dụng, trải nghiệm smartphone chuẩn mực và đẳng cấp. Apple không tiên phong đưa ra được tính năng, công nghệ mới so với Android nhưng họ luôn biết cách làm mới các công nghệ cũ hoặc không còn mới bằng một thứ triết lí làm cho tới, làm đến cùng về chất lượng nhờ đó mang đến cho người dùng những trải nghiệm hài lòng nhất.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác