VnReview
Hà Nội

Giật mình vì "Samsung là hàng Việt"

Khẳng định "Samsung là hàng Việt Nam" được một lãnh đạo Bộ Công thương đưa ra trong cuộc họp báo về "Tự hào hàng Việt" mới đây.

Theo báo Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa tin, khi được hỏi "Samsung có phải là hàng Việt Nam", ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định là có. Lý lẽ ông đưa ra có vẻ thuyết phục khi dựa trên cơ sở là các văn bản pháp luật, tài liệu về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó nêu rõ "hàng hóa lắp ráp, sản xuất và dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam không phải hàng nhập khẩu là hàng Việt Nam".

Với cái lẽ như vậy, không chỉ Samsung mà cả những Honda, Toyota, Coca Cola, Intel… là hàng Việt Nam cả?

Tuyên bố Samsung là hàng Việt Nam quá bất ngờ, khiến tôi phải kiểm tra lại các văn bản tài liệu về cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Kết quả không rõ báo trích dẫn sai hay "trả bài" của ông Vụ trưởng còn thiếu, dẫn đến kết luận "Samsung là hàng Việt Nam" là không chính xác.

Cụ thể, theo định nghĩa trong tài liệu tuyên truyền cho Cuộc vận động, để được gọi là hàng Việt Nam, cần phải đạt ba tiêu chí sau:

1. Phải được sản xuất trong nước, nghĩa là có cơ sở, địa điểm sản xuất đặt trong nước;

2. Có phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đạt tỷ lệ nhất định do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam quy định tùy theo từng chủng loại và điều kiện cụ thể.

3. Chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa là công dân Việt Nam.

Do đó, theo định nghĩa này, Samsung không bao giờ được gọi là hàng Việt. Chưa kể chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa không phải là công dân Việt Nam, phần giá trị gia tăng Samsung tạo ra tại Việt Nam là không đáng kể. Những đóng góp đáng kể nhất của Samsung là tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương. Về tạo ra giá trị gia tăng trong nước thì có thể lấy ví dụ này để minh họa: Samsung cho biết năm 2014, hãng đã xuất khẩu 30 tỷ USD nhưng tổng giá trị linh phụ kiện mua ở trong nước chỉ đạt 35 triệu USD.

Ngoài ra, phải nói Samsung chưa chắc đã muốn được đối xử giống như doanh nghiệp Việt Nam bởi so với các doanh nghiệp trong nước, hãng đang được hưởng các mức ưu đãi tối đa như miễn, giảm các loại thuế, phí. Tất nhiên, các ưu đãi này chưa bao giờ được công khai.

Hồi đầu năm nay, trong một bài trả lời phỏng vấn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng nói rằng Samsung "không ăn đời ở kiếp với Việt Nam". Việt Nam không thể nhận Samsung hay Honda là của mình. "Doanh nghiệp tư nhân lẽ ra phải đại diện cho dân tộc Việt Nam, với thương hiệu và công nghệ của Việt Nam để đưa Việt Nam lên con đường công nghiệp hóa thực sự", ông nói.

Tôi nhớ mãi câu nói này của ông vì ông nói quá đúng. Các hãng đầu tư nước ngoài đến Việt Nam cho đến nay trước hết là nhờ môi trường kinh doanh ổn định, ưu đãi cao và đặc biệt là giá nhân công thấp. Khi giá nhân công không còn đủ cạnh tranh thì họ lại dứt áo ra đi, giống như việc Trung Quốc từng là công xưởng thế giới nhưng giá nhân công tăng nên rất nhiều doanh nghiệp chuyển nhà xưởng sang các nước Đông Nam Á hoặc Ấn Độ.

Nay đọc tin ông Vụ trưởng thị trường trong nước khẳng định Samsung là hàng Việt Nam, trớ trêu lại là tại cuộc họp báo "Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam" của Bộ Công thương, mà cảm thấy giật mình, và buồn. Là một người tiêu dùng bình thường, tôi chẳng bao giờ có ý niệm xe Honda, điện thoại Samsung hay Tivi LG là hàng Việt Nam. Tôi cũng tin rằng chẳng ai coi iPhone là hàng Trung Quốc mặc dù nó được lắp ráp và hầu hết linh kiện được cung ứng từ thị trường Trung Quốc.

Ở cương vị đầu ngành thị trường trong nước, hẳn ông Vụ trưởng phải phân biệt rõ như thế nào là hàng Việt Nam chứ nhỉ? Cho nên, tôi cứ hy vọng đây là thông tin bị trích dẫn chưa chuẩn. Chứ sắp tới "Tuần tự hào hàng Việt" kêu gọi người Việt tự hào về Samsung, Honda, Coca Cola... thì buồn cho hàng Việt quá.

Thanh Thủy

Chủ đề khác