VnReview
Hà Nội

Nhà mạng làm bán lẻ: “Mạnh vì gạo bạo vì tiền” chưa chắc làm nên chuyện!

Cửa hàng bán lẻ thiết bị di động và phụ kiện đầu tiên của MobiFone vừa được khai trương tại số 80 Nguyễn Du, Quận 1, TPHCM khá hoành tráng. Nhưng thú thật, khách tham quan đi qua sự kiện này thấy đọng lại nhiều là cái không khí xôm tụ, không gian trưng bày trang nhã và thoáng đãng, chứ về cái "ruột" trưng bày thì còn gây hụt hẫng.

Lãnh đạo MobiFone tại lễ khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên - Ảnh: MobiFone

Cửa hàng bán lẻ thiết bị đầu cuối và phụ kiện của MobiFone cho đến giây phút cắt băng khánh thành vẫn chưa được định danh một cách dễ nhớ (như Viettel Store, FPT Shop,…). Ngay trong thông cáo báo chí cũng chỉ gọi là Cửa hàng MobiFone hoặc Cửa hàng bán lẻ MobiFone. Cửa hàng bán lẻ MobiFone đi theo mô hình vừa cung cấp các dịch vụ viễn thông vừa bán lẻ thiết bị đầu cuối và phụ kiện. Trước đây có VNPT-5G theo mô hình này, nhưng nay VNPT-5G coi như đã "chết", chỉ còn duy nhất Viettel Store là chuỗi bán lẻ thiết bị đầu cuối của nhà mạng còn hoạt động trên thị trường.

Nói về độ sang trọng và trang nhã, Cửa hàng MobiFone chắc không kém bất cứ tên tuổi bán lẻ nào trong ngành công nghệ dù là "anh cả đỏ" Thegioididong.com. Xưa nay phàm những gì MobiFone đã làm thì luôn được khẳng định hoặc định vị cao cấp và sang trọng. Dàn giao dịch viên tại Cửa hàng MobiFone 80 Nguyễn Du đã cho thấy rõ điều này: cao ráo, trắng trẻo xinh tươi trẻ đẹp, đồng phục tề chỉnh… Nhưng với một cửa hàng bán lẻ, đó mới chỉ là những yếu tố cần chứ chưa đủ.

Mới khai trương, nhân viên bán hàng thiết bị đầu cuối và phụ kiện của MobiFone cũng chưa được "thử lửa" nhiều cho nên chưa thể đánh giá rõ là "trình" tư vấn cho khách và thái độ phục vụ ân cần, niềm nở tới đâu. Nhưng nếu đóng vai khách vào tham quan, thì cảm giác đi qua khắp lượt cửa hàng rất nhanh. Có lẽ là số lượng sản phẩm, thiết bị trưng bày còn ít và nghèo. Dễ đập vào mắt nhất là 3 thương hiệu Apple, Samsung, OPPO, còn các thương hiệu khác hoặc là không thấy xuất hiện hoặc là "khép nép" và lượng sản phẩm trưng bày cũng ít ỏi. Vậy khách vào xem nếu có ý định mua hàng thì đâu có nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị để so sánh, chọn lựa?

Không gian trưng bày thoáng, bài trí trang nhã, nhưng nếu hỏi về một điểm nhấn của mảng bán lẻ thiết bị và phụ kiện thì có lẽ một số mẫu loa cao cấp được trưng bày mới là thứ gây chú ý hơn chứ không phải các loại thiết bị di động và phụ kiện vốn không có gì khác biệt, thậm chí còn nghèo nàn hơn so với các chuỗi bán lẻ lớn như Thegioididong.com, Viễn Thông A, FPT Shop và thậm chí ngay cả Viettel Store. Vậy câu hỏi đặt ra là: Nếu khách hàng có nhu cầu đi khảo sát các mẫu smartphone để đưa ra quyết định mua thì liệu họ có chọn Cửa hàng MobiFone là điểm đến? Hay định hướng của Cửa hàng MobiFone chỉ là điểm đến cho những khách hàng tới đăng kí dịch vụ viễn thông nhân tiện rảo bước ngắm nhìn thêm các loại thiết bị đầu cuối và phụ kiện, và nếu có nhu cầu thì mua?

Tới thời điểm này 3 nhà mạng lớn đều đã bước chân vào thị trường bán lẻ thiết bị đầu cuối và phụ kiện nhưng kết cục rất khác nhau. VNPT-5G ngay từ khi ra đời đã được đánh giá là một mô hình "đem con bỏ chợ" và "chết yểu". Ở doanh nghiệp tư nhân, có lẽ "cha đẻ" và người chịu trách nhiệm triển khai mô hình này đã bị "trảm" từ lâu. Viettel Store khá khẩm hơn nhưng không thể sánh nổi với các chuỗi bán lẻ lớn khác như Thegioididong.com hay FPT Shop. Bây giờ Cửa hàng bán lẻ MobiFone ra đời song chưa gây được ấn tượng gì từ phút đầu tiên.

cửa hàng bán lẻ mobifone

Cửa hàng MobiFone chưa thực sự ấn tượng. Ảnh: laodong.com.vn

Theo kế hoạch trong năm đầu tiên MobiFone sẽ mở khoảng 100 cửa hàng bán lẻ thiết bị đầu cuối và phụ kiện. MobiFone có thể hiện thực hóa được con số này vì trên thực tế nhà mạng này không thiếu các cửa hàng hiện hữu, những điểm giao dịch và có thể từ đó nâng cấp lên như trường hợp Cửa hàng MobiFone 80 Nguyễn Du vậy. Nhưng, nếu phần "nội dung" tại các cửa hàng đó cũng chỉ giống với Cửa hàng MobiFone Nguyễn Du thì không khéo sẽ chẳng phát huy được hiệu quả kinh doanh, vì hiện nay đến từng quận huyện, tỉnh thành đều đã có mặt của các chuỗi Thegioididong.com, FPT Shop… Chắc chắn MobiFone, rồi cũng đi theo cách của Viettel là bán combo dịch vụ viễn thông với thiết bị đầu cuối nhằm ưu đãi nhiều hơn để thu hút khách hàng nhưng cần nói thẳng rằng phương thức này không phải là chiếc đũa thần có thể giúp xoay chuyển mọi tình hình. ;

Ngành bán lẻ thường được ví von là ngành nhặt bạc cắc cho nên càng không hề đơn giản. Nếu biết làm và làm tốt, trong một ngày có thể nhặt được rất nhiều bạc cắc và ngược lại. Ông chủ tịch của Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động - Nguyễn Đức Tài từng tâm sự rằng, chỉ riêng phương án trưng bày, bài trí hàng hóa sản phẩm trong shop của Thegioididong.com trong những năm đầu đã có lúc phải chỉnh sửa, thay đi đổi lại đến 20 lần chỉ trong một thời gian ngắn. Tư duy làm bán lẻ đơn giản và chủ quan như kiểu VNPT-5G thất bại ngay từ đầu vì khách hàng ngay từ bước chân đầu tiên vào đã cảm thấy không được trân trọng – không chỉ ở thái độ phục vụ mà còn ở tư duy làm kinh doanh, với chỉ một số ít thiết bị đầu cuối lèo tèo mà cũng gọi là cửa hàng, chuỗi….

Không chỉ cửa hàng bán offline của MobiFone mà cả cửa hàng trực tuyến m360.vn cũng thế, nếu tiếp tục tình trạng lèo tèo mỗi thương hiệu chỉ có vài ba mẫu điện thoại thì khách hàng truy cập vào một lần rồi sẽ "một đi không trở lại". Một website bán hàng trực tuyến như m360.vn có lẽ đã đánh xuống đối với thương hiệu MobiFone bởi sự đơn điệu, sơ sài từ giao diện cho đến "nội dung" hàng hóa, sản phẩm.  

Các nhà mạng lớn tại Việt Nam mỗi năm có doanh thu vài chục ngàn tỉ đồng, lợi nhuận cũng lên đến vài ngàn tỉ đồng, so về yếu tố này thì ăn đứt các hệ thống bán lẻ như Thegioididong.com, FPT Shop… Nhưng vì sao các chuỗi họ mở ra không chết yểu thì cũng chỉ bình bình? Có nhiều nguyên nhân song nguyên nhân bao trùm nhất chính là làm nửa vời, làm không tới, việc mở chuỗi bán lẻ không nằm trong tình thế sống còn vì còn có "bầu sữa" doanh thu viễn thông để bám bấu.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác