VnReview
Hà Nội

Chuyện “đạo” thơ, “đạo” thiết kế và sự cùng quẫn của sáng tạo

Ở hai lĩnh vực khác nhau nhưng "không hẹn mà gặp" chỉ trong một thời gian ngắn trở lại đây đã xảy ra 2 nghi án cùng dính đến chữ "đạo": HTC bị nghi "đạo" thiết kế của iPhone 6s; và nữ nhà thơ Phan Huyền Thư bị cho là đã "đạo" thơ của một nữ nhà thơ họ Phan khác – Phan Ngọc Thường Đoan.;

Nghi án "đạo" về thiết kế mà cụ thể là ở các mẫu smartphone thì nhiều không kể xiết và có xu hướng càng ngày các thiết kế smartphone càng có vẻ giống nhau nhiều hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, thiết kế hết vuông góc thì đến cong, viền thép phẳng xưa rồi thì phải chuyển sang viền bầu cho tươi mới hóa, như từ iPhone 4, 4s, 5, 5s bước lên iPhone 6, 6s…chẳng hạn. Như chiếc quần chúng ta mặc ngày nay cũng vậy, xưa ống quần cũng bé thôi và bó sát đùi cẳng; rồi có thời kì nó bùng phát rộng ra đến 30, 32cm mới được xem là môđen, thời thượng; nhiều năm gần đây nó lại trở về lối cũ ống nhỏ lại và bó sát.

Các nhà thiết kế kiểu dáng smartphone phải "đẻ" ra xoành xoạch mỗi năm vài ba trăm mẫu thì việc làm sao cho không giống nhau cũng là cả một vấn đề. Có lúc họ bí rị, cho nên mọi thứ dần trở nên hao hao, hoặc không bê nguyên xi thì cũng copy, cóp nhặt tí chút, cũng chẳng còn là điều lạ trên thị trường.

Song ở Việt Nam ta, cách nhau hàng chục năm trời đằng đẵng, nhưng bài thơ "Bạch lộ" của Phan Huyền Thư in trong tập "Sẹo độc lập" xuất bản và phát hành năm 2014 vừa được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (ngày 10/10/2015) lại có cả một đoạn giống như hai giọt nước với bài thơ "Buổi sáng" của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan in trong tập "Đếm cát" phát hành từ năm 2003. Câu chuyện "đạo" thơ này đã "lùm xùm" suốt hơn 10 ngày trời, Phan Huyền Thư ban đầu chối bay chối biến nhưng không thoát được sự soi xét của dư luận đã phải viết thư xin lỗi và xin rút khỏi giải thưởng. Nhưng vẫn không xong vì cô chưa chịu nhận mình "đạo" thơ của đồng nghiệp. Trước áp lực dư luận, Phan Huyền Thư phải viết lá thư thứ hai xin lỗi cá nhân nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan.

"Trên công luận, hôm nay tôi chính thức gửi lời xin lỗi tới cá nhân chị. Tôi sẽ coi đây là một bài học lớn trong đời mình, một bài học sâu sắc nhất về thái độ sống và viết… Tôi đã gửi lời xin lỗi chính thức đến Ban tổ chức Giải thưởng Văn học 2015 Hội Nhà văn Hà Nội và chị cùng các độc giả, bạn bè trên công luận. Nhưng đây là lời xin lỗi dành riêng cho chị, vì tôi hiểu chị vẫn cảm thấy bị tổn thương khi đọc lời xin lỗi đó, tôi thừa nhận "Bạch lộ" là bài thơ ra đời sau bài thơ "Buổi sáng" của chị" (trích đoạn).

Bằng chứng rành rành, Phan Huyền Thư ban đầu cho rằng mình viết "Bạch lộ" từ năm…1996 và với lập luận này chẳng khác nào "đổi trắng thay đen" biến nạn nhân bị "đạo" thơ - nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan - thành kẻ đi "đạo" thơ người khác. Nhưng Thư cũng chỉ có lời nói chứ không có căn cứ gì, buộc Hội nhà văn Hà Nội phải tuyên bố Phan Huyền Thư không có bài thơ "Bạch lộ" nào viết năm 1996. Chuyện "đạo" văn, thơ, sách, nhạc, công trình nghiên cứu.v.v…ở Việt Nam xưa nay cũng đầy dẫy, nhưng tập quán người Việt hay xuê xoa, có làm ầm lên thì cũng trên công luận và dư luận chứ ít khi khởi kiện ra tòa. Kẻ đi ăn cắp thì nhiều khi vênh váo, cao đạo. Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan không muốn kéo dài câu chuyện mệt mỏi vì thế đã tha thứ cho Phan Huyền Thư. Nhưng với dư luận, vụ Phan Huyền Thư bị cho đã "đạo" thơ là vết ố trong làng thơ Việt xưa nay. Vẫn cái thái độ không thành khẩn, không đủ dũng cảm và sự khiêm nhường để tự gọi đúng tên của hành vi mà chỉ "thừa nhận "Bạch lộ" là bài thơ ra đời sau bài thơ "Buổi sáng" mà thôi.

Thế thì vẫn chưa chính thức có kết luận về kẻ "đạo" thơ, ăn cắp thơ người khác cho dù nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định rằng "trong hai người phải có một người đạo thơ". Như vậy thì cũng chả khác nào vụ việc bị "chìm xuồng"  theo cái cách mà cả đôi bên cảm thấy tạm chấp nhận được trong khi bên thứ ba – dư luận - thì vẫn cảm thấy ấm ức và đặt dấu hỏi nền thơ Việt bao giờ mới đủ khả năng sáng tạo lành mạnh cũng như đủ sự dũng cảm thừa nhận những sai lầm ở mức trầm trọng?

Vụ "đạo" thơ của Phan Huyền Thư dù ầm ĩ nhưng đơn giản, mà vẫn chưa kết luận hay "tuyên án" được thủ phạm, thì những nét HTC One A9 giống hoặc hao hao như iPhone 6s sẽ còn tranh cãi nhiều năm nữa cũng chưa chắc đã ngã ngũ. Nhiều người thấy giống, thấy hao hao, hoặc có những chi tiết thiết kế chỉ cần điều chỉnh khác đi một tí, nhưng nếu khép vào hành vi "ăn cắp ý tưởng" thì lại quá trừu tượng và sự tranh cãi không dễ đi đến hồi kết.

Có một sự "hao hao" trong nghi án "đạo" thiết kế kiểu dáng của HTC One A9 đối với iPhone 6s và "đạo" thơ của "Bạch lộ" đối với "Buổi sáng". Cho dù ông "sếp" Jack Tong - Chủ tịch HTC khu vực Bắc Á – có tuyên bố xanh rờn rằng "chúng tôi không bắt chước, chúng tôi từng làm điện thoại với vỏ tráng kim loại nguyên khối từ 2013. Chính Apple mới là kẻ nhại theo chúng tôi", nhưng ở các nền kinh tế tiên tiến và xã hội văn minh người ta vẫn xử được, dù phải mất nhiều năm. Hai bên có thể huy động các bằng chứng, căn cứ, lập luận để chứng minh mình và phản bác đối thủ, với đội ngũ luật sư trong mơ đầy tài giỏi đủ khả năng lật ngược thế cờ trong nhiều tình huống, nhưng kết cục là vẫn phải xử và tòa vẫn phải tuyên án ai ăn cắp của ai, ai là nạn nhân và ai phải chịu phạt, còn không thì hai bên dàn xếp bên lề tòa án cho yên chuyện, nhưng nói chung là vẫn phải có kết cục rõ ràng.

Còn trường hợp Phan Huyền Thư bị cho rằng đã "đạo" thơ của Phan Ngọc Thường Đoan, đã có lúc Thường Đoan từ một nạn nhân suýt bị biến thành tội đồ nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận. Một kiểu tiền lệ có tính "đổi trắng thay đen" qui chụp và không rõ ràng có thể sẽ mang đến hệ lụy xấu dai dẳng không chỉ đối với làng thơ Việt.

Câu chuyện HTC One A9 nhái thiết kế kiểu dáng của iPhone 6s dù có được thừa nhận hay có tiến hành kiện tụng, xét xử hay không thực ra đối với dư luận cũng không quan trọng. Thường thì chỉ có những kẻ cùng quẫn sáng tạo mới đi sao chép thiết kế kiểu dáng; còn những kẻ "đạo" văn, thơ, nhạc.v.v… thì đã quá rõ là không có lòng tự trọng và nhân cách kém rồi.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác