VnReview
Hà Nội

Moto trở lại - Lợi hại hay trở ngại hơn xưa?

Thực ra cái câu của FPT Shop in trong tờ rơi quảng cáo là "Moto X trở lại – Lợi hại hơn xưa". Tôi chỉ mượn ý câu này, và đặt thêm dấu hỏi ở cuối câu. Nhưng quả thật, sự kiện Motorola ra mắt 5 phiên bản điện thoại mới tại Việt Nam ngày 25/11/2015 không chỉ là "câu chuyện Moto X đã bắt đầu" (The Moto X story has begun) như câu viết của FPT Shop. Mà đúng hơn, đây là sự trở lại của cả một số phận nghiệt ngã và đắng cay, đã từng bị gạt ra bên lề thị trường điện thoại di động đầy sôi động.

Trở lại với thế mạnh gì?

Tất nhiên nói Motorola trở lại là trở lại thị trường Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng, chứ ở thị trường Mỹ và một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ thì vài năm trở lại đây Motorola đã hiện diện rồi. Theo xác nhận của vị Phó chủ tịch bộ phận di động khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Lenovo, ông Dillon Ye, thì sự kiện ra mắt trở lại thị trường Việt Nam là sự kiện đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Tôi vẫn còn nhớ như in cái màu đen của chiếc "điện thoại mu rùa" StarTAC lừng danh một thời của Motorola, và bây giờ quay trở lại thị trường Việt Nam không phải là StarTAC của hai thập kỉ trước mà tới 5 phiên bản ra mắt cùng lúc trong đó mẫu Moto X được FPT Shop phân phối độc quyền.

Moto X được FPT Shop giới thiệu qua thông cáo báo chí với 8 thông số ấn tượng nhưng theo tôi thì chỉ có 4 thông số đáng lưu ý mà thôi. Đó là màn hình AMOLED 5.2 inch Full HD, kính cường lực Gorilla glass 3 (1), chip Qualcomm Snapdragon 801, RAM 2GB (2), camera chính 13MP có thể quay phim 4K (3). Đọc qua 3 điểm đáng lưu ý trên thì bạn phải lưu ý hơn với điểm đáng lưu ý thứ 4 vì đó là về giá tiền. Moto X được cho là bán tại thị trường Mỹ giá khoảng 300 USD, tức tương đương khoảng 6.700.000 VND. Về FPT Shop giá Moto X được định là 5.990.000 VND, nhưng nếu ai mua nhanh mua sớm thì được giảm 1 triệu đồng tức giá máy chỉ còn 4.990.000 đồng (4).

Vậy chốt lại Motorola trở lại "lợi hại hơn xưa" ở chỗ nào? – Thì là cấu hình mạnh mức giá mềm. Nếu thế thì cũng chẳng thể coi Motorola có ẩn số gì sâu xa nữa, bởi nói về giá thì cũng giống như trào lưu của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc thôi, từ Huawei, OPPO, CoolPad, Meizu, Gionee, Xiaomi.v.v… đều luôn đánh vào yếu tố giá vì họ luôn có lợi thế về giá. Lợi thế đó của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc thì ngay cả các đại gia như Samsung, Microsoft… còn khó đọ nổi. Ngay thời điểm Motorola trở lại thị trường Việt Nam thì cũng là lúc nhiều thương hiệu Trung Quốc cấp tập đặt chân đến thị trường Việt. Câu chuyện của Motorola sẽ phải khởi đầu lại tại thị trường Việt Nam là đương nhiên, nhưng có lợi hại hơn xưa được hay không thì còn ở phía trước.

Ngày nay thân phận của Motorola đã khác sau hai cuộc bán chác. Tháng 10/2014, thủ tục mua bán Motorola giữa Google và Lenovo chính thức hoàn tất. Có một chỗ dựa mạnh mẽ hơn cả về tiềm lực tài chính và vị thế thị trường nhưng không có nghĩa Motorora có thể lao vào "chiến tranh giá" là thắng được. Bởi như đã nói, đấu về giá liệu có phải là thế mạnh mạnh nhất của Motorola, và ở yếu tố này Motorola liệu đã mạnh hơn hẳn các thương hiệu khác?

Còn về thương hiệu, không ai phủ nhận Motorola từng là một thương hiệu lớn, số 1 trong làng di động cả về sản xuất thiết bị và mạng, nhưng đừng nên hi vọng quá nhiều vào một cái tên đã từng tàn lụi, mất hút trên thị trường Việt Nam gần một thập kỉ giờ quay trở lại là thu hút được ngay người tiêu dùng. Đã lâu lắm rồi Motorola không hiện diện trên thị trường điện thoại di động kéo theo bị rút khỏi danh sách chọn lựa mua hàng trong đầu người tiêu dùng. Trong khi đó, những thương hiệu Trung Quốc như Huawei, OPPO, Xiaomi… ngày nay cũng không còn thuần túy lan tỏa trong phạm vi thị trường nội địa mà đã bước ra "biển lớn" khá mạnh mẽ, trong đó có Việt Nam.

Trong sự kiện Motorola trở lại thị trường Việt Nam với 5 mẫu smartphone mới, tôi đã đặt câu hỏi rằng Motorola sẽ dựa vào thế mạnh thực sự nào để cạnh tranh trên thị trường. Ông phó chủ tịch Dillon Ye trả lời nhưng chung chung, rồi chốt lại rằng sức mạnh chính là hệ điều hành Android thuần túy không hề tùy biến như một số hãng khác (?). Ông Ye tự tin "chúng tôi trở lại và chắc chắn sẽ thành công", nhưng cũng thông tin từ ông trả lời báo chí thì "chúng tôi không đặt mục tiêu cụ thể về thị phần cho thị trường Việt Nam" lại cho thấy một sự cẩn trọng hoặc ít nhiều cũng thiếu tự tin.

Trở lại và trở ngại

Tôi lại nhớ đến chiếc Motorola StarTAC mà tôi đã từng dùng cho đến khi nó tê liệt hoàn toàn không sử dụng được nữa mới phải vứt bỏ. Motorola một thời từng là thương hiệu dấu yêu nhất trong tim nhiều người dùng Việt và cho đến năm 1998 khi ngôi vương của hãng này bị Nokia giật lấy thì nhiều người dùng vẫn chưa hết yêu thích điện thoại Motorola. Nhưng bây giờ niềm yêu thích kia đã thay đổi bởi người tiêu dùng đã và đang có quá nhiều thương hiệu, sản phẩm.v.v… để lựa chọn.

Khá là tự nhiên khi ông Dillon Ye đề cập đến ba thách thức mà theo ông Motorola sẽ phải đối mặt tại thị trường Việt Nam. Thứ nhất là tốc độ: Việt Nam là một thị trường trẻ, thay đổi nhanh, vì thế buộc Motorola cũng phải giới thiệu các mẫu sản phẩm mới với tốc độ nhanh hơn. Thứ hai là các tính năng công nghệ: Motorola đã cung cấp tại một số thị trường khác nay phải làm sao địa phương hóa để mang tới cho người dùng Việt. Thứ ba là thời gian: Motorola cần thêm nhiều thời gian để khẳng định được tại thị trường Việt sau nhiều năm vắng bóng.

Hơn bất cứ thương hiệu điện thoại mới nào vào Việt Nam hay quay trở lại thị trường Việt, Motorola có lợi thế nhờ hệ thống/mạng lưới từ kinh doanh cho đến bảo hành, hậu mãi mà Lenovo đã tạo dựng. Nhưng nên nhớ rằng, ngay cả vị thế của smartphone Lenovo tại thị trường Việt Nam cũng còn chưa đáng kể, vì vậy sự hậu thuẫn từ những tài nguyên, hạ tầng mà Lenovo sẵn có ở Việt Nam cũng sẽ không có được tác dụng mạnh mẽ như những tên tuổi lớn khác.

Câu chuyện Motorola trở lại Việt Nam đã được đánh động từ nhiều tháng nay. Một sự phân công tác chiến giữa "anh em nhà Lenovo-Motorola" để làm sao phủ sản phẩm rộng khắp các phân khúc được ông Dillon Ye tiết lộ cho thấy đã có những toan tính chiến lược. Motorola vẫn giữ thiết kế, công nghệ của thương hiệu này từ bao năm trước nhưng cách kinh doanh thì lại theo lối của Lenovo mang đặc trưng cách kinh doanh của các thương hiệu Trung Quốc. Tuy nhiên khi Motorola thay đổi thì thị trường điện thoại di động cũng đã đổi thay quá nhiều. Motorola có thể lợi hại hơn xưa nhưng thị trường cũng thêm chất chồng các chướng ngại đón chào ngày Moto trở lại.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác