VnReview
Hà Nội

Thông điệp không “êm ái” đối với CEO Google - Sundar Pichai

Trong cuộc tiếp kiến CEO Google Sundar Pichai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến 3 vấn đề: đề nghị Google phối hợp với các cơ quan của Việt Nam bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ các giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp của Việt Nam trên internet, và tuân thủ pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động thương mại xuyên biên giới. Điểm nhấn thứ ba quả là một sự đề cập hiếm hoi trong các cuộc tiếp tân đối ngoại giữa một nguyên thủ với CEO một tập đoàn công nghệ toàn cầu.

Chúng ta hẳn cũng hiểu được vì sao vấn đề "tuân thủ pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động thương mại xuyên biên giới" lại được đề cập ở cấp độ Thủ tướng. Vài năm trở lại đây, nghi án Google, Facebook trốn thuế tại Việt Nam từng rộ lên thành cao trào và từ dư luận đó các doanh nghiệp công nghệ nội dung số Việt Nam than vãn rằng "chúng tôi làm sao cạnh tranh nổi khi họ vừa mạnh hơn voi vừa lách được thuế".

Khẳng định rằng Google và Facebook có trốn thuế hay không cần phải có các cơ quan về thuế điều tra, phân tích cùng với các tổ chức giám định độc lập mới có thể đưa ra kết luận. Nhưng vấn đề sau thì có thể đoan chắc được 100%: Hiện nay Google và Facebook không đóng thuế tại Việt Nam. Hai "đại gia" này có nguồn thu chính tại Việt Nam là từ quảng cáo. Những năm qua, dung lượng thị trường quảng cáo online càng ngày càng tăng trưởng. Năm 2014, tổng doanh số quảng cáo online tại Việt Nam trên 5.000 tỉ đồng thì hai "đại gia" Google và Facebook đã chiếm đến khoảng 3/4, nếu cộng cả nguồn thu từ một số đại lí lớn là doanh nghiệp Việt Nam, thì Google và Facebook chiếm đến hơn 80% thị phần quảng cáo online tại Việt Nam.

Phân tích đến đây thì những người có am hiểu một chút về luật thuế có thể biết ngay rằng, nếu là doanh nghiệp Việt hoặc doanh nghiệp dịch vụ, thương mại phải thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, với 4.000-5.000 tỉ đồng doanh thu thì khoản thuế phải nộp lên đến bao nhiêu. Đặc biệt cần hiểu thêm rằng, lĩnh vực quảng cáo online cũng giống như nhiều loại hình dịch vụ nội dung số, hầu hết chỉ tốn chi phí lớn đầu tư ban đầu, những năm khai thác còn lại chi phí không quá lớn, do đó có tỉ suất lợi nhuận cao, thì thuế thu nhập phải đóng càng nhiều.

Quay lại điểm nhấn thứ ba Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập trước CEO Google Sundar Pichai, có thể nói đây là một thông điệp được đưa ra một cách thẳng thắn và sòng phẳng. Sòng phẳng bởi Thủ tướng cũng đã đánh giá cao những "đóng góp của Google vào việc phổ biến tri thức, nâng cao cơ hội tiếp cận thông tin, giáo dục cho người dân". Có trước có sau, rõ ràng và trực diện, thông điệp từ cuộc tiếp kiến này cũng rõ ràng rằng đã phản ánh một phần những nguyện vọng, tâm tư của giới doanh nghiệp Việt, của những công nhân Việt Nam muốn Google phải thể hiện nhiều hơn trách nhiệm đối với xã hội Việt khi mỗi năm thu lượm từ đây hàng trăm triệu USD.

Sundar Pichai – CEO của một tập đoàn công nghệ nắm biết bao chìa khóa chất xám, cũng thừa tên tuổi, vai vế và danh vọng để làm cao với nhiều thị trường. Sang Việt Nam lần này, thời gian biểu và kế hoạch của Sundar Pichai chủ yếu là… nói cho người Việt Nam lắng nghe, đặc biệt là giới doanh nghiệp và các doanh nghiệp trẻ đang khởi nghiệp. Nhưng có lẽ CEO của một tập đoàn lừng danh như Google cũng không dự đoán trước được chính ông phải lắng nghe một thông điệp mang tính điểm nhấn trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, và lại là một thông điệp không hề "êm ái" đối với CEO của Google, vì cho đến nay cái nghi án Google trốn thuế tại Việt Nam vẫn như một vết đen treo lơ lửng chưa được giải thích một cách chính thức và rõ ràng.

Trong một đoạn đối đáp giữa Sundar Pichai với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, ông Bình bảo rằng thị trường Việt Nam còn nhỏ thì CEO của Google phản biện ngay: Không, đối với Google Việt Nam là một thị trường lớn. Điều này hoàn toàn đúng lôgic. Đơn cử Trung Quốc, là thị trường số 1 thế giới nhưng đối với Google hiện là một thị trường được gọi là "nhỏ" so với tương quan dân số hơn 1,3 tỉ dân. Bởi người Trung Quốc hầu hết dùng cỗ máy tìm kiếm Baidu và Google từ nhiều năm trước sau khi không thỏa thuận được với chính phủ Trung Quốc đã bị bật sới khỏi thị trường này.

Việt Nam đang có khoảng 93 triệu dân, ít hơn chục lần so với Trung Quốc, nhưng hầu hết những người Việt biết dùng công cụ tìm kiếm đều là khách hàng của Google, đó là chưa kể hệ sinh thái của Google đã quá quen thuộc đối với Việt Nam như YouTube, Gmail, Google+, Google Photo.v.v… Khi đã xác định Việt Nam là thị trường lớn thì Google phải hành xử đúng với vị thế ông lớn, không chỉ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam trong đó có pháp luật về thuế, mà còn rất nhiều vấn đề khác thuộc phạm trù trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người dùng Việt và xã hội Việt Nam.

Chí ít, chúng ta đã được thấy một hình ảnh CEO của một tập đoàn công nghệ lừng danh khá giản dị, dễ thương, dễ gần, có thể ngồi trà chanh vỉa hè nghe Đông "chim" chém gió. Nhưng đó là câu chuyện về một hình ảnh cá nhân có pha trộn chút đời thường. Còn khi hành xử ở vị trí CEO của một tập đoàn lớn, trước hết phải tuân thủ theo luật và các qui định. Muốn chơi và làm ăn được lâu dài ở một "thị trường lớn" Việt Nam trong góc nhìn của CEO Google, thì Google phải tuân thủ nghiêm "pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động thương mại xuyên biên giới".

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác