VnReview
Hà Nội

Bật đèn xe máy ban ngày có cần thiết với Việt Nam?

Những ngày gần đây, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đề xuất đưa ra quy định bắt buộc bật đèn xe máy ban ngày nhằm giảm tai nạn giao thông (TNGT) vì nhiều nước đã có quy định này. Nhưng trên thực tế, điều đó có thực sự cần tại Việt Nam?

Nguyên nhân của quy định

Quy định về việc bật đèn chạy xe ban ngày (daytime running light/lamp hay DRL) đã được khởi xướng từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này bắt nguồn từ việc ở các nước ôn đới và hàn đới (vĩ độ cao) có thời gian ánh nắng chiếu không nhiều. Đặc biệt ở các nước càng gần cực bắc như Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Canada, có những ngày đông gần như không có ánh Mặt Trời. Bên cạnh đó, vào những ngày sương mù hoặc tuyết rơi, tầm nhìn rất hạn chế và đường rất trơn trượt. Do đó việc bật đèn xe kể cả ban ngày khi tham gia giao thông ở những nước này gần như là hiển nhiên nhằm tránh bị phương tiện khác va chạm phải.

Tại các nước Bắc Âu về mùa đông thường không có ánh Mặt Trời

Tuy vậy, hiệu quả mà DRL mang lại không đồng nhất ở các quốc gia. Như tại Mỹ, theo thống kê của Uỷ ban An toàn Giao thông và Cao tốc Quốc gia (NHTSA) hồi 2008 cho thấy, DRL không mang lại hiệu quả đáng kể nào trong việc giảm tần số hay mức độ nghiêm trọng của các vụ va chạm, chỉ ngoại trừ các vụ va chạm giữa 2 phương tiện của xe van và xe tải hạng nhẹ giảm đi 5,7%. Ngoài ra, chỉ ở các nước Scandinavi (hay Nordic), hiệu quả của DRL mới cao gấp 3 lần so với các nước ôn đới có bầu trời tương đối sáng.

Chuyện xứ người

Nhưng dù sao châu Âu (EU) cũng đã bắt đầu áp dụng quy định trang bị DRL cho các phương tiện tham gia giao thông từ 2011 sau 3 năm dự thảo. Quy định này trước hết được khởi xướng từ Thuỵ Điển từ 1977 vì đây là quốc gia có bầu trời thiếu nắng vào mùa đông. Rồi đến lượt Na Uy vào 1986, Anh vào 1987, Iceland vào 1988 và Đan Mạch trong 1990. Tuy vậy, quy định này chỉ đòi hỏi các phương tiện phải trang bị DRL (dù là tự sản xuất hay nhập khẩu), còn về thời gian sử dụng thay đổi ở từng nước. Có nước chỉ yêu cầu sử dụng vào những ngày đông hoặc tại một số tuyến đường. Có nước quy định chỉ sử dụng ngoài những khu vực đông dân cư để tránh gây phiền phức...

Hệ thống DRL chuyên dụng của Thuỵ Điển trong những năm 1970

Còn bên kia Đại Tây Dương, Canada bắt đầu quy định các phương tiện phải trang bị DRL bắt đầu từ 1990. Và hầu hết đều được "sao chép" lại quy định của các nước Scandinavi. Sau đó, Mỹ cũng "học tập" theo Canada bằng một dự thảo năm 1990 cho phép (chứ không bắt buộc) các phương tiện ở Mỹ được trang bị DRL. Song tại đây, đã nảy ra nhiều cuộc tranh cãi về chuẩn DRL được phép dùng, cũng như tính phiền phức của trang thiết bị này.

So với thái độ trung lập hoặc ủng hộ DRL ở Canada, tại Mỹ mọi thứ khác biệt hơn. Đã có hàng ngàn đơn phàn nàn về DRL được gửi lên Bộ GTVT của Mỹ (DOT) về độ chói mà những chiếc đèn này gây ra cho các phương tiện khác, ngay sau khi quy định cho phép DRL được thông qua. Đến 1997, sau khi xem xét lại các đơn phản ánh cũng như đo đạc lại giới hạn độ sáng 7.000 cd trong thực tế sử dụng, DOT đề ra dự thảo giới hạn lại cường độ sáng tối đa cho DRL xuống còn 1.500 cd, gần bằng mức 1.200 cd của EU và giống với mức mà Canada từng đề xuất lúc đầu.

Song đã có 2 luồng ý kiến trái chiều về dự thảo này. Trong phần trưng cầu ý kiến cộng đồng của NHTSA, đa số dân Mỹ ủng hộ việc giảm cường độ sáng DRL hoặc thậm chí là loại bỏ luôn khỏi các tuyến đường của nước này. Trong khi đó các hãng sản xuất xe của Mỹ mà dẫn đầu là General Motors (GM), vốn tiên phong trong việc làm ra các mẫu xe có DRL, đã đi theo hướng ngược lại. GM cực lực phản đối việc áp dụng mức 1.500 cd giống Canada. Theo họ việc áp dụng quy định mới sẽ làm tốn kém không ít chi phí để sản xuất lại các mẫu DRL công suất thấp. Còn các hãng xe châu Âu, ngược lại, vốn đã "quen" với chuẩn 1.200 cd nên không phản đối gì dự thảo này.

Một số nước cho dùng đèn pha giảm công suất với chức năng DRL

Có lẽ do GM đã làm áp lực lớn với chính phủ Mỹ, nên tới 2004, dự thảo giảm cường độ sáng DRL đã bị huỷ bỏ. Hãng này thậm chí còn làm đơn kiến nghị yêu cầu mọi phương tiện tại Mỹ phải có DRL, kèm theo những bản nghiên cứu an toàn "ủng hộ" việc trang bị DRL. Song đến 2009, NHTSA đã từ chối GM với lời đáp: "Uỷ ban vẫn giữ quan điểm trung lập với chính sách liên quan tới việc bổ sung DRL lên các phương tiện. Chúng tôi không tìm thấy dữ kiện nào cung cấp đầy đủ một lợi ích an toàn dứt khoát vốn phù hợp với quy định của Liên bang. Các nhà sản xuất vẫn có thể tiếp tục tự đưa ra quyết định về DRL trên phương tiện của họ".

Ảnh hưởng môi trường và hình thái

Tuỳ theo quốc gia, việc áp dụng DRL có nhiều hình thái khác nhau. Một số nước yêu cầu DRL là một đèn chiếu sáng riêng. Một số lại cho phép sử dụng đèn pha (headlamp) có sẵn trên xe, nhưng ở chế độ chiếu gần (low beam) hoặc chiếu xa (high beam) với công suất bị giảm bớt. Vài nước cho phép dùng đèn sương mù (fog lamp) mà ở Việt Nam gọi là đèn demi với chức năng tương đương DRL. Thậm chí là sử dụng đèn tín hiệu (signal lamp) ở chế độ bật liên tục (không nháy).

So sánh khi dùng đèn pha làm DRL ở hết công suất (trái) và giảm công suất (phải)

Tương tự, tuỳ theo hình thái áp dụng, mỗi kiểu DRL sẽ gây ra các ảnh hưởng khác nhau lên bản thân phương tiện tham gia giao thông. Phần lớn các ảnh hưởng liên quan tới tuổi thọ của đèn (nếu dùng luôn cả đèn pha của xe), mức tiêu hao nhiên liệu và độ an toàn khi xét tới các yếu tố khác.

Tại châu Âu, để đảm bảo các tiêu chuẩn khí thải đối với môi trường, bắt đầu từ 2011, các loại DRL ở khu vực này được khuyến khích dựa trên đèn LED vốn tiêu thụ chỉ khoảng 5W điện (do động cơ tạo ra). Các loại đèn phổ thông dựa trên dây tóc (kể cả đèn pha) vốn có công suất tới hơn 200W đều không được khuyến khích dùng làm DRL ở EU. Một yếu tố khác nữa là việc dùng DRL chuyên biệt (không dựa trên đèn pha hay đèn tín hiệu) còn góp phần làm tăng tuổi thọ cho đèn pha. Vì hầu hết mọi loại đèn đều có tuổi thọ nhất định.

Tại EU hiện nay, hầu hết DRL đều dựa trên đèn LED

Việc "đốt" liên tục cả đêm lẫn ngày sẽ làm giảm đáng kể tuổi thọ của đèn dây tóc. Tại Anh vào 2006, Bộ GTVT nước này cũng nhận thấy hệ thống DRL 42W giảm đáng kể lượng xăng tiêu thụ cũng như khí CO2 thải ra so với việc dùng đèn pha 160W có sẵn trên phương tiện.

Chuyện ở Việt Nam

Có thể thấy DRL được ra đời dựa trên điều kiện chiếu sáng của từng khu vực địa lý. Ở các nước ôn đới và hàn đới, không cần bàn cãi về lợi ích của việc bật đèn ban ngày để giảm thiểu TNGT. Song với xứ nhiệt đới có số giờ nắng nhiều như Việt Nam, ý tưởng bật đèn ban ngày để tránh TNGT dường như không hợp lý. Ngay chính tại Mỹ, quy định này cũng gặp nhiều ý kiến không đồng thuận. Nhiều người còn cảm thấy phiền phức vì bị các hệ thống DRL công suất lớn rọi sáng trực tiếp vào mặt.

Thực tế ngay tại Mỹ, những ngày nắng nhiều thì DRL... vô dụng

Trên thực tế, bật đèn ban ngày được áp dụng tuỳ theo điều kiện thời tiết ở một số nước. Ví dụ nếu trời mưa to hoặc có sương mù, hoặc khói mù do đốt rơm rạ, cháy rừng... thì việc bật đèn là cần thiết. Nhưng nếu trời sáng tỏ và tầm nhìn gần như không hạn chế thì bật hay không bật, tác dụng cũng không lớn.

Ngoài ra, xét riêng tình hình nước ta, việc người dân sử dụng đèn pha không đúng quy định khá nhiều. Rất nhiều người không phân biệt được chế độ chiếu gần và xa khi sử dụng đèn pha. Chỉ điều này cũng đã gây ra không ít TNGT hoặc thậm chí là ẩu đả giữa những người đi đường. Có thể kể ra một số vụ án chết người chỉ vì bật đèn chiếu xa rọi vào mắt, ví như vụ cầm dao đâm chết người ở Tiền Giang hôm 26/11 vừa qua cũng chỉ vì cái đèn pha.

DRL sẽ hợp lý hơn nếu hướng đèn rọi xuống mặt đất thay vì chiếu thẳng

Tuy Uỷ ban ATGT nêu ra việc bật đèn ban ngày có thể giảm 500 người chết/năm vì TNGT. Nhưng không biết Uỷ ban này đã tính tới các vụ việc bị lạc tay lái do đèn pha rọi vào mặt (đặc biệt là đèn xenon không có gương cầu) hay không?

Cũng có một số tình huống khác mà đèn pha tỏ ra "bất cập" khi dừng xe ở ngã tư. Hàng loạt phương tiện bật chế độ chiếu xa cùng chiếu về chiều ngược lại, vô hình trung khiến cho việc tham gia giao thông còn trở nên nguy hiểm hơn trước.

Thêm vào đó, các quốc gia đang hướng tới mục tiêu cắt giảm phát thải CO2 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 2 độ C vào cuối thế kỷ. Việc bật đèn pha (dây tóc) liên tục liệu có phù hợp với bối cảnh hiện nay? Ấy là chưa tính đến chi phí xử lý môi trường khi số lượng đèn pha "hết đát" gia tăng vì phải bật liên tục cả ngày lẫn đêm. Về lý thuyết người dân sẽ vứt đi những chiếc đèn quá tuổi và thay bóng đèn mới vào. Những chiếc bóng bị vứt đi sẽ được xử lý thế nào?

Tại Việt Nam, hiện đã có một số nơi độ lại đèn demi với chức năng gần giống DRL

Trong một lựa chọn "thân thiện với môi trường", các hệ thống DRL dựa trên LED có vẻ sẽ phù hợp hơn. Chúng không chỉ tiết kiệm nhiên liệu hơn mà cũng không làm giảm tuổi thọ các đèn dây tóc sẵn có. Vì dù sao, nếu chúng ta đã muốn "học theo" nước khác thì nên chọn mô hình tiên tiến nhất mà "học". Trong trường hợp này là mô hình của EU khi áp dụng DRL dạng LED.

Nên sau cùng, xét thấy có 2 câu hỏi mà Uỷ ban ATGT cần làm rõ. Một là - bật đèn xe ban ngày có thực sự cần ở Việt Nam? Lợi ích đạt được so với chi phí bỏ ra có tương xứng? Chúng có đáng để chấp nhận những rủi ro bất ổn XH khác? Hai là - trong trường hợp cần thiết, các thông tư và nghị định hướng dẫn sẽ như thế nào để "chuẩn hoá" việc bật đèn? Chúng ta sẽ áp dụng hệ thống đèn xe có sẵn hay dùng hệ thống DRL chuyên biệt? Hay cả hai? Quy định về màu sắc cũng như loại đèn nào được sử dụng? Có thể dùng đèn demi hay tín hiệu thay thế không? Chế tài xử phạt sẽ như thế nào cho từng trường hợp vi phạm?

Huyền Thế

Chủ đề khác