VnReview
Hà Nội

Bốn trụ cột của MobiFone: 1 “chống lưng” cho 3?

Hơn 2 tháng sau khi MobiFone khai trương cửa hàng bán lẻ thiết bị đầu cuối đầu tiên tại TP.HCM, tôi gõ vào "m360.vn" (website bán hàng trực tuyến thiết bị của MobiFone) mới vỡ nhẽ trang web này đã âm thầm đổi tên miền sang "odigi.com". Tuy nhiên chỉ mới "thay tên đổi họ" chứ cái ruột của trang web là hàng hóa và các tính năng thì vẫn thế.

1 làm chỗ dựa cho 3?

Bán lẻ là 1 trong số 4 trụ cột chiến lược của MobiFone, bên cạnh mảng di động cốt lõi, mảng truyền hình và đa phương tiện sẽ khai trương. Mảng bán lẻ của MobiFone được cho rằng sẽ mở ra 100 cửa hàng trong năm đầu tiên. Tuy nhiên một điều ai cũng dễ thấy rằng, số lượng là một chuyện nhưng còn chất lượng mới là thách thức lớn nhất. Sự phong phú của các mặt hàng, thương hiệu sản phẩm, cung cách bán lẻ, thái độ phục vụ.v.v… là những vấn đề hệ thống bán lẻ thiết bị đầu cuối nào cũng gặp phải không cứ riêng gì MobiFone.

Cũng sau hơn 2 tháng, ghé qua cửa hàng bán lẻ thiết bị đầu cuối đầu tiên của MobiFone số 80 Nguyễn Du (TPHCM), vẫn là một không gian đẹp và thoáng, nhưng ít hàng hóa, riêng thiết bị Samsung có lẽ phải chiếm tới 50% không gian trưng bày. Trên mỗi bàn/vùng trưng bày còn bày lẫn thương hiệu này với thương hiệu kia…

Anh lính mới tập tò vào ngành bán lẻ thiết bị đầu cuối - MobiFone đang còn rất nhiều điều phải làm để xây dựng nên hệ thống bán lẻ thuyết phục được khách hàng. Ngay lúc này đây, ở lĩnh vực này, chưa thấy MobiFone có chiêu thức gì mới. Sau một năm "ra riêng" với pháp nhân mới là Tổng công ty Viễn thông MobiFone, nhà mạng này vẫn giữ ổn định được doanh thu và lợi nhuận so với năm 2014 (doanh thu đạt 36.900/36.605 tỉ đồng; lợi nhuận đạt 7.395/7.300 tỉ đồng) là một điều rất đáng khích lệ. Nhưng nếu nhìn về kế hoạch 2016-2020 của MobiFone, cho dù doanh nghiệp này đưa ra cái đích đến đạt 100.000 tỉ đồng doanh thu sau 5 năm nữa, nhưng tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận lại cực kì thận trọng, chỉ từ 3-5% mỗi năm. Điều này cho thấy, khi phải đi vào khai phá 3 lĩnh vực mới là bán lẻ, truyền hình và đa phương tiện thì mảng di động khó tránh được phải gánh những khoản đầu tư hay thường được gọi là "lỗ trong kế hoạch" cho 3 "người anh em". Trong tình thế phải đầu tư dài hạn như vậy, giữ ổn định được lợi nhuận đã là khó.

Nhưng lĩnh vực khó nhá nhất trong những năm tới không phải là mảng bán lẻ hay đa phương tiện vốn dĩ MobiFone đã có ít nhiều kinh nghiệm liên quan, mà chính là mảng truyền hình. Thông tin MobiFone mua lại AVG đã rò rỉ cách đây vài tháng và cho đến nay nhà mạng này vẫn chưa công bố thông tin chính thức về thương vụ này được cho rằng chủ yếu vì vấn đề nhạy cảm về mức giá mua và bán. Một Viettel tiềm lực mạnh mẽ là thế mà mấy năm qua vẫn chưa chính thức khai trương được dịch vụ truyền hình cáp. Còn một AVG kinh doanh kém hiệu quả mà ai cũng biết, và thị trường truyền hình trả tiền cũng đang cạnh tranh khốc liệt như lĩnh vực thông tin di động nhiều năm về trước, nay MobiFone phải ôm vào và vực dậy bằng cách nào là cả một con đường chông gai nếu không muốn nói rằng vực sâu cũng sẽ rình rập.;

Đừng thay đổi… hào nhoáng

MobiFone lâu nay được ghi nhận về cung cách phục vụ chu đáo và làm cái gì cũng lấy tiêu chí đẳng cấp làm đầu khẳng định vị thế thương hiệu. Cũng từ triết lí này nên ghi nhận "món quà" SMAC 2015 MobiFone mang đến cho các doanh nghiệp là muốn tạo sự khác biệt và đẳng cấp với sự tham dự của nhân vật đồng sáng lập Apple – Steve Wozniak.

Tuy nhiên qua khoảng 1 giờ hỏi và đáp với Wozniak hồi đầu tháng 12/2015 trong sự kiện trên tại TPHCM, có thể nói ngoài cái danh xưng "nhà đồng sáng lập Apple" được tập trung đánh bóng, thì nội dung thông tin mang lại lại đầy thất vọng. CEO của Lazada Việt Nam - Alexandre Dardy - cho biết chỉ ngồi nghe khoảng mươi phút thấy chán quá bỏ về. Có phải MobiFone đã "vung tay" (được cho rằng lên đến hàng trăm ngàn USD) không đúng chỗ? Theo tôi hoàn toàn không! MobiFone đã hào phóng chi cho một sự kiện có ý nghĩa, vấn đề là đối tác thực hiện chưa hề có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện hội thảo/diễn thuyết cho các nhân vật nổi tiếng như PACE đã từng làm và gây tiếng vang thực sự trong cộng đồng.

Ông Lê Nam Trà – Chủ tịch MobiFone – đã khẳng định rằng năm 2015 là một năm thay đổi. Trên thực tế MobiFone đã thay đổi mạnh về cơ cấu trong năm 2015. Việc MobiFone chọn tổ chức một sự kiện như SMAC 2015 cũng là một cố gắng thay đổi và làm mới rất đáng ghi nhận. Nhưng rõ ràng khi triển khai thực hiện - đặc biệt là về nội dung - đã không đáp ứng được sự kì vọng và mong muốn. Thông tin không đi vào trọng tâm, người hỏi đã không am hiểu thị trường công nghệ, người trả lời cũng lan man. Đại loại như khi MC hỏi "Big data tại sao quan trọng? Các công ty có thể tận dụng như thế nào?" thì "nhà đồng sáng lập Apple" lại thành thực đến mức trật chìa khôi hài: "Tôi không chuyên về big data…".

Năm 2016, sự thay đổi lớn nhất của MobiFone chính là việc cổ phần hóa và hướng sang cung cấp đa dịch vụ thay vì chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông. Các đối thủ lớn của MobiFone trên thị trường là Viettel và VNPT cũng đang ra sức thay đổi để hoạt động hiệu quả hơn. Vậy thì, sự khác biệt không phải ở phạm vi thay đổi nữa mà phải là thay đổi đi vào thực chất.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác