VnReview
Hà Nội

Có dễ thu thuế của Facebook, Google, Uber…?

Nhân dịp ông CEO của Google vừa sang Việt Nam, một số doanh nghiệp nội dung số Việt, trong sự kiện tổng kết công ty, tổng kết ngành, lại "kêu" về việc Google, Facebook, Uber… không nộp thuế tại Việt Nam. Một trong những "tiếng kêu" điển hình, xuất phát từ ông Nguyễn Thanh Hưng - Giám đốc VTC Intecom, một công ty con của VTC – được trang ICTNews;dẫn lại.

Trốn thuế, hay không muốn đóng thuế?

Không đóng thuế hay không nộp thuế với hành vi trốn thuế, khác rất xa nhau. Vậy những Google, Facebook, Uber… không nộp thuế cho Việt Nam nhưng có phải là trốn thuế? Thực ra rất khó "khép" các doanh nghiệp quốc tế (DNQT) như Google, Facebook, Uber… vào tội "trốn thuế" tại Việt Nam. Đơn giản thôi: Google, Facebook chưa thành lập DN hoạt động ở Việt Nam. Trường hợp Uber, đã có pháp nhân hoạt động tại Việt Nam nhưng chỉ hoạt động về tư vấn, nghiên cứu thị trường cho công ty mẹ ở Hà Lan (chẳng khác mấy chức năng của một văn phòng đại diện).

Khách quan nhìn nhận, các DNQT trên không trốn thuế tại Việt Nam, và hệ thống pháp luật về thuế của chúng ta cũng chưa có qui định cụ thể các DNQT cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải đóng thuế như thế nào. Hơn nữa, để đi đến quyết sách về thuế trong trường hợp này còn cần phải tham chiếu luật pháp quốc tế về thuế đối với loại hình hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Bởi nếu không, việc ép các DNQT nộp thuế tại Việt Nam không khéo lại vi phạm, xung đột với các cam kết của Việt Nam đối với các cộng đồng thương mại quốc tế.

Giả thiết rằng, nếu những người Mỹ hay Việt kiều tại Mỹ trả tiền qua thẻ tín dụng để chơi game, nghe nhạc của VTC Intecom hay của VNG, thì hai DN này của Việt Nam có phải đóng thuế từ xa cho nước Mỹ hay không? Nếu nước Mỹ không thu thuế DN Việt trong trường hợp này, thì liệu Việt Nam có thể lấy được những khoản thuế thu nhập từ Google, Facebook… khi họ bán dịch vụ xuyên biên giới, hoặc chỉ thông qua các đại lí là doanh nghiệp Việt Nam?

Song nhìn từ một góc độ khác thì thấy rõ những Google, Facebook, Uber… không hề có "nhã ý" đóng góp thuế cho Việt Nam, là thị trường mà mỗi năm họ đang thu về hàng trăm triệu USD. Đơn cử năm 2014, tổng doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến trên 5.000 tỉ đồng, trong đó riêng phần doanh thu trực tiếp của Facebook và Google chiếm khoảng 75%, và họ còn thu gián tiếp qua các đại lí quảng cáo là doanh nghiệp Việt Nam, tính chung phải đến khoảng 90%. Nhưng họ không phải đóng đồng thuế nào cho Việt Nam. Điều đó cho thấy một chủ trương xuyên suốt rất rõ của những Google, Facebook hay Uber là không đóng thuế tại Việt Nam cho dù mỗi năm dần về sau họ thu nhập từ thị trường Việt ngày càng nhiều lên.

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ: "Đến nay Uber VN chỉ mới chỉ kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp về phần chi phí quản lý mà bên Uber Hà Lan trả cho họ để họ làm công việc quản lý khách hàng, giao dịch giải đáp thắc mắc của các khách hàng của Uber và thuế thu nhập cá nhân phát sinhCòn toàn bộ hoạt động vận tải do Uber Hà Lan quản lý nhưng đến nay Uber Hà Lan chưa kê khai thuế theo quy định của pháp luật VN. Cơ quan thuế đã có văn bản gửi yêu cầu Uber VN phải thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua một đại diện của Uber Hà Lan được ủy quyền tại VN. Tuy nhiên đến nay Uber chưa có hồi đáp nào".

Vậy thì đã quá rõ rồi, các "đại gia" này không muốn đóng thuế cho Việt Nam. Còn không ít những người tiêu dùng vẫn đang thích và khen Uber, Google hay Facebook… liệu có một chút ý thức công dân nào để góp sức buộc các đại gia phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ thuế đối với đất nước Việt Nam?

Làm gì để buộc đóng thuế?

Muốn buộc các DNQT kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới đóng thuế tại Việt Nam trước hết họ phải có pháp nhân hoạt động tại Việt Nam và có phát sinh doanh thu, thu nhập. 

Việc Bộ GTVT không chấp thuận Đề án thí điểm dịch vụ gọi xe theo hợp đồng điện tử của Uber gần đây với lí do chưa thành lập DN kinh doanh vận tải tại Việt Nam cho thấy một động thái buộc Uber phải đi vào quỹ đạo nếu không muốn mang tiếng là kinh doanh vận tải không phép đồng thời cũng mang tiếng là dung túng cho các chủ xe trốn thuế. Và tất nhiên, nếu Uber vẫn cứ duy trì cách hoạt động kiếm lợi nhuận chưa có sự đồng thuận về tính hợp pháp như hiện nay thì sẽ luôn phải chịu sự kiểm soát, kiểm tra, xử phạt…

Song còn trường hợp Google, Facebook…, buộc như thế nào thì đang rất cam go. Nếu Việt Nam có một nền kinh tế vị thế mạnh như Trung Quốc thì vấn đề sẽ rất đơn giản: Như Google mấy năm trước không thỏa hiệp được với chính quyền Trung Quốc, cuối cùng phải bật sới khỏi thị trường đại lục và dạt sang Hồng Kông. Và Baidu càng có cơ hội để "một mình một chợ" tại thị trường đại lục.

Các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đã từng "kêu" về sự "bất bình đẳng" vì Google, Facebook không nộp thuế từ những năm 2010-2011 và cho đến 2012 thì Google được cho là có đóng góp chút ít tiền "thuế nhà thầu" cho Việt Nam. Tuy nhiên đó cũng chỉ là trên danh nghĩa, còn trên thực tế họ ép các đại lí quảng cáo Việt Nam đóng thay, ở mức 10%. Hiểu được nỗi bức xúc này của doanh nghiệp Việt mà trong cuộc tiếp kiến CEO Google - Sundar Pichai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Google hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc tuân thủ pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động thương mại xuyên biên giới. 

Các doanh nghiệp Việt Nam đã "kêu" thì các cơ quan chức năng phải lắng nghe và tìm giải pháp giải quyết. Nhưng khách quan mà nói, cơ quan thuế của Việt Nam cũng gặp khó trong tình huống này: Còn phải tham khảo thêm xem đã có tiền lệ quốc gia nào thu thuế trong trường hợp tương tự hay chưa, có thể vận dụng như thế nào, và liệu có xung đột với các cam kết quốc tế hay không… Trong khi các DN Việt bức xúc, còn những công dân Việt thì không khỏi cảm thấy xót khi chứng kiến số tiền hàng trăm triệu USD mà Google, Facebook mang ra khỏi đất nước mình mỗi năm nhưng không đóng góp đồng thuế nào.

Cả hai CEO của Facebook và Google đều đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Họ là những tài năng trẻ tầm toàn cầu song từ cách ăn mặc đến cung cách giao tiếp khá giản dị. Nhưng còn một điều giản dị nữa, là kiếm tiền được từ thị trường nào thì nên có trách nhiệm/nghĩa vụ với thị trường đó, thì họ vẫn chưa muốn thực hiện.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác