VnReview
Hà Nội

Đằng sau cuộc đổ bộ "đông như quân Nguyên”

Trong 3 năm trở lại đây các thương hiệu điện thoại Trung Quốc dồn dập "đổ bộ" vào thị trường Việt. Trên thị trường hiện nay, ngoài Samsung, Apple và những mờ nhạt Microsoft, Sony, LG, HTC thì khó còn có thể tìm ra thêm thương hiệu smartphone nào ngoài Trung Quốc có được chút "vai vế".

"Đông như quân Nguyên"…

Chính thức trong năm 2015 thương hiệu smartphone Việt góp mặt vào thị trường chỉ có Bphone, nhưng các thương hiệu Trung Quốc và gốc Trung Quốc thì "đông như quân Nguyên" nếu so sánh về tương quan trên thị trường smartphone Việt.

Khoảng 2-3 năm trước là những OPPO, Alcatel, Philips, Huawei, Gionee, Wiko. Đến năm 2015, Honor (một thương hiệu khác thuộc Huawei) chính thức tham gia thị trường Việt với mẫu smartphone Honor 4C cấu hình mạnh giá mềm tạo sóng trên thị trường suốt nhiều tuần, tiếp đến là Coolpad, rồi Meizu…

Tháng 11/2015, Motorola lừng danh một thời được Lenovo mua lại từ tay Google cũng chính thức quay trở lại thị trường Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng. Tháng 12, tận đến những ngày cạn năm, ZTE cũng quay trở lại thị trường Việt Nam sau 3 năm im lìm. Cả chục và còn có thể nhiều hơn nữa những thương hiệu điện thoại Trung Quốc đang chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam tạo ra một sự chật chội nhất định ở phân khúc thị trường tầm trung và tầm thấp, đặc biệt ở phân khúc giá từ 2-6 triệu đồng.;

…nhưng chưa mạnh!

Thương hiệu smartphone Trung Quốc và gốc Trung Quốc tại thị trường Việt Nam đang "đông như quân Nguyên" nhưng đã mạnh hay chưa lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nếu thuần túy luận về số lượng và vị thế, thì thương hiệu smartphone Trung Quốc chưa mạnh. OPPO vào Việt Nam khoảng 3 năm nay là thương hiệu chịu đầu tư lâu dài và bài bản nhất về cả thương hiệu, marketing và kênh bán hàng. Nhờ đó sau 3 năm (2015), OPPO đã "đá văng" Nokia/Microsoft để lọt vào tốp 3 về cả số lượng máy bán ra và giá trị (theo GfK).

Nhưng ngoài OPPO thì còn khá nhiều thương hiệu Trung Quốc khác, toàn thuộc cỡ đại gia như Huawei, Lenovo, hay tầm thấp hơn một chút như Coolpad, ZTE, Philips, Alcatel…, thì chỉ ở ngoài tốp 5 hoặc thậm chí không được nêu tên trong các bảng thống kê mà được nhập chung vào nhóm "thập loại chúng sinh" không tên tuổi tại thị trường Việt là "Others".

Chỉ nói ở Việt Nam thôi chứ nếu xét ở bình diện Trung Quốc, hay Châu Á và toàn cầu thì Huawei, Lenovo, ZTE, Coolpad thuộc loại "dữ" và "khá dữ" đấy. Tại Việt Nam, smartphone Trung Quốc đông nhưng không mạnh! Hay nói thận trọng hơn là chưa mạnh. Bởi trên thực tế, bao nhiêu năm nay từ Nokia, Samsung, Sony, thậm chí đến LG, HTC vào Việt Nam "cày ải" bền bỉ nhưng có thương hiệu Trung Quốc nào thực lòng muốn đầu tư làm ăn lâu dài ngoài OPPO như đã nói? Làm gì có chuyện bỗng dưng tăng trưởng một cách thần thánh nếu không theo qui luật "tiền nào của nấy" thường là tương quan với chi phí đầu tư. Đến như Alcatel cách đây gần 2 năm ông giám đốc mới tại Việt Nam tuyên bố đầu tư hàng triệu USD làm thị trường nhưng rồi cũng im hơi lặng tiếng. Có thể thấy Huawei đang mở rộng hầu bao đầu tư làm marketing, làm thương hiệu và thị trường tại Việt Nam như chiến lược đã đề ra. Có điều, Huawei cũng nên hỏi thăm người đồng hương OPPO xem số tiền đã bỏ ra và cách tiêu tiền như thế nào cho thật hiệu quả, đặc biệt là cách làm sao xua tan được nỗi ác cảm đối với thương hiệu Trung Quốc hiện nay.

Khi Microsoft "mệt mỏi" "cầm vàng để vàng rơi" đánh mất ngôi vị thứ 3 tại thị trường Việt Nam, thì chính OPPO mới là điểm đáng lưu ý nhất trên thị trường smartphone Việt năm 2015 chứ không phải Apple hay Samsung dù rằng hai thương hiệu này đang xếp ở trên. OPPO đã "thôn tính" theo cách thông thường nhất là hất cẳng "thằng" ở trên ngay sát mình vì bị nó trực tiếp "đè đầu cưỡi cổ". Phải chăng vì thế mà OPPO chưa bước vào cuộc đấu trực diện với "Samsung chúa nhẫn" vốn hay… thù vặt? Theo giới làm và kinh doanh điện thoại, bất cứ thương hiệu nào để cho Samsung thù vặt thì không sớm thì muộn cũng gặp khó khăn ngoại trừ Apple quá thần thánh.  

Vì sao chưa mạnh?

Có ý kiến cho rằng OPPO đã tranh được vị trí của Microsoft thì về nguyên tắc cũng có thể làm "mệt mỏi" được Samsung. Về lí thuyết thì mọi khả năng đều có thể xảy ra như Nokia từng "lật đổ" Motorola và rồi Samsung đã soán ngôi Nokia. Hay tại thị trường Việt Nam từ thời xửa thời xưa cuối thế kỉ XX khi "Samsung còn là hạt bụi" thì Nokia là đá tảng, còn ngày nảy ngày nay thì tình thế đang ngược lại.

Tất nhiên lúc này Samsung đã phải dè chừng với gã OPPO lắm rồi. Nhưng cần đặt ra giả thiết: Chỉ một gã "OPPO design thanh nhã" đã hất cẳng được Microsoft mệt mỏi, còn nếu có tới vài ba gã mạnh lên được như vậy trong số "đông như quân Nguyên" tại thị trường Việt" thì sao? Thật không khó trả lời nhưng lại rất khó để trả lời chính xác!

Tình hình các thương hiệu smartphone Trung Quốc cấp tập nhảy vào thị trường Việt Nam cạnh tranh kiếm thị phần tựa như hình ảnh một đám đông vai u thịt bắp cùng xúm lại đánh một kẻ nhỏ thó khôn ngoan thụp xuống tránh đòn. Rồi hóa ra các gã vai u thịt bắp đang loạn chiêu sướng tay vã… vào nhau. Vẫn là ngoài OPPO thì chưa thấy các thương hiệu Trung Quốc nào có những đường hướng, hoặc nếu có đường hướng rồi thì lại chưa rõ về chiêu thức khác biệt trong tiếp thị, bán hàng tại thị trường Việt. Cứ hao hao nhau dựa vào yếu tố cấu hình mạnh giá rẻ, bán khuyến mãi giảm giá trên kênh online hoặc bán độc quyền khuyến mãi tại hệ thống bán lẻ nào đó. Vì thế càng đổ bộ đông vào thị trường Việt thì hóa ra các thương hiệu Trung Quốc đang choảng nhau mà không ngóc đầu lên khỏi được vũng lầy "Others". 

Tôi lại muốn đặt lại câu hỏi: Nếu trong số những thương hiệu "đông như quân Nguyên" tại thị trường Việt có đến vài ba "gã OPPO" thì sao nhỉ? Hãy coi chừng! Cơn nguy khốn sẽ đến với bất cứ một thương hiệu hùng mạnh nào khác cho dù là "Apple thần thánh" mặt lạnh hay "Samsung chúa nhẫn" hay thù vặt.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác