VnReview
Hà Nội

Năm khỉ và những thông điệp về môi trường

Chỉ còn ít ngày nữa là cả dân tộc ta lại đón Tết cổ truyền Bính Thân - tức là năm có con giáp hộ mệnh là Khỉ, nhưng là năm Khỉ lửa dỏ - Hỏa hầu. Ngọn lửa mang tới con người ánh sáng, nhiệt lượng. Lửa cũng là biểu trưng cho niềm vui, sự đam mê, sự sáng tạo, chỉ cần cẩn thận không "đùa với lửa" là có cơ hội thành công. Nhưng tiếc thay, vì lòng vị kỷ mà con người trực tiếp hoặc gián tiếp vẫn "đùa với lửa" gây ra bao tác động tới môi trường khiến con khỉ cũng phải lên tiếng...

"Con người thật ngu ngốc"

Mới đây, tổ chức phi lợi nhuận chuyên tập trung vào vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học của Pháp - Noé - đã phát hành một video clip ghi lại hình ảnh khỉ Koko dùng ngôn ngữ ký hiệu gửi thông điệp bảo vệ môi trường đến con người. Koko là một cô khỉ đột Gorilla 45 tuổi đã được huấn luyện để có thể hiểu và giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ ký hiệu. Bạn có thể xem clip này để thấy được một thông điệp đầy oán trách mà Koko gửi đi: "Con người thật ngu ngốc"!

Những người được coi là "ngu ngốc" ở Việt Nam đã hành xử với con khỉ ra sao? Ngay những ngày đầu năm dương lịch 2016 cộng đồng mạng phải đón nhận tin không vui: Chu Văn Cường, 24 tuổi, trú tại phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, đã khai nhận với cơ quan chức năng những bức ảnh giết khỉ nấu cao mà Cường đăng tải trên Facebook trước đó, là chụp khi sang chơi nhà anh Lê Bá Thuận, cách nhà Cường khoảng 300 m. Lần theo những hình ảnh đăng trên Facebook ấy, cơ quan chức năng đã tìm ra thủ phạm và phạt hành chính ông Lê Bá Thuận về việc giết khỉ trái phép để nấu cao, gần 13 triệu đồng. Còn Cường bị xử phạt hơn 5 triệu đồng về hành vi "nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép", vì nhà Cường có nuôi nhốt một vài con chim thuộc loại cấm săn bắt.

Chuyện giết khỉ nấu cao chẳng còn lạ gì với người dân vùng biển miền Trung. Người đi biển thường mắc bệnh đau xương khớp, cao khỉ được truyền tụng là một trong những loại thuốc chữa chứng bệnh này hữu hiệu. Cao khỉ còn được xem là một vị thuốc bổ toàn thân, tăng cường sinh lí cho nam giới. Hàng ngày trên các phương tiện truyền thông người ta vẫn phải nghe, phải đọc những lời quảng cáo: "Có bán cao khỉ nguyên chất, đảm bảo chất lượng. Mọi chi tiết xin liên hệ đường dây nóng..., hoặc đến ngay cửa hàng gần nhất để được hướng dẫn mua hàng và sử dụng sao cho hiệu quả...". Cao khỉ được nấu từ nguồn khỉ nuôi để làm thí nghiệm trong y học, hay bắt từ rừng về có ai rõ được nguồn gốc? Nhưng chắc chắn trong số những chú khỉ được đưa vào lò bát quái để thành cao có những chú khỉ rừng. Vì loài khỉ càng quý hiếm thì cao khỉ càng có giá trị. Giá trị y học của khỉ đã kích thích lòng tham của con người và buộc khỉ phải hiến thân cho những tay săn vốn chỉ biết kiếm lời theo kiểu tận diệt. Đã có lần cơ quan chức năng đột nhập vào một ngôi nhà đã được xác định là lò nấu cao khỉ nằm ở phía Bắc cầu sông Gianh, trên địa bàn huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông chủ lò có tên là Đ, mỗi tháng lò của ông sử dụng từ 5 - 7 tạ khỉ tươi và sản phẩm cao khỉ nhà ông tiêu thụ khắp từ Bắc chí Nam.

Ngày 6/1/2016, Tạp chí Spiegel Online của Đức đăng tải những hình ảnh giết khỉ ở Việt Nam. Tạp chí này đã cử một cộng tác viên người Việt đóng vai một khách hàng tìm nguồn cung cấp thịt khỉ cho nhà hàng ở Hà Nội. Người này đã tiếp cận nhà bếp và kho trữ của nhà hàng rồi bí mật quay được những hình ảnh khiến ai xem cũng phải bàng hoàng, kinh sợ... Con khỉ không kêu la, mà giẫy giụa mãnh liệt. Người đầu bếp dùng con dao to đập nhiều nhát vào đầu nó, rồi đổ nước sôi, vặt lông, phanh thây khỉ... Tạp chí này nhận xét:;"Việt Nam là nơi sinh sống của nhiều loài linh trưởng đặc hữu và quý hiếm bậc nhất trên thế giới. Đáng buồn thay, đây cũng là nơi mà sự tồn tại của các loài vật họ hàng gần với con người này bị đe doạ nặng nề nhất". Nguyên nhân chính của thực trạng này chính là thói quen ăn thịt khỉ của một bộ phận người dân và sự hoạt động của hệ thống nhà hàng bán thịt khỉ. Chúng sẽ được chế biến thành món ăn hoặc các vị thuốc theo kiểu truyền thống Trung Quốc. Bà chủ quán trong bài viết trên còn hồn nhiên cho biết: "có thể cung cấp hàng trăm con khỉ cho khách hàng trong ít tuần".

năm khỉ và những thông điệp về môi trường

Ở Tây phương con khỉ chỉ dùng trong các thí nghiệm trong y học, và khỉ được nuôi trong sở thú để mọi người chiêm ngưỡng. Ăn thịt khỉ chỉ có ở Trung Quốc và Việt Nam, nhất là món "não hầu" được dân chơi hai nước cho là bổ dưỡng, tăng sinh lực... Món ẩm thực này bắt nguồn từ thời các Hoàng đế Trung Hoa. Chuyện kể, trong dịp Bà Từ Hy Thái Hậu, đời nhà Thanh, đãi tiệc phái đoàn sứ thần thuộc các quốc gia Tây phương nhân dịp mừng xuân Canh Tý 1874, Từ Hy đã xuống chiếu phải bắt 200 con khỉ tơ, chưa thay lông lần nào, ai bắt được 1 con được thưởng 10 lượng vàng. Thấy số lượng này quá nhiều, thợ săn không thể đáp ứng đủ, sau Từ Hy giảm bớt xuống còn 80 con, để đáp ứng 5 thực khách ăn một con. Khỉ mang về được nuôi bằng thức ăn tinh khiết, bổ dưỡng. Từ Hy còn cho đóng 80 cái hộp tròn, một mặt hộp có khoét lỗ tròn vừa đủ diện tích cho đầu khỉ ló lên, kèm theo một cái gông làm cho con khỉ không thể cựa quậy được. Trước khi ăn, bầy khỉ được uống một loại thuốc để tất cả năng lực, tinh túy con khỉ tập trung lên não, óc khỉ vì thế sẽ tăng chất bổ lên nhiều lần. Khi tiếng khánh ngọc từ tay Từ Hy nổi lên, những thị nữ dọn ra mỗi bàn một cái lồng chứa khỉ cho 5 thực khách, rồi thị nữ một tay dùng búa bằng ngà giáng xuống đầu khỉ. Sau đó thị nữ dùng một tấm lụa bạch đậy kín đầu khỉ, chỉ chừa một lỗ thật nhỏ đủ đưa cái thìa bạc vào để khách múc khối óc khỉ mà ăn một cách ngon lành. Con người thật thông minh, nhưng cũng có những người hoang thú, nghĩ ra những món ăn, cách ăn "dã man" như thế đấy!

"Hãy sữa chữa lỗi lầm"

Clip khỉ Koko bằng ký hiệu gửi thông điệp tới con người, trước hết muốn nói rằng, cô không chỉ là một con khỉ đột mà còn là đại diện cho cây cối, động vật, cô thuộc về thiên nhiên. "Koko yêu loài người. Koko yêu trái đất. Nhưng con người thật ngu ngốc! Koko xin lỗi. Koko khóc.Thời gian gấp gáp rồi. Hãy sữa chữa lỗi lầm và khắc phục những hậu quả mà con người gây ra cho trái đất. Hãy cứu lấy trái đất. Hãy nhanh tay lên. Thiên nhiên đang nhìn các bạn".

Thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam rừng vàng, biển bạc. Trước đây phần lớn đất nước Việt Nam có rừng che phủ, nhưng chỉ khoảng một thế kỷ qua, rừng bị suy thoái nặng nề. Ba mươi năm chiến tranh hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ cùng 13 triệu tấn bom đạn với hơn 25 triệu hố bom đạn, bom cháy cùng với đội xe ủi đất khổng lồ đã tiêu hủy hơn 2 triệu ha rừng nhiệt đới các loại. Qua quá trình quản lý chưa bền vững, độ che phủ của rừng ở Việt Nam đã giảm sút đến mức báo động. Diện tích rừng tăng chủ yếu là rừng tái sinh, rừng trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Trong khi đó, rừng già, rừng nguyên sinh, thậm chí vườn quốc gia cũng bị ngang nhiên chặt phá. Hàng loạt vụ chặt phá rừng đã bị bắt và khởi tố, như vụ bắt giám đốc Công ty TNHH Đại Nam - Kontum trong vụ án phá rừng ở vườn quốc gia Kon Ka Kinh; rồi khởi tố vụ phá rừng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Lâm tặc đã vào khu vực rừng cấm của Vườn quốc gia Bến En, Thanh Hóa, chặt phá, triệt hạ nhiều cây gỗ quý có độ tuổi hàng trăm năm, như lim, sến, săng lẻ... Vườn quốc gia Cát Tiên ở khu vực rừng Cát Lộc, Lâm Đồng cũng thường xuyên diễn ra tình trạng đốt rừng làm nương rẫy... Diện tích rừng vùng đệm xung quanh rừng lõi Cát Lộc đã bị đốt phá trên 11ha, riêng rừng lõi tại Cát Lộc đã bị người dân đốt phá khoảng 5ha. Tình trạng phê duyệt dự án thủy điện bừa bãi, không có phương án trồng rừng thay thế là nguyên nhân khiến hơn 20.000ha rừng bị chuyển đổi làm thủy điện mà chỉ có 735ha rừng được trồng lại.

Rừng nước ta, nơi sinh sống của một số loài động vật đặc hữu và những loài mang tính chất tổng hợp của hệ động vật miền nam Trung Hoa, Ấn Ðộ, Mã Lai, Miến Ðiện. Chỉ riêng khỉ Việt Nam có 15 loài, đơn cử như: Khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, khỉ vàng... Trừ khỉ vàng, còn 4 loài trên được Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp. Theo Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), "gần 90% trong số 25 loài loài linh trưởng ở Việt Nam đang bị đe dọa. Đây là tỉ lệ cao hàng đầu thế giới. Trong số này, có 5 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng gồm: voọc Cát Bà, voọc mông trắng, voọc mũi hếch, chà vá chân xám". Nếu không có những biện pháp bảo vệ, trong tương lai không xa, rất có thể người Việt Nam chỉ còn được chiêm ngưỡng những loài linh trưởng đặc hữu của đất nước mình qua những cái xác nhồi bông khô héo trong viện bảo tàng.

Ông Vương Tiến Mạnh, chuyên gia của Văn phòng Việt Nam về Công ước thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã có lần lên tiếng: "Hiện ở Việt Nam, mới chỉ phát hiện chà vá chân xám. Đây là một loài hiếm, phân bố hẹp và có giá trị khoa học lớn. Loài cần được bảo vệ bởi số lượng của chúng liên tục giảm kể từ năm 1995 do nạn phá rừng". Tháng11/2015, các chuyên gia linh trưởng trên thế giới đã công bố Danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất toàn cầu giai đoạn 2014-2016, trong đó có ba loài ở Việt Nam. Linh trưởng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng một phần do chúng mất dần sinh cảnh sống, một số loài thực vật là nguồn thức ăn yêu thích của chúng biến mất. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là nạn săn bắt của con người đã đẩy số phận các loài khỉ, trong đó có linh trưởng Việt Nam đến bờ vực tuyệt diệt.

Cuốn tiểu thuyết "Hành tinh khỉ" do Pierre Boulle, người Pháp xuất bản lần đầu vào năm 1963 thức dậy trong tôi khi viết về năm Bính Thân: "Ở hành tinh Cô Em, loài người đã không ý thức được mình, để cho những thuộc tính xấu trỗi dậy, như sự lười nhác, quen hưởng thụ, bỏ mặc đồng loại, sống ích kỷ. Vì thế, một xã hội văn minh đã được xây dựng ngàn đời bị tiêu diệt. Họ vẫn là hình hài con người nhưng mọi hành động và suy nghĩ không hơn con vật là bao nhiêu. Những con khỉ trước kia vốn chịu sự chỉ đạo của con người thì nay chúng lại là chủ nhân của một xã hội văn minh, chi phối cuộc sống con người, do giống khỉ ham bắt chước, chịu động não. Con người đang sống trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, nhưng cứ 3 phút có một vụ tự tử, 1 phút rưỡi lại có một vụ ly hôn, rồi chiến tranh liên miên xảy ra ở nhiều nơi... Cương quyết chống lại mọi tư tưởng, hành động trái với bản chất con người, đó mới là thuộc tính tốt đẹp của con người. Con người ngày càng hoàn thiện những thuộc tính đó thì trái đất này mới giữ được màu xanh, con người mới đúng là "người" nhất". Tác phẩm đã cảnh tỉnh con người bằng một câu chuyện mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc như thế.

Để Việt Nam luôn là một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, hãy "sửa chữa lỗi lầm" mà những "người ngu ngốc" đã gây nên bằng các biện pháp quản lý chặt chẽ, bằng các hình thức chế tài mạnh mẽ hơn của Nhà nước. Với mỗi người, cần phải nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ các loài thú quí hiếm. Với những người làm khoa học, hãy nghiên cứu sâu hơn, có những kết quả thiết thực hơn trong việc bảo tồn sinh vật, môi trường. Có thể nói, năm Bính Thân 2016 là năm của cơ hội và vươn lên! Bởi vì khỉ cũng có nghĩa là khởi! Với năng lượng nhiệt tình của khỉ, bất cứ điều gì khó khăn, bế tắc sẽ có cơ thành công với rủi ro tối thiểu. Đó là niềm hy vọng cũng là lời chúc nhân Tết đến Xuân về với những người làm khoa học trong mọi lĩnh vực.

                                                                                                             Đ.Ngọc

Chủ đề khác