VnReview
Hà Nội

Đầu xuân, chiêm bái “những pho sử đá” ở Văn Miếu

Đi lễ Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày đầu Xuân đã trở thành phong tục mới bắt đầu từ khoảng năm 2000 của người Thủ đô. Trong hơn 15 nghìn người tới lễ Văn Miếu tết Bính Thân năm nay, hẳn là người già thì cầu mong điều tốt lành, sức khỏe, người trẻ thì xin chữ, ước vọng một năm mới sự nghiệp thành công, thi cử đỗ đạt. Đứng trước nhà bia Tiến sĩ Văn Miếu, ngoài cầu mong có sức khỏe, còn trí lực, tôi suy nghĩ tản mạn về "kẻ sĩ" thời xưa và "trí thức Việt" thời nay...;

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của Thủ đô, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. 82 tấm bia được dựng từ năm 1484 đến năm 1780, khắc các bài văn bia đề danh Tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 đến năm 1779, được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức thế giới vào ngày 9/3/2010. Bia Tiến sĩ Văn Miếu với nội dung hàm ý sâu sắc, đó thật sự là tài sản quý giá của lịch sử nước nhà và của thế giới.

Bia không chỉ để  lưu danh mà là "những pho sử đá"

Văn bia đầu tiên năm 1484 viết: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết. Vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, được quý chuộng không biết dường nào, đã được đề cao bởi khoa danh, lại được ban trọng tước trật. Ơn ban đã nhiều mà vẫn coi là chưa đủ. Lại nêu tên ở Tháp Nhạn, ban danh hiệu Long Hổ để ngợi khen. Báo tin mở tiệc, triều đình mừng được người tài, không việc gì không làm hết mức.

Ôi! kẻ sĩ ở chốn trường ốc lều tranh, danh phận thật là nhỏ mọn mà được triều đình đề cao hết mực như thế, thì người mang danh kẻ sĩ phải trọng thân danh mình mà lo báo đáp, phải nên thế nào?

...Hãy đem họ tên những người đỗ khoa này mà điểm lại, thì thấy nhiều người đã đem tài năng văn học, chính sự để tô điểm cho nền trị bình, mấy chục năm qua được quốc gia trọng dụng. Cũng không phải là không có kẻ vì tham lam hối lộ mà hư hỏng hoặc rơi xuống hạng gian tà, có lẽ vì lúc sống bọn họ chưa được nhìn thấy tấm bia này".

Văn bia khoa thi 1478 thì viết: "Nếu kẻ nào nhờ vào việc thi đỗ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người béo mình, kẻ này hãm hại người thiện, bè đảng với lũ gian, nhơ nhuốc cho khoa mục".

Lời lẽ nghiêm khắc, câu từ sắc như kiếm, ý tứ thâm thúy của người xưa khiến cho trí thức nói riêng và người đời ngày nay, đọc lên mà thấy kinh ngạc, bái phục. Những đoạn văn xúc tích đầy hình ảnh, như "làm gầy người béo mình", "gian tà mà hèn nhát", "quỳ gối uốn mình", "tô vẽ giả dối", "ngọc vết khó giấu", "đá vết khó mài", đã răn dạy các tiến sĩ muôn đời rằng, tài phải đi liền với đức, cốt yếu phải giữ được tấm lòng thanh liêm trong sạch, vì bia đá còn lưu mãi đó…

Văn bia khoa thi 1733 còn viết: "Kẻ sĩ ở đời này, thấm nhuần ơn huệ, mang đội nhân sâu, vậy báo đáp phải nên thế nào? Ắt phải có chí khí tiết tháo ngọc vàng, tấm lòng trung trinh sắt đá, phải luôn trau chuốt cho trong sạch sáng quang, rèn giũa tiết hạnh, thề giữ đức trong trắng tứ tri, theo đúng đạo thận cần tam pháp, lấy chính trực trung hậu mà đứng giữa triều đình, lấy đạo đức nhân nghĩa phò tá chinh sự, làm đá tảng cột trụ ở chốn miếu đường, đưa quốc gia đến chỗ vững yên, như Thái Sơn bàn thạch, ngõ hầu không phục với sở học, không thẹn với khoa danh, mà họ tên khắc trên đá cứng có thể trường tồn không nát vậy"; "...Một khi đã khắc tên lên tấm đá này người đời sau đến xem sẽ chỉ tên và bảo nhau: người này được, người kia hỏng; người này hay, người kia dở; nhờ đó mà kẻ thiện biết tự khuyến khích, kẻ ác biết tự răn đe. Thế thì tấm đá này dựng lên, há chỉ chuộng hư danh làm cho đẹp mắt mà thôi đâu! Ý nghĩa sâu xa của sự khuyến khích răn đe chính gửi ở trong đó".

Theo ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Văn Miếu, 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ là những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Nội dung mỗi tấm bia như là một câu chuyện có mở đầu có kết thúc. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực thể hiện rõ quan điểm tư tưởng về triết học, sử học, về giáo dục đào tạo và sử dụng nhân tài.

Soi cho thời nay để rèn khí phách sáng tạo, đạo đức khoa học

Tới khu bia đá ở Văn Miếu chúng ta có thể tìm thấy tên tuổi của nhiều danh nhân như: nhà bác học Lê Quý Đôn; nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ khoa 1775,  đã giúp vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa. Thời Lê rất trọng dụng nhân tài, coi "nhân tài là nguyên khí quốc gia", là nguồn gốc sự hưng thịnh của đất nước. Tấm bia năm 1448 lại nhắc "Nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn" và "Phải có đào tạo sau mới có nhân tài". Nhiều tấm bia sau cũng nhắc đi nhắc lại ý "nhân tài là nguyên khí quốc gia". Bia các năm sau còn nhấn thêm ý "phải vun trồng, bồi dưỡng nhân tài".

Ta biết rằng trong xã hội thời xưa, kẻ sĩ được xếp vào hàng đầu, không những về địa vị ưu tiên - "nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương", mà nhất là vai trò quan trọng trong xã hội của kẻ sĩ - quan trọng không phải là tài cán quân sự, tổ chức kinh tế hay xã hội, mà là nêu gương đạo đức cho quần chúng. Có người dựa trên hệ thống giá trị thực tiễn ngày nay, cho rằng vai trò đạo đức, luân lý không quan trọng so với những kiến thức khoa học, kinh tế, xã hội cần phải có để lãnh đạo quần chúng. Trong bất cứ thời nào, xã hội nào, người trí thức thời xưa cũng như thời nay, đều đóng một vai trò quan trọng, và tùy theo quan niệm của xã hội thời đó mà đặc tính của người trí thức có khác nhau. Kẻ sĩ là người không chịu khuất phục. Chí khí ấy được rèn luyện, nuôi dưỡng hằng ngày và được chứng tỏ bao lần trong lịch sử chống ngoại xâm cường bạo. Kẻ sĩ đương nhiên phải là nhà ái quốc như các cụ Phan Đình Phùng, Phan Sào Nam…

Tuy chú trọng trước tiên là đức độ, nhưng kẻ sĩ cũng không quên trau dồi trí độ, vì kẻ sĩ là "người cầu tiến". Muốn hành động một cách dũng cảm, cần phải chắc chắn trong sự hiểu biết và phán đoán của mình. Muốn được vậy, cần phải suy nghĩ thấu đáo trước sau. Rèn luyện trí óc để biết đúng mà dấn thân không sai lạc và có hiệu quả. Kẻ sĩ một khi đã thấy rõ con đường do trí tuệ soi sáng, thì không còn do dự gì nữa, chỉ một mực tiến lên con đường mà họ đã chọn.

"Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã". Có trí tuệ mà không có dũng cảm, thấy việc phải mà không làm là không tốt. Có trí tuệ, dũng cảm mà không có lòng nhân, thì trong hành động sẽ đưa đến cường bạo, vì quên lấy con người làm gốc. Lý tưởng của kẻ sĩ thời xưa không phải chỉ rèn luyện bản thân mình, mà chính còn là dấn thân để cải tạo xã hội, xây dựng quốc gia phú cường, "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Có thể nói kẻ sĩ là người kiểu mẫu trong bất cứ xã hội nào lấy đạo đức làm nền tảng và lấy hoà hợp lòng người làm cái đích cuối cùng.

Nhưng "trí thức" ngày nay khác với "kẻ sĩ " ở một điểm, là "trí" được xếp hàng đầu - kiến thức khoa học được đặt trước tiên, thay vì sự rèn luyện đạo đức, "tiên học lễ, hậu học văn" xưa kia. Mẫu người lý tưởng theo quan niệm ngày nay: trí thức, trước tiên phải có kiến thức rộng. Nhưng một người dù có kiến thức sâu rộng, mà chỉ im lặng, chỉ giữ hiểu biết ấy cho riêng mình, không có can đảm, hoặc không đủ nghị lực để nói ra, thì người ấy chưa xứng đáng là người "trí". Họ chỉ đúng với từ "tri", là "người có hiểu biết mà thôi. Ở nước ta hiện nay, người có bằng cấp cao không thiếu gì, nhưng họ không phải là người trí thức, vì người đó có thể "thông thiên văn, tường địa lý" nhưng nghèo nàn về tâm, đức; người ta có thể biết rộng hiểu xa, có thể giác ngộ được mình, nhưng không có can đảm hoặc nghị lực để nói lên sự thực mà mình biết, để chỉ dẫn đúng đường cho quần chúng, nhằm mang lại ích lợi chung.

Những người tự nhận mình là "trí thức" thường mắc một số căn bệnh, khiến từ "trí thức" bị mang nghĩa xấu, là: thừa lý thuyết thiếu thực hành, thừa học vấn thiếu trách nhiệm, tự cao tự đại. Câu ca dao xưa: "Ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm" có lẽ cũng bắt trúng mạch một căn bệnh của trí thức. Các nhà lãnh đạo của một đất nước thường phải là những trí thức thực sự.

So với nền Nho học thời xưa, việc đào tạo thời nay có những điểm giống và khác căn bản. Sự học xưa, trước hết là để tự tu, tự tỉnh, để rèn luyện liêm sỉ, biết xấu hổ và tiết độ dục vọng. Đào tạo thời nay về cơ bản là truyền tải kiến thức. Kiến thức được ghi nhận bởi mảnh bằng - một điều kiện tiến thân cho người muốn thử vận may trên đường làm quan. Sự học để lấy bằng đang kéo theo khá nhiều hệ luỵ: Chạy theo bằng cấp, người ta không coi việc học là sự rèn luyện suốt đời, người có chút văn bằng tự huyễn mình là có tri thức; Kiểu học "tầm chương trích cú" vẫn còn mà thiếu sự khuyến khích sáng tạo, "phá cách" của học sinh. Việc tôi rèn dũng khí, so với cái đích tự tu, tự tỉnh của Nho học xưa, thì nay còn kém xa. Các trường hiện nay chỉ chú trọng đào luyện sự trung thành, mà it rèn luyện sự trung thực và liêm sỉ.

Với nghiên cứu khoa học, chuẩn mực đạo đức không phải là luật pháp, mà là những qui ước hay điều lệ về hành xử được các thành viên trong ngành nghề chuyên môn. Nội hàm của từ "hành xử" bao gồm các lĩnh vực chuyên biệt như thí nghiệm, xét nghiệm, giảng dạy và huấn luyện, phân tích dữ liệu, quản lí dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, xuất bản ấn phẩm, trình bày công trình nghiên cứu trước công chúng, và quản lí tài chính...

Sứ mệnh của khoa học là khai hóa và phát triển tri thức. Tri thức phải dựa vào sự thật. Nhà khoa học phải tuyệt đối thành thật với những gì mình quan sát hay nhận xét. Nhà khoa học không được gian lận trong nghiên cứu, không giả tạo, thay đổi dữ liệu, và không lừa gạt đồng nghiệp...

Hiện nay, trong bối cảnh nước ta đang tăng cường chống tham nhũng, kể cả tham nhũng trong khoa học, vì thế vấn đề truyền đạt các chuẩn mực đạo đức khoa học trong các trường đại học lại càng trở nên cấp thiết hơn.

Bia Tiến sĩ có tác động xã hội to lớn đối với người đương thời và hậu thế. Qua đó, ta thấy những lời cảnh báo, răn dạy nghiêm khắc về sự tha hóa của các bậc đỗ đạt làm quan, của những người có quyền có chức, đã sử dụng tài nguyên đất nước, sử dụng tài nguyên con người, nhưng lại cho mục đích tư lợi… Soi chiếu những lời trên với thực trạng thời nay, những ai đang ở trong vòng xoáy danh vọng, có thể giật mình nhìn lại. Chúng ta hãy coi lời người xưa như những triết lý nhân sinh, phát huy những mặt tích cực trong đời sống hiện nay, âu cũng là cách "đền ơn, đáp nghĩa" thiết thực nhất với tiền nhân.

                                                                                                    Đ.Ngọc

Chủ đề khác