VnReview
Hà Nội

Windows Phone - phận bé hơn hạt cát

Mấy năm âm thầm đầu tư, vỗ về Nokia để cho ra mắt dòng smartphone "hồn Microsoft, da Nokia" Lumia, cho đến khi chính thức hoàn tất thủ tục mua bán sáp nhập vào năm 2014, nhánh smartphone của Microsoft dường như chưa bao giờ thực sự có một ngày được nếm vị ngọt thắng lợi trên thị trường?

Trong thương vụ Microsoft mua mảng sản xuất điện thoại của Nokia người ta hay nhắc đến Stephen Elop – "kẻ đập phá" đế chế Nokia khiến cho bao fans của thương hiệu này đau lòng khóc ròng. Nhưng dư luận thế e rằng oan cho vị phó chủ tịch phụ trách mảng thiết bị - dịch vụ của Microsoft. Việc Elop làm, đã được hội đồng lãnh đạo của Microsoft quyết. Hơn nữa khi Nokia đã cầm 7,2 tỉ USD gồm cả tiền tươi và cổ phiếu, thân mình đã bán thì còn vương vấn gì nhà nát vườn tơi tả.

Người phải đứng mũi chịu sào chính cho thương vụ Microsoft mua Nokia là CEO Steve Ballmer kia. Sự kì vọng lớn lao về thương vụ này cũng xuất phát từ ông. Cho đến khi Steve Ballmer về hưu, thiên hạ đã cảm nhận được sự bất lực của Windows Phone trên thị trường; và những ngày tàn của nó đang bắt đầu. Và tất nhiên theo đó, khoản đầu tư trị giá 7,2 tỉ USD và hơn thế nữa cũng dần teo tóp mất đi giá trị thực của nó.

Đến mức mà hãng nghiên cứu thị trường của Mỹ là Gartner phải "chốt" nên một nhận định thế này thì thê thảm rồi: "Microsoft gần như mất tích trên thị trường smartphone". Tất nhiên là có căn cứ hẳn hoi. Là đây: Quý IV/2014 Microsoft chiếm 2,8% thị phần smartphone toàn cầu khi bán được 10 triệu máy, đến quý IV/2015 doanh số chỉ còn 4,4 triệu máy tương ứng 1,1% thị phần. Đành rằng làm ăn kinh doanh thì có thành có bại, lúc thế này lúc thế khác, nhưng không lẽ Microsoft không thấy được rằng Windows Phone quá khó thuyết phục khách hàng, hoặc là do quá tự tin vào một "đế chế" phần mềm vượt thời gian?

Chả cần check đâu xa mà chỉ cần hỏi thử vài người đã từng dùng Windows Phone. Là "đã từng" nhé. Có nghĩa là giờ đây họ không dùng nữa mà chuyển sang iOS hoặc Android rồi. Cảm nhận của họ, phát ngôn của họ, chính là đường dẫn đến các kết quả nghiên cứu thị trường như của Gartner. Trên thực tế, đâu đó từ giữa năm 2013 đến 2014, cũng đã có những ngày tháng lạc quan với Windows Phone. Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang". Từ 1,1% thị phần đang gần như mất hút trên thị trường, cho đến điểm mút mất hút kia không quá xa.  

Bạn là người dùng smartphone, bạn có thực sự muốn thị trường chỉ còn lại cỗ xe song mã chứ không phải tam mã? Chú ngựa Windows Phone xem ra sắp ngã quỵ mà chưa thấy con đường sáng. Đốt tiền như các CEO tư bản nhiều khi lại được nổi tiếng và có thất bại (như rất nhiều thương vụ mua bán sáp nhập mà thương vụ Microsoft mua Nokia là một điển hình) cũng chẳng bị hình sự hóa như ở Việt Nam. Ở đất Việt, 7,2 tỉ USD sẽ được tính ra bao nhiêu VNĐ, chia thành bao nhiêu tháng lương của bao nhiêu người lao động, tính ra là bao nhiêu bữa ăn công nhân còm cõi, nếu dính tới tiền nhà nước thì nguy cơ bị hình sự càng cao, song chỉ ở công ty cổ phần tư nhân hoàn toàn cũng không hẳn thoát được lao lí. Cứ nhìn "tấm gương" của các CEO, Chủ tịch HĐQT các ngân hàng cổ phần thương mại tư nhân thì rõ.

Cho dù không thích dùng Windows Phone nhưng tôi thực sự không muốn một ngày nào đó Windows Phone bị tuyệt diệt trên thị trường. Chỉ một nền tảng độc chiếm thì dẫn đến độc quyền cung cấp sản phẩm nhưng với hai nền tảng thì người dùng cũng không có nhiều lựa chọn và tính phụ thuộc vẫn nặng nề. Không phủ nhận một phần người dùng lao vào iOS hay Android cũng có chút tính trào lưu nhưng sòng phẳng mà nói, kẻ tạo ra được trào lưu là kẻ giỏi. Còn nói đến những ưu điểm của iOS và Android cuốn hút được người dùng thì không phải bàn nữa. Vấn đề của Windows Phone là nằm ở nền tảng hay kinh doanh. Nếu là vấn đề nền tảng thì quả là không dễ thay đổi vì "con hát mẹ khen hay" thì không lí gì Microsoft "hát" mà Microsoft chê dở được.

Nhưng thực tế thị trường đã chứng minh rồi, không thay đổi nền tảng thì có thể sẽ không tồn tại và phát triển được. Nokia đã từng khư khư với nền tảng Symbian cho smartphone thuở sơ khai rồi đi đến bán mình khi nền tảng iOS và Android mới thực sự tạo ra thời đại smartphone. Windows Phone rõ ràng không phải loại "smart cùi bắp" như Synbian rồi nhưng câu chuyện thị trường luôn tồn tại là "tốt chưa chắc đã là mốt", chưa chắc đã được chuộng và cuốn hút được người dùng.

Ngay cả "Nokia khốn khổ" cuối năm 2014 gượng dậy cho ra máy tính bảng Nokia N1 cũng chọn nền tảng Android chứ không phải Windows. Windows Phone đang bé hơn hạt cát vì thế cần càng nhiều hãng sản xuất thiết bị đầu cuối ứng dụng vào sản phẩm của mình càng tốt. Như thế mới có cơ đứng vững trước những iOS, Android hùng mạnh.

Nhưng xem ra Microsoft càng ngày càng cô đơn với Windows Phone. Một khi kẻ bán mình Nokia kia đã không ứng dụng Windows vào máy tính bảng, thì những tuyên bố hùng hồn từ CEO của hãng này ngay tại MWC 2016 rằng sẽ quay trở lại thị trường điện thoại di động cũng không cho thấy có chỉ dấu hứa hẹn gì là Nokia sẽ sát cánh với "kẻ cứu rỗi" mình bằng các sản phẩm Windows Phone.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác