VnReview
Hà Nội

Ai bỏ ra cả chục triệu đồng chỉ để chọn điện thoại có pin “trâu”?

Trên Fanpage của ASUS Vietnam vừa xảy ra một "sự cố" mà có lẽ đối với doanh nghiệp này được cho là nhỏ thôi vì sau khi họ chỉnh lại dòng status thì coi như qua chuyện. Tuy nhiên xét ở góc độ truyền thông định hướng tiêu dùng, thì lại có vẻ quan trọng. Bởi nó có thể biến những người tiêu dùng thông minh thành những "người tiêu dùng gà công nghiệp" nghe sao theo vậy.

"Thường bạn phải bỏ ra 16-17 triệu đồng, hay thậm chí hơn 20 triệu cho 2500-3000mAh pin nhưng ZenFone Max có tới 5000mAh pin chỉ với 4,5 triệu đồng". Đây là câu viết đánh giá, hay chính xác hơn là bài quảng cáo của phía ASUS Vietnam thuê một diễn đàn khoác giúp cái áo "đánh giá" và đăng. Ừ thì chuyện cũng bình thường thôi, ASUS cần PR sản phẩm còn diễn đàn kia thì phải sống. Và khi đã bắt tay rồi thì cần có một cái tên A, B, C… gì đó đứng ra làm "chuyên gia đánh giá".

Nhưng nếu trách "chuyên gia đánh giá" một thì phải trách cái ngôn từ truyền thông kia đến mười. Ai cũng biết ZenFone Max có pin xếp vào loại được xem là "khủng" (thường pin smartphone từ 4.000mAh trở lên, đằng này dung lượng pin của ZenFoneMax lên tới 5.000mAh). Chọn yếu tố pin "khủng", pin "trâu" để truyền thông, OK thôi, xứng đáng mà. Nhưng chết là ở chỗ cái cách so sánh, với lối lập luận hời hợt nói như đúng rồi: "Thường bạn phải bỏ ra 16-17 triệu đồng, hay thậm chí hơn 20 triệu cho 2500-3000mAh pin nhưng ZenFone Max có tới 5000mAh pin chỉ với 4,5 triệu đồng".

Có ai dại đã "bỏ ra 16-17 triệu đồng, hay thậm chí hơn 20 triệu cho 2500-3000mAh pin" thì giơ tay nhé. Cả chiếc điện thoại thì pin là linh hồn là thượng đế rồi người ta mới phải coi trọng nó đến vậy. Thì nay, ASUS tôi đưa ra pin tới 5.000mAh mà giá chỉ 4,5 triệu đồng. Thật là một lối ngôn từ PR ngô nghê "hồn nhiên như cô tiên". Ai cũng biết mà, một chiếc smartphone có mức giá như thế nào luôn được đong đếm với cấu hình, đặc biệt là các công nghệ, giải pháp ứng dụng mới đưa vào. Các hãng, các nhà phân phối và bán lẻ có thể chia ra các phân khúc: theo giá, theo kích cỡ màn hình, theo độ phân giải máy ảnh (xu thế về sau)…, nhưng cách xét và so sánh, đánh giá dựa theo tiêu chí tỉ lệ dung lượng pin/giá thì mới thấy lần đầu. Ừ thì cũng cố tìm ra điểm mạnh, khác biệt, chỉ mình có và chỉ mình vượt trội để PR. Anh "chuyên gia đánh giá" thì cho rằng nói đùa, nhưng rồi Fanpage của ASUS Vietnam đưa lên trở thành nói thật. Dân tình nhảy vào "còm" và "ném đá" cách so sánh đó. ASUS Vietnam phải sửa lại status.

Vâng "đùa" đấy thôi, đọc qua một số bài truyền thông ZenFone Max đăng trên các trang diễn đàn và công nghệ thì rõ.

Tiêu điểm truyền thông này nếu không khéo (thì đã triển khai không khéo rồi đó thôi) thì trở thành cực đoan và phản tác dụng. Người ta bỏ ra 16-17 hay thậm chí hơn 20 triệu đồng có phải chỉ để mua cục pin hay đặt yếu tố pin là hàng đầu? Chả phải hiếm gì, với nhiều người dùng smartphone tại Việt Nam, thương hiệu mới là số 1 (vì thế mà lắm người bỏ ra mười mấy hai mươi triệu đồng mua iPhone chỉ để thoại, nhắn tin, chat, chụp hình post lên Facebook), tiếp đến là hình thức thiết kế, cấu hình, máy ảnh.v.v… Yếu tố "pin trâu", "pin khủng" dần dần được chú trọng khi người dùng phải đối mặt với nhiều tình huống hết pin giữa chừng hoặc pin nhanh hết. Nhưng lựa chọn này thường nằm ở những phân khúc tầm trung và tầm thấp hơn là ở phân khúc smartphone cao cấp, hạng sang. Giả thiết rằng, ngay cả khi dùng chiếc smartphone có dung lượng pin lên đến 10.000mAh thì vẫn bị đứt pin giữa chừng nếu chúng ta không thận trọng sạc dự phòng khi nó sắp cạn.

Pin dùng được lâu là một lợi thế, nhưng lợi thế này không còn quan trọng như trước đây (và ngược lại người dùng cũng không phải lo pin nhanh hết như trước nữa) sau khi các hãng liên tục tung ra công nghệ sạc nhanh. Và trong Mobile World Congress 2016 tại Barcelona có hãng đã công bố công nghệ sạc nhanh sạc đầy pin chỉ trong vòng 15 phút.

Vâng, người ta sẽ bỏ ra 16-17 hay hơn 20 triệu đồng để mua những mẫu máy flagship có nhiều công nghệ mới, thiết kế đẹp, máy ảnh chất lượng, công nghệ sạc nhanh hơn, chứ không phải chỉ chăm chắm vào cục pin "khủng", pin "trâu" đâu.

Cũng dễ hiểu thôi, các hãng có quyền truyền thông theo hướng có lợi nhất cho sản phẩm của mình. Nhưng câu hỏi tiếp theo phải đặt ra ở đây là: Vậy ai sẽ là người đứng ra giúp cho người tiêu dùng hiểu đúng, hiểu đủ về sản phẩm đó nhằm đưa ra quyết định chọn lựa phù hợp nhất?

Còn ai nữa nếu không phải là giới truyền thông đặc biệt là các trang/mục tư vấn với những bài "đánh giá…", "trên tay…" trên mạng? Truyền thông chỉ thuần túy là ngôn từ phải không? Ừ…, thì đúng một nửa. Nhưng sử dụng ngôn từ như thế nào, để cho người đọc (người tiêu dùng) hiểu đúng hiểu đủ được hay không và nhằm có lợi cho ai, thì lại cần đến cái tâm nhiều hơn.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác