VnReview
Hà Nội

Bản quyền kỹ thuật số đang chơi theo luật của ai?

Vụ việc Đài truyền hình quốc gia VTV nhiều lần sử dụng nội dung video của một dân chơi flycam nghiệp dư Bùi Minh Tuấn không phép dẫn đến bị đóng cửa kênh YouTube chính thức tiếp tục gây tranh cãi, từ giữa hai phe ủng hộ VTV và ủng hộ Bùi Minh Tuấn cho đến băn khoăn việc làm của VTV có vi phạm pháp luật hay không?

Tóm tắt vụ việc

Nhiều thông tin nói VTV đã vi phạm bản quyền không dưới 20 lần từ video clip thuộc sở hữu của anh Bùi Minh Tuấn, có nick YouTube là Yamaha Trung Tá. Tuy nhiên, trên trang web của mình, anh Tuấn liệt kê chính thức 11 trường hợp, bắt đầu từ ngày 30/3/2015 đến ngày 12/2/2016, các chương trình phát sóng trên VTV sử dụng hình ảnh của anh. Lần gần đây nhất, trong lúc lùm xùm bản quyền giữa anh và VTV còn đang nóng, ngày 7/3/2016, anh phát hiện một chương trình VTV lại sử dụng hình ảnh clip của anh mà không xin phép!

Trên website của mình, anh Tuấn cho hay có 3/11 vụ việc đã được anh chấp nhận lời xin lỗi từ đại diện lãnh đạo VTV, ekip sản xuất chương trình mà không nhận bất kỳ thu lao nào.

Trong năm 2015, anh Tuấn đã nhiều lần liên lạc với VTV để giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền nhưng đều không gặp được người có trách nhiệm hoặc nhận được lời xin lỗi rồi sau đó tái phạm, nhiều lần gửi công văn tới VTV và chỉ 1 lần nhận được hồi đáp. Quá nản vì vấn đề không được giải quyết, anh đã gửi đơn khiếu nại đến Cục Bản quyền. Đồng thời, anh khiếu nại bản quyền tới YouTube, nơi mà VTV cũng đang phát triển kênh chính thức VTVgo. Được biết, kênh chính thức của VTVgo đã có hơn 1 vạn video và hàng trăm nghìn người đăng ký với nhiều triệu lượt xem.

Trong khi chờ kết quả từ cơ quan hữu trách trong nước, khiếu nại của anh Tuấn đối với VTV đã được YouTube xử lý bằng cách vô hiệu kênh VTVgo. Từ ngày 29/2/2016, người truy cập vào kênh này nhận được thông báo: "VTV - Đài Truyền hình Việt Nam đã bị chấm dứt do chúng tôi nhận được nhiều khiếu nại của bên thứ ba về việc vi phạm bản quyền liên quan đến tài liệu mà người dùng đã đăng". Theo điều khoản của YouTube, sau thời hạn 7 ngày kể từ khi bị tạm chấm dứt, nếu chủ kênh không thoả thuận được bản quyền thì kênh sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.

Để mở lại kênh YouTube, VTV buộc phải đàm phán với anh Tuấn – người đặt điều kiện cần được VTV công khai xin lỗi trên thời sự 19h, họp báo công nhận vi phạm bản quyền chứ không đòi hỏi được đền bù dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, việc xin lỗi của VTV cho đến nay vẫn chưa xảy ra.

Trong khi đó, trên mạng, cuộc tranh cãi giữa phe ủng hộ VTV và phe ủng hộ anh Tuấn đang diễn ra ngày càng quyết liệt. Một số ý kiến cho rằng nếu theo luật thì VTV hoàn toàn "vô tội", không cần phải xin lỗi, bồi thường. Kèm theo đó là những nội dung trích dẫn từ các điều khoản trong luật.

Điều này khiến một số người trước khẳng định VTV vi phạm phải bối rối. Thực tế anh Tuấn có phải xin phép chứng nhận bản quyền? Theo luật pháp Việt Nam, việc VTV sử dụng lại hình ảnh có bản quyền mà không xin phép có đúng không? Rõ ràng hoạt động tại nước sở tại, YouTube phải tuân thủ luật pháp nước đó. Vậy tại sao một kênh bị đóng khi ngay cả các nhà chức trách nước sở tại chưa khẳng định được kênh đó có vi phạm bản quyền không?

Trước những băn khoăn như vậy, phóng viên VnReview đã thực hiện thu thập thông tin dưới góc độ các quy định của luật pháp để làm sáng tỏ các vấn đề nêu trên.

VTV có vi phạm luật không?

VTV trích dẫn clip của anh Bùi Minh Tuấn, không ghi nguồn, xoá chỉ dấu bản quyền trên clip gốc

Ảnh chụp màn hình chương trình phát sóng trên VTV có trích dẫn clip của anh Bùi Minh Tuấn, không ghi nguồn, xoá chỉ dấu bản quyền trên clip gốc. Nguồn: Yamahatrungta.com.vn

Trước hết, phải khẳng định ý kiến cho rằng anh Tuấn phải "trưng" ra được chứng nhận bản quyền là hoàn toàn sai. Theo điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) hiện hành, các cá nhân trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm đương nhiên đủ điều kiện bảo hộ quyền tác giả (còn gọi là được tự động bảo hộ).

Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rõ không cần phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi trích dẫn tác phẩm phục vụ cho mục đích để viết báo, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu (khoản 1, điều 25, Luật SHTT). Như vậy, trong trường hợp VTV tự tiện lấy clip của anh Tuấn để phục vụ cho các bản tin, chương trình truyền hình là không vi phạm pháp luật, nếu như điều 25 của Luật SHTT chỉ dừng lại ở đó.

Vấn đề là kèm theo với việc cho phép các cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm có bản quyền mà không cần xin phép, Luật có yêu cầu thêm điều kiện: phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm (khoản 2 điều 25, Luật SHTT).

Thực tế, ngoài việc không hỏi ý kiến tác giả, các nhân viên của VTV khi sử dụng clip của anh Tuấn đã không trích dẫn đầy đủ thông tin về tác giả, nguồn gốc clip, thậm chí còn dùng các thủ thuật để xoá bỏ đóng dấu xác nhận chủ quyền của anh Tuấn.;

Như vậy, nếu anh Tuấn kiện VTV ra toà vì vi phạm bản quyền thì khả năng anh Tuấn thua kiện như đồn đoán là khó xảy ra. Song thông thường việc khởi kiện về sở hữu trí tuệ nói chung và nói riêng tương đối phức tạp. Nguyên đơn khi yêu cầu bồi thường thiệt hại phải thu thập chứng cứ vi phạm tiến hành giám định vi phạm , phải chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra. Vụ việc ở tòa án thường kéo dài, phải qua quy trình tố tụng phiền phức, vì vậy thường gây nản lòng cho đương sự khi khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.

Người bị xâm hại đòi hỏi quá đáng?

Anh Bùi Minh Tuấn

Anh Bùi Minh Tuấn. Nguồn: báo Tuổi trẻ

Anh Bùi Minh Tuấn ngay từ đầu đã khẳng định không yêu cầu bồi thường thiệt hại, do đó vụ việc này không cần đến toà án phân xử. Còn yêu cầu của anh Tuấn rằng VTV phải phát sóng xin lỗi, họp báo thì có phải là quá đáng?

Trường hợp VTV vi phạm quyền tác giả của anh Tuấn không áp dụng được theo điều 9 Luật Báo chí về cải chính báo chí vì điều này quy định báo chí phải xin lỗi và cải chính khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Còn theo Luật SHTT, nếu ra toà, toà án có thể áp dụng các biện pháp dân sự, trong đó có buộc bên vi phạm cải chính, xin lỗi công khai (điều 202). Còn việc tái phạm nhiều lần (dù đã được chủ sở hữu trí tuệ thông báo) sẽ bị xử phạt hành chính (điều 211). Các biện pháp xử phạt hành chính bao gồm: phạt tiền, cảnh cáo.

Theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có nêu rõ phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Biện pháp khắc phục là buộc gỡ bỏ nội dung trên mạng. Không có chế tài nào bắt buộc bên vi phạm cải chính, xin lỗi công khai.

Như vậy, có thể nói việc anh Tuấn yêu cầu VTV xin lỗi công khai là không dựa trên cơ sở pháp luật nào mà chỉ dựa trên yêu cầu mà cá nhân anh Tuấn cho là chính đáng và thoả đáng. Nói cách khác, VTV muốn khôi phục kênh YouTube chính thức , và cũng để giữ uy tín (YouTube gọi là good standing), họ không có cách nào khác là đáp ứng yêu cầu của anh Tuấn. Nó cũng giống như việc mua bán một món hàng, sẽ có người chê đắt, người khác lại khen rẻ. Song đắt hay rẻ chỉ người bán và người mua biết bởi chính họ là người định giá tốt nhất và kết quả phản ánh ở việc món hàng đó có được giao dịch hay không.

Luật chơi YouTube

Trên mạng, một số ý kiến cho rằng VTV không sai khi dùng clip của anh Tuấn vì theo họ trích dẫn ngây thơ từ điều khoản dịch vụ của YouTube cho thấy khi đã đồng ý đăng clip lên YouTube là người dùng "cấp cho YouTube li-xăng toàn cầu, không độc quyền, miễn phí bản quyền, có thể cấp li-xăng thứ cấp và có thể chuyển giao để sử dụng, sao chép, truyền đạt, tạo lập các tác phẩm phái sinh".

Song rõ ràng trích dẫn này là không đầy đủ, có thể gây hiểu nhầm trong khi thực tế, YouTube có rất nhiều biện pháp, quy định nghiêm ngặt thực thi bản quyền. Hoạt động của YouTube tuân thủ theo đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ của Mỹ (DMCA) năm 1998, trong đó đặt ra các nguyên tắc về trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến về bảo vệ bản quyền. Cụ thể, nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn ngừa và phát hiện việc sử dụng hoặc phát tán các tác phẩm trái phép.

Trong nguyên tắc Cộng đồng của YouTube viết rõ yêu cầu tôn trọng bản quyền. Người dùng chỉ tải lên video tự tạo hoặc được phép sử dụng.

Còn trong Các điều khoản dịch vụ, YouTube cũng khẳng định người dùng không được sao chép, khai thác nội dung cho bất kỳ mục đích gì mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản của YouTube hoặc bên cấp quyền sử dụng. Nội dung tải lên cũng không được chứa tư liệu đã đăng ký bản quyền của bên thứ ba, hoặc tư liệu là đối tượng thuộc quyền sở hữu riêng của bên thứ ba khác.

YouTube bổ sung nội dung tải lên không được trái ngược với pháp luật và quy định áp dụng của địa phương, quốc gia và quốc tế.

Tóm lại, mặc dù tất cả các quy định sử dụng dịch vụ của YouTube là rối rắm, khó hiểu với rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành, nhưng minh chứng rõ rệt nhất về việc YouTube xử lý vi phạm bản quyền chính là kênh VTV trên YouTube đã bị đóng lại, không chỉ theo luật Mỹ mà cả luật Việt Nam như giải thích ở trên.

Từ những phân tích trên cho thấy, trong vụ việc lùm xùm bản quyền này, theo luật VTV có thể bị phạt vi phạm hành chính với khoản phạt không đáng kể, không nhất thiết phải xin lỗi và bồi thường (vì đương sự không yêu cầu). Cái mất đáng kể của VTV là một kênh YouTube với nguồn tài nguyên tải lên khổng lồ, tất nhiên kèm theo nguồn thu không nhỏ từ quảng cáo và nhiều hơn cả chính là uy tín. Còn phía anh Tuấn, có người ủng hộ, có người gièm pha cho là quá lố nhưng rõ ràng anh đã làm được một điều mà ít người làm được: đấu tranh chống vi phạm bản quyền với đài truyền hình quốc gia và đạt kết quả cụ thể.

Thanh Xuân

Chủ đề khác