VnReview
Hà Nội

Tại sao nhiều người cứ sập bẫy “đánh quả fanpage”?

Từ vụ giả mạo fanpage của Mercedes-Benz Việt Nam đến vụ giả mạo fanpage của Honda Việt Nam, đích thị đây là trò lừa "đánh quả fanpage" của những đối tượng làm ăn bằng hành vi bất chính. Nhưng câu hỏi đặt ra là, những vụ việc lừa qua Zalo, Facebook đã xảy ra đâu còn ít, mà sao nhiều người vẫn cứ mắc bẫy?

Từ "đặc sản" tới… phá sản

Vài năm trở về trước, trò lừa trúng số xe Vespa, xe SH trị giá cả trăm triệu đồng tựa như một thứ… "đặc sản" trong chiêu thức lừa đảo của bọn xấu. Chúng lừa người nhẹ dạ cả tin gửi cho chúng một khoản tiền rồi lặn mất tăm. "Đặc sản" khi ấy đã khiến không ít người tiền mất tật mang và đầy bức xúc đổ lên các công ty chủ quản những trang mạng xã hội. Và những trang mạng xã hội này gặp khủng hoảng, dù chưa tới mức quá nghiêm trọng nhưng khá rầy rà, phiền phức.

Hai năm trở lại đây trò lừa trúng xe máy đã bị phá sản vì từ cơ quan chức năng tới các trang mạng xã hội đều chung tay cảnh báo, thì lại xuất hiện trò "đánh quả fanpage". So với trò lừa trúng số xe Vespa, SH thì trò "đánh quả fanpage" không khiến những Facebooker nhẹ dạ cả tin mất tiền bạc hay của nả, mà đôi khi chỉ là chút bực bội, khó chịu khi phát hiện mình bị lừa. Trò "đánh quả fanpage" dùng chiêu tung ra các trò chơi dối trá trúng thưởng trên fanpage để câu like, câu share và tag, với mục đích cuối cùng là dùng một fanpage giả (các doanh nghiệp hoặc tổ chức danh tiếng, có thương hiệu được nhiều người biết) để tạo cộng đồng, đến một lúc nào đó thì bán lại trang fanpage đó cho những doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu sử dụng với những mục đích khác nhau.

Suy cho cùng, trò "đánh quả fanpage" cũng nằm trong phạm trù "công nghệ" tạo fanpage, câu like hoặc tạo friend list, dùng hành vi bất chính để trục lợi vào nguồn tài nguyên internet của người dùng chứ không trục lợi trực tiếp về tiền bạc hay vật chất. Qua vụ fanpage giả Mercedes-Benz 2016 thì thấy rõ, dùng giải thưởng lừa béo bở là chiếc ôtô Mercedes-Benz dòng E đời 2016 để đánh vào lòng tham, sự dễ dãi của nhiều người chơi Facebook. Chính vì thế mà, chỉ trong vòng một ngày, số lượng thích, lượt share lên đến hàng chục ngàn. Bởi chính thao tác like, share hay tag là tiêu chí để được…chấm giải (!).

Trò "đánh quả fanpage" Mercedes-Benz đã sớm bị các chuyên gia truyền thông xã hội và tiếp thị số giải mã, nên khi fanpage giả Honda Viet Nam "tặng 20 chiếc SH 150cc" thì đã bị lộ tẩy từ đầu, âm mưu lừa đảo bị phá sản. Sau đó, một số;fanpage giả mới vẫn tiếp tục được lập nên và vẫn có một số nạn nhân sa bẫy - tất nhiên với số lượng like và share ít hơn nhiều so với vụ Mercedes-Benz, nhưng rõ ràng, báo chí - truyền thông đã góp phần tích cực vạch mặt và làm phá sản các trò "đánh quả fanpage" trong thời gian vừa qua. 

"Thằng đánh 5 roi, thằng coi 5 chục"    

Tôi nhớ có một lập luận của những người đi đánh án như sau: Các sới bạc bể đĩa, nếu những kẻ trực tiếp đánh đáng bị phạt 5 roi thì những kẻ xem, cổ vũ đáng bị 50 roi".

Đó là một cách nói, một cách lập luận có những tình tiết có lí và có những tình tiết không có lí, hoặc phiến diện cực đoan. Nhưng trong các trường hợp "đánh quả fanpage" thì khác nhiều. Những đối tượng nhẹ dạ cả tin bị lừa, thì thôi đích thị là "nạn nhân" rồi dù không bị lột mất hiện kim hay tấc vải. Nhưng tôi muốn nói đến những "nạn nhân thị Màu" mà tôi xin trích dẫn dưới đây:

"Hàng nghìn người đã tham gia bình luận, chia sẻ từ các fanpage giả mạo này mà không mảy may nghi ngờ tính xác thực của thông tin nói trên. Anh Lê Đình Chiến, một người dùng Facebook cho hay: "đang thiếu chiếc xe đi làm, thấy người ta share thì mình cũng làm theo thôi, ăn may thì được, cũng không mất gì" (ICTNews.vn, 16/3/2016).

Cái "chết" của những "nạn nhân thị màu" ở đây là lối suy nghĩ thích được "ăn may", "cũng không mất gì". Ai cũng nghĩ thế vô hình chung hoặc gián tiếp tiếp tay cho những kẻ lừa đảo và các trò dơ bẩn hay những hành vi bất chính sinh sôi, lan tỏa. Một người như thế share cho hàng trăm, hàng ngàn người để mơ một giải thưởng bánh vẽ, rồi những người nhận được share cũng mơ cái giải thưởng bánh vẽ kia và tiếp tục share…, tự chúng ta làm khổ làm phiền chúng ta mà thôi.

Trong "Kinh pháp cú" (Dhammapada) của nhà Phật nói đến Tam độc thì Tham chính là cái độc đầu tiên, tiếp đến là Sân, Si. Không thoát được cái Tham chính là thứ tư duy "ăn may", "cũng không mất gì". Nếu thoát được cái Tham trong những trường hợp "đánh quả fanpage" (thường khá đơn giản để nhận biết là trò lừa) thì những kẻ lừa đảo dần không còn đất sống.

Ngày 10/3 mới đây, Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với Nguyễn Sơn Tùng vì phao tin đồn bắt cóc trẻ em trên Facebook gây hoang mang dư luận. Trước đó vài ngày, Công an tỉnh Quảng Bình cũng xử phạt Nguyễn Đức Thành 10 triệu đồng vì hành vi đăng nội dung bịa đặt rằng cá bè xước nuôi ở ta bị Trung Quốc bỏ thuốc độc. Hành vi của hai đối tượng này, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị khép vào tội hình sự. Song với các vụ "đánh quả fanpage" thì e rằng khó mà hình sự hóa cho được vì hầu như không thấy có khả năng gây thiệt hại hay hậu quả nghiêm trọng đến vật chất, tinh thần của các nạn nhân. Có lẽ vì thế mà những đối tượng "đánh quả fanpage" vẫn cứ tiếp tục đánh quả.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác