VnReview
Hà Nội

Chuyện gì đang xảy ra đằng sau thương hiệu OPPO tại Việt Nam?

Liên tiếp trong 2 ngày 14-15/4/2016, pháp nhân được cho là "OPPO Việt Nam" đã phát đi hai văn bản xác nhận liên quan đến việc phân phối smartphone OPPO tại Việt Nam cũng như về lô sản phẩm OPPO F1 dán tem "nhập khẩu và phân phối bởi Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT" đã "vi phạm nghiêm trọng đến việc sử dụng thương quyền OPPO tại Việt Nam".

Oppo F1

Chiếc OPPO F1

Hai văn bản nhắm vào FPT Trading

Trong văn bản phát đi ngày 14/4, "Công ty OPPO Việt Nam/OPPO Việt Nam" chủ yếu xác nhận lại các nhà phân phối: 1-Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Khoa học OPPO (gọi tắt là OPPO Việt Nam - cung ứng hàng cho các đại lí trên toàn quốc). 2-Công ty TNHH Di động Thông Minh, và 3-Công ty TNHH NN MTV TM&XNK Viettel, cùng phân phối cho một số đối tác kênh KA). Kí tên dưới văn bản này là ông Đỗ Quang Kha, chức danh Giám đốc với con dấu Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Khoa học OPPO chứ không phải Công ty TNHH OPPO Việt Nam.

Văn bản khẳng định chỉ có 3 công ty phân phối chính thức điện thoại OPPO tại Việt Nam, không có FPT Trading. Ảnh: ICTnews

Trước tiên cần làm rõ tư cách pháp nhân của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Khoa học OPPO chỉ là nhà phân phối hay là Công ty chi nhánh của tập đoàn OPPO? Bởi ngay trong văn bản xác nhận này người ta thấy rằng Công ty phân phối - Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Khoa học OPPO – cũng được gọi là OPPO Việt Nam, như mang tư cách 2 trong 1: Vừa là nhà nhập khẩu và phân phối, vừa là đại diện thương hiệu hoặc là công ty con của OPPO tại Việt Nam. Chính những điều chưa rõ ràng này, sẽ làm giảm đi tính thuyết phục của các văn bản được phát đi mà người ta không hiểu là của nhà phân phối hay của đại diện hãng. Nếu ở tư cách nhà phân phối mà đi xác nhận các nhà phân phối khác thì e rằng chưa đúng chức năng và không đủ thuyết phục. Thẩm quyền đó thuộc về đại diện hãng sản xuất hoặc pháp nhân được hãng sản xuất ủy quyền. Và tất nhiên, những người am hiểu vấn đề cũng sẽ chỉ tin tưởng vào những phát ngôn từ hãng.

Văn bản thứ hai, phát đi ngày 15/4, "OPPO Việt Nam" đề cập đến sản phẩm smartphone OPPO dán tem do Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT (công ty con của FPT Trading) nhập khẩu và phân phối mà không thông qua OPPO Việt Nam là "vi phạm nghiêm trọng đến việc sử dụng thương quyền OPPO tại Việt Nam". Và lô sản phẩm đó được cho là nhập khẩu chéo vùng, không đúng chính sách của OPPO, không được hưởng các chính sách hỗ trợ của OPPO Việt Nam như bảo hành chính hãng, bảo vệ giá… Rõ ràng là, một khi "OPPO Việt Nam" đã phát đi văn bản chỉ có 3 nhà phân phối chính thức sản phẩm smartphone OPPO tại Việt Nam, thì dù là Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT hay FPT Trading đi nữa cũng ở ngoài rìa.

Văn bản thứ hai khẳng định điện thoại do FPT nhập khẩu và phân phối sẽ không được bảo hành chính hãng, đồng thời đề nghị mua lại các điện thoại này. Ảnh: ICTnews

OPPO Việt Nam – anh là ai?

Câu hỏi này cần phải được trả lời thẳng: Anh chỉ thuần túy là nhà phân phối độc quyền ở kênh đại lí sản phẩm OPPO (Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Khoa học OPPO), hay có được sự ủy quyền của hãng OPPO về tư cách đại diện thương hiệu? Trong cả hai văn bản, không hề có câu chữ nào xác tín rõ điều này, khiến người đọc có thể hiểu thế nào cũng được, thì như đã nói tính thuyết phục của văn bản không cao, và qua đó cho thấy chiêu "phản pháo" của "OPPO Việt Nam" thiếu chặt chẽ.

Và tất nhiên người tiêu dùng khi biết được vụ lùm xùm hiện nay xung quanh việc phân phối sản phẩm OPPO cũng có quyền đặt câu hỏi: Có phải chỉ có sản phẩm nhập khẩu và phân phối qua 3 kênh trên mới là chính hãng? Vì hiện nay "OPPO Việt Nam" cũng mới chỉ chứng minh được tư cách nhà phân phối. Một khi như thế làm sao đủ thẩm quyền xác nhận FPT Trading không có được "giấy phép" nhập khẩu và phân phối sản phẩm OPPO? Và từ đó cáo buộc cho rằng phía FPT Trading "vi phạm nghiêm trọng đến việc sử dụng thương quyền OPPO tại Việt Nam" cũng chưa rõ căn cứ, cho nên thiếu thuyết phục.

Và như đã nói, trong hai văn bản nhắm vào FPT Trading, "OPPO Việt Nam" chưa làm rõ được tính chính danh là đại diện của hãng OPPO. Nếu đó là tiếng nói của đại diện hãng thì sức nặng của sự xác nhận cũng như tính thuyết phục của nó hoàn toàn khác.

Chiến dịch bảo vệ của "OPPO Việt Nam"

Nên nhớ rằng, việc FPT Trading "nhập khẩu chéo" smartphone OPPO F1 có thể không đúng với chính sách phân phối của OPPO trên toàn cầu, nhưng không có nghĩa là FPT Trading sai trái hay vi phạm pháp luật. Và cũng nên nhớ rằng, không có qui định mang tính pháp lí nào cấm FPT Trading nhập khẩu sản phẩm OPPO về phân phối tại Việt Nam. Trong trường hợp FPT Trading không có "giấy phép" nhập khẩu và phân phối từ hãng OPPO, thì họ vẫn có thể nhập khẩu sản phẩm OPPO từ các đối tác khác ở nước ngoài mang về Việt Nam phân phối và chúng ta thường gọi là hàng không chính hãng, và sẽ không nhận được sự hỗ trợ chính thức của hãng theo đúng tuyến (nhưng vẫn có thể nhận được sự hỗ trợ qua đối tác cung ứng sản phẩm). Vấn đề là người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn và quyết định theo hướng có lợi và chất lượng nhất.

Với giá bán OPPO F1 do Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT nhập khẩu và phân phối có mức giá bán lẻ thấp hơn sản phẩm do Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Khoa học OPPO phân phối cả triệu đồng, thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể tính toán và chọn lựa. Vấn đề mấu chốt còn lại là khả năng "bảo hành công ty" (giống cách bảo hành hàng xách tay của một số chuỗi bán lẻ smartphone) sản phẩm OPPO F1 của FPT Trading đến đâu, có thuyết phục được người dùng tin tưởng vào chính sách hậu mãi hay không?

Nhìn dưới góc độ thị trường, việc Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT nhập khẩu lô sản phẩm OPPO F1 về phân phối là một nghiệp vụ kinh doanh bình thường. Họ thấy có hời thì làm, miễn không phạm pháp là được. Nhìn dưới góc độ cạnh tranh, thì lô OPPO F1 của Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT nhập về đã tạo ra sự "phá bĩnh" vì giá bị đạp xuống cả triệu đồng/máy mà cấu hình thậm chí được cho là hỗ trợ 4G thay vì chỉ 3G. Đây có lẽ là một nguy cơ "phá thị trường" đối với nhà phân phối chính thức kênh đại lí là Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Khoa học OPPO, buộc nhà phân phối này phải ra tay để bảo vệ thị trường và cứu chính mình bằng cách "mua lại sản phẩm" theo chính sách thanh toán toàn bộ chi phí mua máy từ FPT Trading và + 2.000.000 đồng/trường hợp/đại lí. Có thể hiểu đây là khoản kích thích có lợi cho các đại lí và hệ thống bán lẻ nhằm mục đích thu hồi sạch lô OPPO F1 do FPT Trading nhập về và phân phối càng nhanh càng tốt để tránh gây rối loạn thị trường.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao cùng là OPPO F1 nhưng phiên bản có hỗ trợ cao hơn (4G) do FPT Trading nhập về phân phối lại có giá rẻ hơn cả triệu đồng so với phiên bản 3G đang bán tại các chuỗi bán lẻ do Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Khoa học OPPO phân phối? Có thông tin cho rằng lô hàng FPT Trading nhập về này có khả năng là lô hàng lỗi trả lại từ thị trường Đài Loan. Tuy nhiên vấn đề này chưa được các kênh có thẩm quyền chính thức xác nhận, ngay cả trong hai văn bản của "OPPO Việt Nam".

Trong vụ việc này sự "đụng độ" chủ yếu là giữa FPT Trading và Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Khoa học OPPO ở kênh phân phối đại lí. Với tình thế này, thiết nghĩ chỉ có đại diện hãng OPPO mới có thể phát ngôn làm rõ mọi vấn đề liên quan một cách thuyết phục nhất. Đại diện hãng OPPO tại Việt Nam đang ở đâu, có phải đã được ủy quyền cho chính Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Khoa học OPPO hay không…, hãy nói rõ cho người tiêu dùng được biết!

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác