VnReview
Hà Nội

K+ cần “phao cứu sinh” EPL, còn VTV thì sao?

Mới đây, trong văn bản "kêu cứu" lên Bộ TT&TT khi thời hạn "kết sổ" đàm phán bản quyền giải Ngoại hạng Anh (EPL) với đối tác phân phối MP&Silva sắp hết nhưng vẫn bị Hiệp hội Truyền hình trả tiền (THTT) "ngáng đường", K+ đã xác nhận: "K+ với thương hiệu là kênh thể thao hàng đầu nên không thể thiếu những giải thể thao hàng đầu và EPL là trọng tâm đầu tư".

Không có EPL, K+ khó sống; có EPL, K+ cũng chẳng dễ thở

Như chính K+ thừa nhận, nhà đài này được xây dựng định vị thương hiệu là "kênh thể thao hàng đầu" vì thế "không thể thiếu những giải thể thao hàng đầu và EPL là trọng tâm đầu tư". Song song đó, K+ cũng được định hướng xây dựng nội dung với hai mũi nhọn là thể thao và phim ảnh. Khách quan mà nói, cho dù K+ tốn không ít kinh phí để PR cho nội dung phim ảnh nhưng mũi nhọn này chưa thể thu hút được nhiều khán giả.

Trong khi đó, "thương hiệu kênh thể thao hàng đầu" của K+ có thuận lợi hơn trong việc gây chú ý, không chỉ bằng việc mua độc quyền các giải Ngoại hạng Anh với các trận "siêu chủ nhật" (Super Sunday) trong những năm qua mà còn mua độc quyền các trận cầu đinh giải La Liga, Serie A. Mặt khác, chính "sóng gió" từ dư luận chống đối sự độc quyền của K+ đối với giải EPL các trận ngày chủ nhật càng khiến cho K+ được nhiều người biết đến hơn. Không quá nếu cho rằng, đa phần khán giả xem K+ biết đến nhà đài này là một thương hiệu truyền hình thể thao, đúng với ý đồ xây dựng thương hiệu từ ban đầu của K+.

Chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2010 qua liên doanh với VTV, trong gần 6 năm qua, thuê bao K+ tăng lên được cũng nhờ nội dung thể thao mà trong đó bóng đá nói chung và giải EPL nói riêng góp công đầu. Nhưng cũng phải nói rằng, cái giá K+ phải trả cho định hướng thương hiệu truyền hình thể thao hàng đầu, cho sự tăng trưởng thuê bao từ; 95.000 (năm 2009) lên 803.229 (2015) cũng khá đắt. Đó chính là khoản nợ lũy kế đến hết năm 2015 ở mức 1.979 tỉ đồng. Nếu chia đều khoản nợ cho tổng số thuê bao trên, thì mỗi thuê bao K+ tương ứng với một khoản nợ 2.463.805 đồng.

Một điều rất đáng lưu tâm là, năm 2015, K+ đã tuyên bố đạt điểm hòa vốn vào tháng 6, đúng với cam kết về lộ trình đầu tư "lỗ trong kế hoạch" của liên doanh VSTV. Tuy nhiên theo báo cáo VTV gửi Chính phủ về liên doanh này, thì kết năm 2015 K+ vẫn còn lỗ 83 tỉ đồng. Và càng đáng nói hơn, theo tính toán của Canal+ International Development (CO), năm 2016 K+ quay lại chu kì lỗ với khoản lỗ 260 tỉ đồng. Khoản lỗ tính toán này không biết đã có tính gộp giá trị dự kiến mua bản quyền EPL 3 năm tới hay chưa, nếu chưa, số lỗ từ 2016 về sau có thể còn lớn hơn, hoặc nó chỉ có thể giảm xuống nếu K+ phát triển được thuê bao một cách cực nhanh so với 6 năm qua.

Đầu tư trọng tâm vào bản quyền bóng đá nói chung và giải EPL nói riêng, nhưng 6 năm qua K+ không đạt được mức thuê bao như kì vọng. Đứng trong tốp 3 các nhà đài THTT tại Việt Nam nhưng lượng thuê bao của K+ còn cách biệt rất xa so với VTVCab và SCTV.

Thể thao, bóng đá và EPL là đòn bẫy để K+ tạo thương hiệu riêng thu hút thuê bao nhưng lại chưa giúp K+ mạnh lên được. Còn bây giờ, bóng đá/EPL trở thành phao cứu sinh cho K+. K+ không thể tách rời EPL, song đáng nói là dù có EPL đi nữa thì vẫn chưa cho thấy con đường sáng là K+ kiếm được thuê bao như kì vọng, trong khi khả năng lỗ nặng hơn thì hiện thực hơn bao giờ hết.

K+ sẽ lỗ đến bao giờ, liên doanh sẽ đến đâu?

Tháng 6/2015, K+ tuyên bố đạt điểm hòa vốn. Tuy nhiên sau đó, K+ tái cơ cấu lại gói cước, sáp nhập 2 gói cước Access và PremiumHD+ lại chỉ còn duy nhất 1 gói cước Premium+ với giá cước 125.000 đồng/tháng, kéo theo lỗ trở lại. Lỗ trong năm 2015 là 83 tỉ đồng, dự kiến 2016 lỗ tiếp 260 tỉ đồng và 2017 sẽ lỗ 120 tỉ đồng. Như vậy việc "lỗ trong kế hoạch đầu tư" đã không dừng lại mà tiếp tục kéo dài. Và tất nhiên, khoản lỗ lũy kế trong những năm tới có thể sẽ không dừng lại ở con số 1.979 tỉ đồng. Lại đi vay từ nguồn phía tập đoàn Canal+, lại phải trả lãi vay mỗi năm sẽ từ 100 tỉ đồng trở lên. Tương lai K+ sẽ tiếp tục trong vòng quay vay – mua bản quyền bóng đá – lỗ mà chưa có hứa hẹn thời điểm chấm dứt.

Vậy thì VTV sẽ sống, tồn tại thế nào trong liên doanh khi nắm tới 51% vốn nhưng lại không nắm quyền điều hành, định hướng kinh doanh hầu như nằm trong tay đối tác phía Pháp?

Cách đây vài năm khi ngồi với một cán bộ VTV có trọng trách trong liên doanh VSTV, tôi đặt ra câu hỏi: Phía Việt Nam có biện pháp gì để kiểm soát việc chuyển giá hay không, như giá các bản quyền truyền hình phía Pháp chuyển giao, và đặc biệt là chi phí bản quyền bóng đá trong đó EPL có giá trị lớn nhất lên đến cả chục triệu USD. Và câu trả lời tôi nhận được: "Mình không lo chuyện đó đâu". Vậy thì chi phí bản quyền EPL mà K+ mua cho 3 mùa qua (2013-2016) lên đến 33,5 triệu USD và sắp tới nếu có sẽ còn đắt hơn nhiều, có biện pháp nào kiểm soát chuyển giá không? Bởi theo công bố, bản quyền EPL 3 mùa 2013-2016 là do Canal+ đấu thầu và chuyển giao lại cho K+. Chúng ta hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng, kẽ hở chuyển giá chính là nằm ở khâu "chuyển giao" kia.

Bài học ngời ngời từ thuở ban đầu mở cửa nền kinh tế cho Coca Cola vào liên doanh với nước ngọt Chương Dương chưa bao giờ hết thời sự. Thẳng thắn mà nói, trong liên doanh VSTV có lẽ VTV ban đầu đã thấy được hời quá nhiều. Cơ sở hạ tầng kĩ thuật sập xệ ở Vĩnh Yên cùng với vài chục ngàn thuê bao không mang tới nguồn thu gì mấy, được phía Canal+ International Development (CO, đối tác trong liên doanh) "chơi đẹp" chấp nhận sự định giá 10,2 triệu USD và theo đó VTV nắm 51% vốn điều lệ trong khi CO bỏ ra tiền tươi thóc thật 9,8 triệu USD chỉ nắm giữ 49%. Buông cho "ông" những "con tép" để vội mừng mà không biết "con tôm" bị mất sẽ nằm trong các khoản nợ-lỗ cứ lũy kế dần theo từng năm tới hàng ngàn tỉ đồng.

Từ đây có thể thấy, cái thế tương quan vốn 51/49% trên thực tế chỉ giải quyết khâu oai mà thôi, bởi quyền điều hành và đặc biệt là đường hướng kinh doanh do phía CO nắm. Nắm 51% vốn nhưng liên doanh làm ăn chỉ từ lỗ tới lỗ thì hóa ra VTV càng thiệt. Và hệ quả là khả năng xảy ra một cuộc thâu tóm như Coca Cola đã làm: Đến một lúc nào đó VTV không chịu nổi, mà cũng không thể lấy tiền ngân sách ra để bù vào khoản lỗ, thì phải tính đến đường thoái vốn. Nhưng sẽ có ai chịu mua để gánh khoản lỗ bị chia lên tới cả ngàn tỉ đây? Có thể khó có ai nhưng có khả năng sẽ có… Canal+/CO luôn sẵn sàng.

Nếu Canal+/CO có cửa sáng để biến VSTV từ liên doanh trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của họ, theo tôi sẽ hoàn toàn có khả năng Canal+/CO "chơi đẹp" với VTV một lần nữa trong việc mua lại phần vốn góp trong liên doanh, vì cũng cần khách quan nhìn nhận rằng giá trị doanh nghiệp của VSTV đến thời điểm này cũng đã lớn hơn so với con số vốn điều lệ khoảng 20 triệu USD.  

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác