VnReview
Hà Nội

Từ cuộc đối đầu Apple - FBI nghĩ đến vụ án Xin Chào

Ông chủ quán cà phê Xin Chào đã được giải oan nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tân Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Vấn đề còn lại mà dư luận trông chờ là xử lí các cá nhân sai phạm liên quan đến vụ án này. Phía VKSND đã thống nhất cách chức ông Lê Thanh Tòng – nguyên Viện phó VKSND Bình Chánh; tuy nhiên còn ông Trưởng Công an Bình Chánh Nguyễn Văn Quý thì chỉ mới tạm đình chỉ công tác.

Những người theo dõi vụ việc này trên báo chí từ đầu đến nay, mới thấy vai trò mấu chốt trong việc đẩy một người dân làm ăn lương thiện như ông Nguyễn Văn Tấn đối mặt với lao lung không phải ai khác mà chính là ông Trưởng Công an huyện Nguyễn Văn Quý và một số thuộc cấp liên quan.

Những lời đồn đại nào là vì căn-tin trong Công an huyện Bình Chánh do em vợ ông Quý kinh doanh, đụng với quán của ông Tấn, cho nên ông Tấn thường xuyên bị làm khó dễ bởi các cuộc kiểm tra. Rồi đến lời trần tình tận thấu của ông chủ chòi vịt Nguyễn Văn Bỉ, cho biết ông Quý từng nhờ người đánh tiếng mua đất của ông, ông không bán, và rồi ông rơi vào tình thế như hiện nay (bị khởi tố với hành vi "xây dựng nhà ở trái phép" vì dựng cái chòi vịt).

Hai vụ án này đã được VKSND TPHCM và Công an TPHCM xác định không đủ căn cứ để cấu thành tội phạm, và chỉ đạo rút hồ sơ. Ông Tấn đã được thoát án, còn ông Bỉ vẫn đang chờ có quyết định chính thức của cơ quan chức năng về vấn đề này.

Hai hành vi của hai ông Tấn và Bỉ, đúng là nó "nhỏ như móng tay" theo như lời ví của ông tướng công an Phan Anh Minh, nhưng nó lại bị đẩy thành "nguy hiểm đối với xã hội" và bị khởi tố, rồi đề nghị truy tố và truy tố.

Tất cả những hậu quả do sự xử lí pháp luật theo cảm tính và cá nhân trong hai vụ án trên, đều do một tay ông Trưởng Công an huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Quý mà ra. Và nó tạo nên một sự nhức nhối trong môi trường luật pháp hình sự và luật pháp kinh doanh tại TPHCM. Chính từ vụ cà phê Xin Chào, mà phát biểu trong phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM sáng ngày 28/4/2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phải nhìn nhận: "Vụ việc ở Bình Chánh vừa qua tác động, ảnh hướng đến môi trường kinh doanh ghê gớm, trong khi thành phố đang tập trung tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư làm ăn kinh doanh". Vụ án cà phê Xin Chào và "cái chòi vịt" trở thành những cây đinh đâm vào cuộc sống bình yên của người dân và doanh nghiệp.

Mới thấy chỉ là một ông Trưởng Công an huyện thôi mà quyền lực đã lớn đến thế. Muốn là ông chỉ ký xoạch một phát, ông chủ cà phê Xin Chào bị đưa vào vòng lao lí. Muốn nữa ông cũng chỉ ký xoạch một phát, ông chủ chòi vịt liền bị khởi tố. Khởi tố một vụ án, một con người – mà lại là người làm ăn lương thiện – cứ dễ như không. Ông Trưởng Công an huyện có quyền sinh quyền sát dù về hàm và chức cũng chỉ là một cán bộ cấp trung. Đủ thấy rằng khi một ông quan huyện "con con" như vậy mà có sức thao túng, có thể đẩy những người lương thiện vào khốn cùng, thì môi trường luật pháp ở ta chưa đủ an toàn cho người dân.

Hãy xem có bao nhiêu trường hợp bị khởi tố, truy tố rồi mà thoát được tù tội? Hãy xem có bao nhiêu cái lệnh khởi tố, truy tố bị vô hiệu hóa bởi các cơ quan tư pháp cấp trên? Hiếm lắm. Hiếm đến mức mà mỗi vụ có thể đi vào kỷ lục trong đời sống tư pháp Việt Nam.

Nhìn sang bên kia bán cầu, FBI với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Bộ Tư pháp Mỹ, "gầm gừ" suốt nhiều tháng liền dọa dẫm nhằm ép Apple tiết lộ bí mật mở khóa iPhone và mở "cửa hậu" (backdoor) để họ thuận tiện vào kiểm tra người dùng iPhone. Nhưng Apple kiên quyết từ chối. FBI thậm chí còn dọa đưa ra tòa, Apple vẫn từ chối. Cuối cùng FBI phải chi ra hơn 1 triệu USD để thuê mở khóa iPhone. Apple vẫn lạnh tanh không chút lay động.

Theo cái lô-gic xử lý vụ án cà phê Xin Chào, khi công an huyện chuyển hồ sơ và đề nghị truy tố sang VKSND huyện và được chấp thuận chỉ vì lãnh đạo VKS cảm thấy "khó ăn khó nói", sợ "anh em không vui" chứ không phải hành xử lí tính theo phương châm luật pháp phân minh. Nếu Apple mà ở Việt Nam chắc không "cứng" được như ở Mỹ và nếu ở Bình Chánh thì chắc phải hầu tòa cấp kì từ lâu dưới chữ ký của những ông quan như Nguyễn Văn Quý. Hệ thống cơ quan tố tụng ở ta, từ công an đến viện kiểm sát và tòa án dường như trong hầu hết trường hợp là đứng cùng một phía. Vì thế, khi một vụ oan sai xảy ra thì càng nặng nề vì cả ba bên cùng quan điểm thì người dân không còn cơ hội thoát ở cửa nào nữa, khi đó luật sư, báo chí vào cuộc cũng chưa chắc thay đổi được "quan điểm gắn kết" của ba bên, vì thế mới xảy ra các vụ án oan tày đình như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn…

Nhưng trong trường hợp cuộc đối đầu Apple - FBI thì khác. Luật pháp Mỹ rành rành. FBI chưa chắc nắm luật qua được đội ngũ luật sư trong mơ của Apple. Đấu nhau ra tòa là câu chuyện hoàn toàn khác, cứ lấy luật ra phân xử, FBI cũng được đối xử bình đẳng như Apple chứ không vì "anh" thuộc bộ máy công quyền thì được bênh vực hơn, vì thế chưa chắc có cơ thắng nếu hành xử không đúng luật.

Còn ông Trưởng Công an Bình Chánh thì không cần hành xử đúng luật mà chỉ cần đúng ý của ông.

Thẩm Hồng Thụy ;

Chủ đề khác