VnReview
Hà Nội

Có lo ngại sau 2 vụ thâu tóm Lazada và Zalora?

Sau 2 cuộc mua bán và sáp nhập (M&A) Lazada và Zalora, có những luồng ý kiến bày tỏ sự lo ngại lên mức "nguy cơ" rằng ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ dần bị thâu tóm.

Vậy chúng ta có nên quá lo ngại ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt bị thâu tóm hay không? Vấn đề không chỉ cần nhìn vào thị trường mà phải nhìn vào cách xây dựng thị trường đó như thế nào.

Cả Lazada và Zalora đều là những thương vụ đầu tư của tập đoàn Rocket Internet. Với Lazada, bán lại cho Alibaba giá 1 tỉ USD được xem là hời. Alibaba đang tính chiến lược mở rộng thị trường xuống phía nam là khu vực Đông Nam Á sau khi đã "hùng cứ một phương" chiếm đến 80% thị trường TMĐT tại Trung Quốc. Với một mạng lưới thị trường tại 6 quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), Lazada sẽ giúp cho sự nghiệp thương mại điện tử B2C của Alibaba (được biết đến là nhánh Taobao) lan tỏa đến một thị trường khoảng 500 triệu dân. Tính ra, tập đoàn này mua thị trường với giá khoảng 2USD/người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi Alibaba mua Lazada, trong tương lai hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường TMĐT Đông Nam Á. Luồng ý kiến "hẹp" hơn thì lo ngại, những cá nhân hay cửa hàng nhỏ lẻ bán hàng trên Facebook tại Việt Nam có lẽ là đối tượng bị Alibaba "xô đẩy" đầu tiên vì chính những người bán hàng này hiện nay cũng hầu hết bán sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, sẽ khó cạnh tranh lại với Alibaba chắc chắn có giá nhập sỉ rẻ hơn, và có thể ưu việt hơn ở dịch vụ giao nhận.

Nhưng cũng cần phân định rõ rằng, Alibaba thâu tóm trên bình diện Đông Nam Á chứ chẳng riêng gì Việt Nam. Mặt khác, hàng Trung Quốc cũng không ít gì trên Lazada (điển hình tại Lazada.vn). Việc thâu tóm của Alibaba có thể sẽ kích tăng nguồn hàng Trung Quốc trên thị trường TMĐT Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên ở phạm vi thị trường Việt Nam, nếu không có thương vụ Alibaba thâu tóm Lazada, thì hàng Trung Quốc trên thị trường cũng không ít đi so với trước đây.

Ở thương vụ thứ hai, Central Group (Thái Lan) mua Zalora Thái Lan và Công ty thương mại Nguyễn Kim mua Zalora Việt Nam. Central Group chiếm 49% cổ phần tại công ty mẹ Nguyễn Kim, vì thế kì thực Zalora Thái Lan hay Việt Nam đều nằm trong tay Central Group.

Tại thị trường Việt Nam, gần đây tỉ trọng hàng Thái Lan đang gia tăng đáng kể. Central Group bên cạnh vung tiền mua mạng lưới TMĐT còn mua hệ thống siêu thị bán lẻ Big C, thâu tóm từ ngành siêu thị tổng hợp đến điện máy và TMĐT, tạo ba mũi giáp công tại thị trường Việt Nam.

Như vậy trong hiện tại và có thể sẽ còn rõ ràng hơn trong tương lai, cạnh tranh hàng hóa tại thị trường Việt Nam có thể hình thành ba thế lực chủ yếu là hàng Trung Quốc – hàng Việt Nam – hàng Thái Lan. Hàng Việt Nam bị kẹp bởi hàng Trung Quốc và hàng Thái Lan chắc chắn không "dễ thở", đặc biệt là trên mạng TMĐT, từ trước tới nay hàng Việt chưa bao giờ có được ưu thế.

Về bản chất của 2 vụ mua bán sáp nhập Lazada và Zalora là do các doanh nghiệp nước ngoài giao dịch với nhau. Hai sàn giao dịch thương mại điện tử này cũng do doanh nghiệp nước ngoài xây dựng và phát triển và cũng chính họ đã có công khai phá, thúc đẩy nhu cầu TMĐT tại Việt Nam. Công bằng mà nói, từ khi Lazada và tiếp đó là Zalora vào Việt Nam, phân khúc thị trường các sàn giao dịch TMĐT B2C mới sôi động hẳn lên. Nhưng suy cho cùng, sàn giao dịch TMĐT cũng chỉ là phương tiện, còn mấu chốt vấn đề chính là hàng hóa. Phương tiện chuyển tải tạo điều kiện cho hàng hóa nào thì hàng hóa đó có cơ hội lan tỏa đến người dùng và chiếm lĩnh thị trường. Có lẽ đây mới là mối lo lớn đối với nền sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.

Chúng ta hãy thử đưa ra một viễn cảnh: Nếu Lazada ưu tiên cho hàng Trung Quốc, Zalora ưu tiên cho hàng Thái, các sàn còn lại như Sendo hay Tiki cũng chẳng bán hàng Việt nhiều hơn hàng Trung Quốc và hàng Thái, thì còn đâu cơ hội cho hàng Việt?

Có thể những người biết đến một vài số liệu sẽ "yên tâm" lí giải rằng: Năm 2015 thị trường TMĐT B2C tại Việt Nam đạt doanh số 4,07 tỉ USD, cũng mới chỉ chiếm 2,8% tổng thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Xa hơn một chút, năm 2014, tốp 3 sàn giao dịch TMĐT hàng đầu Việt Nam là Lazada, Sendo và Zalora cộng lại thì tổng doanh số (hơn 800 tỉ đồng) cũng chưa bằng doanh số bán hàng qua website của Thế Giới Di Động (khoảng 1.000 tỉ đồng) trong cùng năm đó. Tất nhiên so sánh này hoàn toàn mang tính thời điểm. Còn trong tương lai, sự tăng trưởng nhanh của ngành TMĐT sẽ hình thành những con số khác về thị trường.

Và như chúng tôi đã đề cập từ đầu, vấn đề cần nhìn vào là cách xây dựng thị trường như thế nào. Trên thực tế, không cần đến lúc Alibaba mua Lazada và Central Group mua Zalora thì hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan đã tràn vào thị trường Việt từ lâu rồi. Bây giờ, việc thâu tóm 2 sàn giao dịch TMĐT Lazada và Zalora chính là bước đi xây dựng thị trường trên online.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác