VnReview
Hà Nội

Tại sao người Thuỵ Sĩ từ chối "không làm vẫn có ăn"?

Đối với người dân Thuỵ Sĩ, triển vọng của việc nhận tiền lương cả năm đến 30.000 USD mà không cần làm gì không hấp dẫn.

Thuỵ Sĩ

Theo báo Thuỵ Sĩ The Local, Chủ nhật vừa rồi 77% người dân Thuỵ Sĩ đã bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu dân ý giới thiệu thu nhập cơ bản không điều kiện (UBI) – tất cả mọi cư dân Thuỵ Sĩ đều được trả tiền sinh hoạt cơ bản (còn gọi là 2.500; franc, tương đương khoảng 2.500 USD) đối với người lớn và 625 franc mỗi tháng cho trẻ nhỏ.

Kết quả bỏ phiếu này đã gây bất ngờ đối với nhiều người, ngay cả người châu Âu và Mỹ. Song với người Thuỵ Sĩ, vốn nổi tiếng là thực tế, họ có lý do để phản đối kế hoạch trả lương cho việc không phải làm gì.

Trước hết, theo tờ L'Hebdo, đối với nhiều người, ý tưởng nhận được một khoản thu nhập đảm bảo hằng tháng 2.500 franc thậm chí không cần phải làm việc dường như là không tưởng (utopia). Nhưng ở một đất nước mà "chủ nghĩa hiện thực kinh tế là một đức tính căn bản" thì việc nó bị từ chối không phải là điều đáng ngạc nhiên.

"Utopia không thuyết phục", tạp chí này viết, nhắc độc giả nhớ lại rằng trước đó người Thuỵ Sĩ đã bỏ phiếu phản đối các đề xuất có thêm nhiều ngày nghỉ, lương tối thiểu và các giới hạn đối với lương của lãnh đạo doanh nghiệp. Sai lầm chính của những người vận động cho chiến dịch lương cơ bản là họ thiếu rõ ràng về việc UBI lấy nguồn tài chính từ đâu? Người ta ước tính nếu được thực thi, sáng kiến này "ngốn" ngân sách 200 tỷ franc mỗi năm.

"Con số 2.500 franc lương hằng tháng cho mỗi người dân trong khi quá thấp để khơi dậy ham muốn lại dấy lên một câu hỏi: Tiền này sẽ lấy từ túi của ai?", tờ L'Hebdo nhấn mạnh.

Ông Laurent Wehrli, nghị sĩ đảng Tự do PLR đồng ý với quan điểm này. Phát biểu trên tờ Tribune de Genève, bà cho rằng dự án trả lương cơ bản này là quá mơ hồ và đặt nền kinh tế Thuỵ Sĩ vào tình trạng nguy hiểm. Người dân cũng hiểu được điều này (nên mới bỏ phiếu phản đối).

Còn đối với những người ủng hộ UBI, họ cũng đã lường trước được việc này vì cho rằng đơn giản ở thời điểm hiện tại đây là nguyên tắc quá lớn để người dân có thể "nuốt" được. "Người dân sợ các tác động và những yếu tố không xác định do việc thực hiện nó đem lại", bà Lisa Mazzone thuộc Đảng Xanh – chính đảng duy nhất ủng hộ sáng kiến UBI – trả lời tờ Tribune.

Phát biểu với phóng viên tờ The Local, ông Gabriel Barta, lãnh đạo Mạng BIEN Thuỵ Sĩ nói: "Những người Thuỵ Sĩ bảo thủ không thể chấp nhận một thay đổi xã hội triệt để như vậy. Ở một đất nước mà sự thịnh vượng của họ chưa bị xói mòn thì họ không thể hiểu sự cần thiết của thu nhập cơ bản. Trong khi chúng ta không thể bảo đảm xã hội sẽ không bị đảo lộn, sự cần thiết có thu nhập cơ bản vô điều kiện sẽ trở nên hiển nhiên theo thời gian. Thuỵ Sĩ đã cần đến 4 cuộc trưng cầu dân ý và 50 năm để chấp thuận lương hưu cho người già (AVS)".

Còn đối với chính phủ, sự thất bại của UBI là một phiếu bầu tự tin cho hệ thống phúc lợi xã hội hiện tại.

Công bố kết quả trưng cầu dân ý tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Thuỵ Sĩ Alain Berset nói: "Hệ thống phúc lợi của chúng ta đã được thử nghiệm và áp dụng nhiều năm nay và không cần thiết có một cuộc cách mạng nữa", ông nói. "Kết quả này cho thấy công chúng hạnh phúc với hệ thống xã hội mà chúng ta hiện có, rằng hệ thống hoạt động tốt, rằng chúng ta nên tiếp tục phát triển nó... tập thể giúp đỡ và hỗ trợ những ai cần đến nó".

Theo tờ US News, cần lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Thuỵ Sĩ rất thấp, trong quý đầu năm nay chỉ có 5,1% so với 9,2% của toàn Liên minh châu Âu (EU). Và mặc dù nước này không công nhận mức lương tối thiểu quốc gia nhưng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính công nhân Thuỵ Sĩ có thu nhập trung bình hơn 57.000 USD/năm.

Nói ngắn gọn, ở Thuỵ Sĩ số người tha thiết muốn "không làm vẫn có ăn" là khá ít so với phần còn lại của châu Âu. Do đó, cử tri nước này không có động lực để bỏ phiếu cho một sự thay đổi toàn diện cấu trúc phúc lợi lâu đời, đặc biệt khi chính sách mới có thể tiềm tàng định hình lại những thứ thiết yếu như chương trình y tế công cộng.

Thanh Xuân

Chủ đề khác