VnReview
Hà Nội

Bigo Live, Uber “nhởn nhơ” và “dây xích trói gà” start-up Việt

Có vẻ như các cơ quan quản lí của nước ta dễ "bỏ qua" cho những kẻ trốn thuế hơn là những đối tượng gây ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục. Đơn cử ngay thời điểm này là ứng dụng Bigo Live, đang bị cơ quan chức năng "soi", có thể sẽ bị "chuyển sang sự lí hình sự và ngăn chặn bằng biện pháp kĩ thuật".

Mạnh tay với các vi phạm về văn hóa…

Đó là những phát ngôn răn đe mạnh mẽ của ông Lê Quang Tự Do - Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) được Tuổi Trẻ Online dẫn lời.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là: Có chặn được dịch vụ Bigo Live không? Hầu hết các chuyên gia cho rằng "chặn được", có thể bằng nhiều cách, từ chặn các địa chỉ IP cho đến đường truyền kết nối tới máy chủ. Nhưng xưa nay, ở nước ta, chưa bao giờ có một lệnh chính thức chặn dịch vụ (ứng dụng, mạng xã hội, dịch vụ trực tuyến.v.v…) online cung cấp từ bên ngoài vào được ban hành.

Câu hỏi thứ hai: Có cơ sở để xử lí hình sự đối với Bigo Live hay không? Điều này thì nhiều ý kiến còn chưa hoàn toàn đồng thuận. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng có cơ sở và có thể. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng về trình tự, có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước, sau đó nếu tái phạm mới có thể xử lí hình sự.

Nhưng xử lí Bigo Live là xử lí ai? Vấn đề trở nên phức tạp. Hiện nay tại TPHCM có một nhóm người được cho rằng thuộc "Công ty TNHH kĩ thuật số Bigo" là đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội Bigo Live. Tuy nhiên đây mới là một cách hiểu chứ để qui kết, buộc tội lại là câu chuyện khác, đòi hỏi những chứng lí, căn cứ.v.v… rối rắm hơn rất nhiều. Trên thực tế, Bigo Live có trụ sở chính đóng tại Singapore, kí hợp đồng với các cộng tác viên "câu khách" tại Việt Nam. Việc cung cấp dịch vụ qua các ứng dụng được tải về và kích hoạt sử dụng trên smartphone hay thông qua website trên máy tính mang tính xuyên biên giới không nhất thiết cần tới bộ máy vận hành tại quốc gia sở tại. Có thể kể ra rất nhiều cái tên như Google, Facebook, Instagram, Viber, Uber, Bigo Live… đều đang tận dụng khả năng xuyên biên giới của công nghệ để cung cấp các dịch vụ trên thị trường toàn cầu và khu vực. Còn tại các quốc gia là thị trường của họ, họ chỉ cần tổ chức bộ máy tiếp thị, quảng bá dịch vụ chứ không trực tiếp kinh doanh.

Bigo Live chưa có pháp nhân công ty cũng như văn phòng đại diện tại Việt Nam, nếu qui được vào tội "hoạt động chui", thì có lẽ những nhân viên người Việt thấp cổ bé họng đang được thuê làm công ăn lương tại Việt Nam sẽ là những người đầu tiên "giơ đầu chịu báng".

Như vậy trong hai hướng xử lí, hướng xử lí thứ nhất (ngăn chặn bằng biện pháp kĩ thuật) có tính khả thi cao hơn. Nhưng một khi đã xử lí mạnh Bigo Live, thì vấn đề cũng được đặt ra đối với các trường hợp khác, đơn cử như Uber.

Nương nhẹ với các hành vi trốn thuế?

Trong suốt hai năm qua, từ dư luận cho đến các cơ quan chức năng đều cho rằng Uber trốn thuế và tạo môi trường kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách trốn thuế tại Việt Nam. Cụ thể, theo Uber thì họ có khoảng 4.000 tài xế/xe hoạt động tại Việt Nam, và họ được hưởng 20% từ nguồn thu cước hành khách đi xe Uber.

Theo đó, một ước tính được đưa ra trong trường hợp Uber tại Việt Nam như sau:

- Phép tính 1: 1 triệu đồng/ngày x 30 (ngày) x 4.000 (xe) x 20% = Doanh thu Uber tại Việt Nam/tháng.;  

- Phép tính 2: Doanh thu Uber tại Việt Nam/tháng x 25% (thuế thu nhập) = Số tiền thuế phải đóng hay Số tiền trốn thuế/tháng.

Ngoài ra, khi chính Uber tạo một môi trường hoạt động cho các tài xế, chủ xe trốn thuế, thì nhà nước cũng thất thu các khoản thuế giá trị gia tăng 10% trên tổng số 100% nguồn thu cước từ taxi Uber, Uber Moto và khoản thuế thu nhập cá nhân, thuế khoán… từ nguồn thu 80% chia cho phía chủ xe/tài xế.

Thế nhưng chúng ta chưa bao giờ được nghe đến một biện pháp mạnh "chuyển sang sự lí hình sự và ngăn chặn bằng biện pháp kĩ thuật" đối với Uber như Bigo Live đã bị răn đe. Và xa hơn lùi về vài năm trước, khi Google, Facebook được cho rằng "trốn thuế" tại Việt Nam hoặc đóng một phần cho có lệ, thì các cơ quan chức năng cũng không có điều tra làm rõ cũng như sự răn đe về một biện pháp mạnh nào đó.

Vấn đề ở đây không phải là sự khác nhau giữa hai lĩnh vực văn hóa (Bigo Live vi phạm thuần phong mĩ tục) và kinh tế (Uber không đóng thuế) mà cần qui về một điểm chung: Có vi phạm pháp luật Việt Nam hiện hành hay không? Nếu có thì phải xử lí như thế nào? Không thể chỉ dùng biện pháp mạnh với dịch vụ này trong khi lại nương nhẹ với dịch vụ kia hoặc là không động đến. Tất nhiên ở Việt Nam còn cần chừa ra một… khoảng lùi là "giơ cao đánh khẽ" hay "chìm xuồng"…

Ở thời điểm hiện nay, những Bigo Live, Uber... đang là thách thức đối với các bộ ngành và cơ quan quản lí Việt Nam dù nhìn dưới lăng kính pháp luật về kinh tế, văn hóa hay công nghệ. Việt Nam cũng chưa có được những bộ luật về việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên nền internet, chính vì thế sự bối rối trong công tác quản lí các dịch vụ mới trực tuyến liên tục thể hiện ra sự bất cập. Cần nhớ rằng trong thời đại bùng nổ start-up, sẽ còn nhiều dịch vụ mới được cung cấp trên môi trường internet ra đời tạo ra những thách thức mới lớn hơn, phức tạp hơn đối với công tác quản lí. Trong khi các dịch vụ xuyên biên giới cung cấp từ bên ngoài vào chúng ta không thể quản được, thì lại đi "dùng dây xích trói gà" đối với các start-up Việt mà điển hình là Điều 292 trong Bộ luật Hình sự 2015. 

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác