VnReview
Hà Nội

Thế Giới Di Động: Ai cũng muốn “quật ngã”, ai cũng muốn “chiều chuộng”…

Đêm 20/7/2016, trong khán phòng tầng 5 của GEM Center tại TPHCM,; ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động - tuyên bố: "Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam". Đã có một số nét mặt khó chịu vì câu nói "xanh rờn" kia. Nhưng dẫu thế, thì thực tế vẫn không thể thay đổi lúc này và thậm chí một thời gian dài nữa: Ông Tài đang nói đúng.

Ai đủ sức "quật ngã" Thế Giới Di Động trên thị trường bán lẻ hàng công nghệ? Câu hỏi này có lẽ đặt ra cho thì tương lai ít nhất là sau 3 năm nữa, với điều kiện… Thế Giới Di Động tạm thời đứng yên còn các chuỗi khác phải tăng tốc phi mã. Nhưng đây có lẽ là một việc bất khả thi.

Nếu tính quãng đường mục tiêu đến hết năm 2016, Thế Giới Di Động cán mức 1,5 tỉ USD doanh thu, còn tới hết năm 2017 dự kiến họ có hai hệ thống bán lẻ (Thegioididong.com và Điện Máy Xanh) vượt mức doanh thu 1 tỉ USD mỗi hệ thống, thì khoảng cách tạo ra với các chuỗi còn lại càng xa vời vợi…

Thế Giới Di Động đã làm thay đổi thị trường bán lẻ hàng công nghệ từ một phương thức bán lẻ mới (mô hình bán lẻ hiện đại), thái độ phục vụ, cho đến thế cục trên thị trường. Họ từ chỗ chạy theo Nguyễn Kim trong lĩnh vực bán lẻ hàng điện máy nhưng chỉ cần kết thúc năm 2016 này thôi vị trí các chuỗi bán lẻ trên thị trường điện máy có thể sẽ thay đổi. Và tiếp năm sau nếu Điện Máy Xanh cán mức doanh thu 1 tỉ USD thì "ngôi vương" bán lẻ điện máy khó vuột khỏi tay họ. 

Thế Giới Di Động đang trên bước đường trở thành "gã khổng lồ" trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ ghi nhận được hai nhà bán lẻ đạt doanh số vượt 1 tỉ USD/năm là Saigon Co.op (hơn 22.000 tỉ đồng) và Thế Giới Di Động (trên 25.000 tỉ đồng).

Nhìn sự lớn mạnh nhanh chóng của Thế Giới Di Động sau những năm kinh tế trì trệ trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động trễ đến Việt Nam, chợt nhớ lại một câu, cũng phát ra từ ông Nguyễn Đức Tài: "Thế Giới Di Động không bận tâm đến doanh nghiệp bán lẻ nào của nước ngoài vào Việt Nam". Đó là thời điểm cách đây khoảng 18 tháng, cũng trong một cuộc họp mặt báo chí, có những câu hỏi đặt ra về việc Central Group của Thái Lan mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim, với tiềm lực hùng mạnh có thể gây "khó dễ" trong cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ hàng công nghệ Việt Nam.   

Ở Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, chuỗi bán lẻ thứ hai có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng là FPT Shop. Bởi trước đó, FPT Shop còn là đàn em xếp sau khá xa Viettel Store và Viễn Thông A. Nhưng chỉ từ năm 2014-2015 họ đã bứt phá cả về số shop, doanh thu, cách bán hàng và cung cách phục vụ. Theo Công ty CP FPT, trong 6 tháng đầu năm 2016, chuỗi bán lẻ FPT Shop chính là một trong những điểm sáng nhất của họ: Doanh thu tăng 32% so với cùng kì năm trước, số shop mới mở thêm được 66 nâng tổng số shop lên trên 320. Nhưng ngay trong trường hợp FPT Shop có đạt được doanh thu mục tiêu năm 2016 trên 10.000 tỉ đồng đi nữa thì dù có cộng cả với doanh thu của vị trí thứ 3 và thứ 4 chắc cũng chỉ xấp xỉ hoặc vẫn kém cạnh chút so với tổng doanh thu cả năm của Thegioididong.com dự kiến sẽ vượt mức 25.000 tỉ đồng.

Chúng ta đang không có nhiều thông tin được xác thực từ vị trí số 3 và số 4 trên thị trường bán lẻ hàng công nghệ. FPT và Thế Giới Di Động đã lên sàn, các con số được công bố rõ ràng theo qui định. Tuy nhiên đối với Viettel Store và Viễn Thông A, chúng ta cũng khó biết chuỗi nào đang ở vị trí thứ 3 và chuỗi nào đang ở vị trí thứ 4. Về số lượng shop công bố, Viettel đang nhỉnh hơn Viễn Thông A (khoảng 300 shop so với trên 220 shop), nhưng về doanh thu thì chưa thể xác thực được.

Viettel Store chỉ là một nhánh nhỏ trong Tổng công ty Viettel đồ sộ về cả qui mô, tổ chức và doanh thu, chưa được xem là nhánh sống còn, vì thế việc đầu tư còn giới hạn, đặc biệt là các vị trí mặt bằng mở shop với độ phủ còn thưa thớt tại các đô thị lớn, bộ máy chuyên kinh doanh bán lẻ, cung cách bán hàng và phục vụ. Viettel Store đang trong trạng thái bình bình và nếu có lãi ngàn tỉ một năm thì cũng chỉ chiếm "1 phần – bốn – mươi – mấy" (năm 2015 Viettel đạt tổng lợi nhuận hơn 45.000 tỉ đồng) trong tổng lợi nhuận của Tổng công ty mà thôi.

Nhìn vào thị trường bán lẻ hàng công nghệ trong khoảng 10 năm trở lại đây, trường hợp đáng tiếc nhất là chuỗi Viễn Thông A. Họ từng "kẻ tám lạng người nửa cân" với Thế Giới Di Động, nhưng mô hình quản trị gia đình kéo theo tư duy "của đau con xót" kiểu gia đình đã trì níu khiến chuỗi này không thể phát triển nhanh bởi khó thu hút được nhân tài của ngành bán lẻ về đóng góp lâu dài. Họ đã nhận được sự đầu tư từ đối tác nước ngoài khá sớm (TD Mobile của Nhật…) nhưng rồi cũng không thay đổi được cung cách quản trị và tổ chức gia đình trấn giữ.

Thị trường bản lẻ hàng công nghệ tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh, nhiều chuỗi mới mở ra như VinPro của Vingroup, Cửa hàng bán lẻ thiết bị đầu cuối MobiFone…, nhưng nhìn chung thứ trật vị trí lại khá tẻ nhạt. Bởi cứ theo đà này, thị trường bán lẻ hàng công nghệ rất dễ phân hóa theo hướng "Thế Giới Di Động và phần còn lại" dẫn đến những hệ lụy nhất định đối với nhà sản xuất và phân phối. Khi đó, để ai đó "quật ngã" được đã không dễ rồi nhưng để "chiều chuộng" được có khi còn khó hơn!

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác