VnReview
Hà Nội

Ai mới có thể “giải mật” thương vụ MobiFone mua AVG?

Từ chiều ngày 1/8/2016, sau khi có thông tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, thì cho đến thời điểm này, câu hỏi về trị giá thương vụ là bao nhiêu vẫn còn trong vòng "bí mật"…

Vì sao dư luận quan tâm đến trị giá thương vụ?

Thương vụ MobiFone mua AVG đã râm ran hơn một năm trước nhưng phải đến đầu năm 2016 MobiFone mới chính thức công bố thông tin mua lại 95% cổ phần của AVG, nhưng cũng chỉ vỏn vẹn có vài dòng đề cập đến thương vụ này và tịnh không tiết lộ giá mua là bao nhiêu. Ngay sau đó, giá trị thương vụ càng khiến giới truyền thông tò mò tìm hiểu nhưng đáp trả lại không hề có một thông tin xác thực chính thức nào.

Theo Báo Đầu tư: "Đầu năm 2016, MobiFone cũng chính thức thông tin về việc mua lại 95% cổ phần tại Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) nhằm chuẩn bị; cho việc phát triển tập trung vào 4 mảng chính gồm: di động, truyền hình, bán lẻ và đa phương tiện. Thời điểm đó, MobiFone đã từ chối câu hỏi của Báo Đầu tư về giá trị mua 95% cổ phần của AVG là hơn 8.900 tỷ đồng vì "điều khoản bảo mật giữa hai bên, MobiFone không thể tiết lộ được".

Đã từng có nhiều ý kiến bày tỏ rằng, MobiFone là doanh nghiệp nhà nước, tiền nhà nước thì cũng là tiền của dân, người dân muốn việc chi tiêu đồng tiền của nhà nước cần phải minh bạch và được thông tin chính thức là chuyện hoàn toàn chính đáng khi nhà nước của ta là "của dân, do dân và vì dân". Nhưng vì sao không được đáp ứng?

Lí do lớn nhất khiến dư luận "sôi sùng sục" muốn biết MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG giá bao nhiêu chính vì AVG từ khi bước vào thị trường truyền hình trả tiền cho đến lúc "bán được" cho MobiFone bị cho rằng đang kinh doanh thua lỗ. Và trên thực tế, chính ông Lê Nam Trà chứ không ai khác đã phát biểu vào tháng 7/2016 cho biết rằng lần đầu tiên MobiTV – tên mới của truyền hình AVG – có lãi sau khi thuộc về MobiFone. Vì thế, dư luận càng "sôi sùng sục" bởi không hiểu vì sao MobiFone lại đi mua lại một doanh nghiệp đang thua lỗ với mức giá được "xì xào" là lên tới 8.900 tỉ đồng? Bởi rất nhiều ý kiến trong đó có cả các chuyên gia cho rằng, AVG không thể đạt tới mức giá như thế. Vậy thì còn có gì đáng để cho người dân lo lắng hơn, là đồng tiền của nhà nước, của dân có thể bị thất thoát bằng cách này hay cách khác?

Dân mong ngóng Thanh tra "giải mật" thương vụ

Thương vụ MobiFone mua AVG đã gây ra sự ức chế vì thiếu minh bạch thông tin một thời gian khá dài vừa qua. Chính vì thế hoàn toàn dễ hiểu rằng, khi nghe có thông tin Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện thương vụ này, dư luận nói chung đã bày tỏ sự ủng hộ cao độ.

Như vậy, chính thức những gì được cho rằng "bảo mật", "không thể tiết lộ", được xem là "vùng cấm" lâu nay sẽ bị thanh tra làm rõ. Và theo như lời của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng thì "Không có vùng cấm khi thanh tra MobiFone mua lại AVG". Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh "những chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới thanh tra toàn diện thương vụ MobiFone mua lại AVG là một trong những chỉ đạo nhằm quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm...". Dư luận nghe được những lời này như mở từng khúc ruột!

Thiết nghĩ, việc thanh tra thương vụ MobiFone mua AVG trong mong muốn của dư luận trước hết là để minh bạch. Nếu vụ việc là chuyện thuận mua vừa bán, giá cả phải chăng, hai bên đều có lợi.v.v… thì tại sao phải bí mật thông tin về giá trị thương vụ, làm ăn đường đường chính chính thì có gì phải giấu. Trong trường hợp ngược lại nếu dư luận có hiểu lầm hay "đổ oan" cho bên bán và bên mua, thì qua cuộc thanh tra có thể làm rõ để xác thực thông tin, nghĩa là khi đó từ "giải mật" mới có thể "giải oan" cho thương vụ này.

MobiFone là một thương hiệu dịch vụ viễn thông uy tín, những năm qua luôn nằm trong tốp 10 thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam, được người tiêu dùng tín nhiệm, các thông tin kinh doanh từ phát triển thuê bao mới, tổng số thuê bao kích hoạt cho đến doanh thu, lợi nhuận… đều luôn được công bố công khai. Vì thế, nếu những thông tin xung quanh thương vụ sáp nhập đầy nhạy cảm với AVG không được kịp thời "giải mật" mà cứ tiếp tục giữ bí mật thì chính điều này sẽ bào mòn uy tín, hình ảnh của MobiFone.

"Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng là trong quá trình thanh tra toàn diện nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Tinh thần "không có vùng cấm" trong xử lý sai phạm. Bất cứ tổ chức cá nhân nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình được phân công để thu lợi bất chính, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và công khai trước công chúng, nhân dân", vẫn là lời khẳng định chắc nịch của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng được VnExpress dẫn lại.

Vâng, người dân đang mong lắm, trước hết là "công khai trước công chúng, nhân dân" những thông tin quan trọng về vụ sáp nhập; sau đó xem xét có sai phạm hay không, sai phạm đến đâu tùy mức độ mà chuyển cho các cơ quan chức năng xử lí theo pháp luật.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác