VnReview
Hà Nội

Cầu xây bằng xốp: rút lõi công trình hay khoa học?

Khi nhìn hình ảnh cầu Zét, xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lộ ra những miếng xốp bọt biển trong hai trụ chính và nhiều đường tiếp giáp giữa các khối bê tông ở hai bên đầu cầu, nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ. Họ nghi ngờ cầu đã bị "rút lõi" công trình, bất chấp an toàn của người dân đi lại sau này.

Cầu Zét

Xốp bọt biển ở trụ cầu Zét (Chương Mỹ, Hà Nội) thực ra chỉ là hố chờ đặt hộp kỹ thuật. Ảnh: TTO

Ngay sau đó, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã đến kiểm tra hiện trường và được cho biết "các vị trí có xốp ở thành lan can cầu là vị trí chân cột đèn chiếu sáng. Tại đây được thiết kế các hộp kỹ thuật để đấu nối điện có kích thước 0,2m x 0,3m x 0,2m.

Việc đặt xốp vào các vị trí này là để tạo khuôn hình cho đúng kích thước hộp kỹ thuật. Sau đó, chỉ cần dỡ xốp ra để luồn cáp điện mà không cần phải đục phá bêtông. Giải pháp này cũng được sử dụng tại các vị trí chờ thi công khe co giãn", theo báo Tuổi trẻ đưa tin ngày 8/9/2016.

Có thể những giải thích kèm minh chứng tại hiện trường chưa đủ thuyết phục một số người. Nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện một điều khá thú vị: ở Mỹ, người ta đã nghiên cứu xây cầu bằng cách lắp ghép những tấm xốp khổng lồ - một công nghệ vừa giảm thời gian thi công, giúp tiết kiệm, lại chịu lực tốt, ổn định cao, phù hợp với những địa hình nền móng yếu. Ở Việt Nam đã có nghiên cứu sử dụng một loại vật liệu nhẹ cho nền đường đất yếu tại tỉnh Long An, tuy nhiên để áp dụng và triển khai đem lại hiệu quả cần thêm nhiều kinh nghiệm từ việc tính toán đến thực nghiệm cũng như ban hành các quy trình, quy phạm, đơn giá áp dụng...

Xốp bọt biển làm đường

Những tấm geofoam đang được đặt dưới đường cao tốc Bắc Texas để giúp ổn định nền đường trong thời gian dài hơn so với xây dựng truyền thống. Ảnh: UT Arlington.

Trong khi đó, theo trang Phys.org, nhóm nghiên cứu ở trường Đại học Texas ở Arlington (UTA) đang sử dụng những tấm bọt biển nhẹ bẫng khổng lồ để tăng cường cho mặt đất bên dưới cầu và đường và làm chậm lại sự ổn định của cầu đường.

Giáo sư Anand Puppala, Phó hiệu trưởng UTA chuyên về Cơ khí dân dụng cho biết phần lớn các thành phố lớn nhất trên thế giới thường được xây dựng ở những khu vực gần sông nên nền đất mềm, dễ lún. Như ở Texas, số lượng lớn cầu trong tổng số 52.000 cây cầu ở bang này gặp phải vấn đề "mọc bướu" ở đầu cầu do độ ổn định của đất dưới kém.

Dự án nghiên cứu dùng bọt biển xây cầu này được Sở GTVT Texas tài trợ 336 nghìn USD. Khoản tiền này sẽ giúp các nhà nghiên cứu thử nghiệm sử dụng những khối bê tông xốp bọt (geofoam) để xử lý vấn đề đã nói ở trên. Các block này có kích thước: 6.5 feet x 2.5 feet x 2.5 feet ( 1,98m x 0,76m x 0,76m). Các nhà khoa học có biết chất liệu làm những tấm này có cùng chất liệu như trong cốc giấy uống cà phê sử dụng một lần nhưng có thêm hoá chất chống cháy và một hoá chất ngăn chặn côn trùng gặm nhấm, đào xuyên qua các tấm xốp.

Mặt cắt đường bê tông xốp

Mặt cắt của công trình cầu đường sử dụng xốp: Ở giữa, các tấm xốp xếp chồng lên nhau, đến lớp bê tông dày 8 inch (khoảng 20 cm), tiếp đến là lớp móng trên (road base) và trên cùng là lát đường.

"Nếu bạn đặt một thứ gì đó nặng, như một cây cầu hoặc một con đường, trên nền đất yếu, nó sẽ ép lún đất theo thời gian", ông Puppala nói. "Các khối Geofoam cắt giảm trầm tích, có thể được xếp chồng lên nhau; và không đồn lực lên nền đất do vậy cấu trúc an toàn hơn và ổn định hơn".

Nhóm nghiên cứu đã lắp đặt các tấm bê tông xốp ở một cây cầu ở Hạt Johnson để làm chậm lại quá trình sụt lún ở lối vào cầu. Khu vực này đã bị lún 17 inch (hơn 43cm) kể từ năm 1995, tức mỗi năm gần 1 inch, do chịu quá tải lưu lượng xe tải hạng nặng.  Nhóm nghiên cứu đại học UTA đã thay thế kè gần gầu bằng các tấm geofoam hồi năm 2012. Đến năm 2015, mức độ lún đo được là chưa đến 1 inch. Các nhà nghiên cứu dự tính sẽ tiếp tục giám sát xem hiệu quả lắp đặt geofoam để chống lún đến đâu.

"Trước đây người ta đã sử dụng một số giải pháp để chống lún nhưng không giải pháp nào hiệu quả. Nhưng kết quả của geofoam là rất khích lệ. Chúng tôi đang bàn bạc việc sử dụng vật liệu này ở các cầu khác nữa", ông Puppala nói.

Để lắp đặt các tấm bê tông siêu nhẹ, các kỹ sư phải đào khu vực thi công để ghép các tấm bê tông xốp lên nhau sau đó phủ chúng bằng đất và cuối cùng rải mặt đường lên trên cùng.

Ngoài xây dựng cầu đường, vật liệu siêu nhẹ geofoam còn được ứng dụng trong xây dựng như làm vách ngăn, tấm chống nóng, cách âm cách nhiệt...

Do đó, nếu sau này chúng ta bắt gặp việc sử dụng tấm xốp trong xây dựng thì cũng không nên ngạc nhiên, hoảng sợ hay nghi ngờ.

Minh Hương

Chủ đề khác